“Tài xế xe dịch vụ sử dụng bia rượu trước và trong khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Còn chủ xe sẽ được mời lên Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15.11”, thượng tá Dũng cho biết.

Chủ xe bị phạt nặng nếu tài xế uống bia, rượu: Người mừng, kẻ lo

Thanh Anh | 06/11/2020, 12:15

“Tài xế xe dịch vụ sử dụng bia rượu trước và trong khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Còn chủ xe sẽ được mời lên Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15.11”, thượng tá Dũng cho biết.

Tá hỏa vì quy định tài xế uống rượu chủ xe bị phạt

Mấy ngày qua ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ dịch vụ kinh doanh xe du lịch ở Tiền Giang chạy đôn chạy đáo hỏi thăm thông tin chủ xe sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu tài xế của cơ sở bị phát hiện có sử dụng rượu bia trước và trong khi tham gia giao thông. Khi biết được đây là thông tin chính xác được quy định tại khoản 2 điều 34 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15.11, ông Hoàng vò đầu bứt tóc kêu trời.

1.jpg
Đám tiệc ở nông thôn, chủ tiệc rất hay ép tài xế vài ly - Ảnh: Thanh Anh

Ông Hoàng than thở: “Chở khách đi 1 cuốc xe từ Mỹ Tho về các huyện xa như Cái Bè, Gò Công Đông, mất cả ngày mà tiền thu được chỉ 600.000 - 700.000 đồng. Tài xế lỡ uống chút rượu, bia thì cảnh sát xử phạt tài xế theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là đúng rồi, nhưng bây giờ chủ xe, chủ dịch vụ lại bị phạt thêm 5 - 10 triệu đồng thì oan quá, chuyến này chắc phải… bỏ nghề thôi”.

Theo ông Hoàng lâu nay chuyện tài xế buộc phải uống chút ít rượu, bia khi chở khách đi về các vùng nông thôn dự đám giỗ, tân gia, thôi nôi, đám cưới, đám hỏi… là chuyện khó có thể tránh khỏi. “Dân nông thôn rất hiếu khách. Mỗi khi nhập tiệc thì họ thường mời tài xế vào dùng cơm chung với gia đình, không để tài xế phải tự lo cơm nước như khi chở khách đi TP.HCM.

Mà đám tiệc ở nông thôn thì người ta uống bia, uống rượu cũng rất thiệt tình nên thường ép cánh tài xế phải uống vài ly cho gia chủ vui lòng, nếu không uống thì họ giận. Một người mời mọc, tài xế có thể từ chối, nhưng cả bàn tiệc cùng xúm vào ép uống thì tài xế khó lòng mà chối từ. Vì vậy trên đường về, nếu hên thì không gặp CSGT thổi lại kiểm tra, nếu xui thì đành chịu bị xử phạt”, ông Hoàng lý giải.

Trong khi đó ông Lê Văn Tý, chủ dịch vụ xe du lịch ở Long An rất khó ngăn chặn, kiểm soát việc các tài xế uống chút ít rượu bia khi chở khách đi đám tiệc. “Từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, tui nghĩ các tài xế đều ý thức được việc uống rượu bia khi điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị CSGT xử phạt nặng. Nhưng khi chở khách đi đám tiệc ở các vùng nông thôn, tài xế rất khó từ chối không vào ăn cơm với gia chủ, mà đã vào ăn cơm thì rất khó từ chối 1-2 ly bia, ly rượu.

2.jpg
Nhiều vụ tai nạn xảy ra vì tài xế say rượu - Ảnh: Thanh Anh

Nếu từ chối thẳng thừng thì gia chủ và khách thuê xe không vui, có nguy cơ mất mối chở khách, chưa kể đến việc sẽ bị mấy ông bợm nhậu miệt vườn say xỉn kiếm chuyện xài xể, gây sự. Tui nghĩ Nghị định 100 xử phạt nặng tài xế sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là quá đủ rồi, bây giờ xử phạt luôn chủ xe thì căng quá, vì chủ xe chỉ ngồi ở nhà, làm sao ngăn cản được mấy ông tài xế? Không lẽ tài xế chở khách đi đám tiệc thì chủ xe cũng phải đi theo xe để… canh chừng mấy bác tài?”.

Chủ xe bị phạt vì thiếu trách nhiệm

Theo thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang lâu nay tình hình tai nạn giao thông có giảm nhưng tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia trước và trong khi tham gia giao thông vẫn còn xảy ra khá nhiều. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10, Phòng CSGT Công an Tiền Giang đã kiểm tra xử lý 2.739 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng bia, rượu, xử phạt số tiền hơn 15 tỉ đồng, tước 2.739 giấy phép lái xe và tạm giữ 2.739 trường hợp.

“Khoản 2 điều 34 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải số tiền từ 5 - 10 triệu đồng do những người này có hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể là những người này đã không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Tôi nghĩ khi Nghị định 117 có hiệu lực, các chủ dịch vụ kinh doanh cho thuê xe du lịch và xe ô tô tải khi ký hợp đồng thuê người làm việc phải buộc các tài xế làm cam kết không sử dụng rượu, bia, nước uống có cồn trước và trong khi tham gia giao thông”, thượng tá Dũng cho biết.

Theo thượng tá Dũng khi Nghị định 117 có hiệu lực, khi phát hiện tài xế của dịch vụ xe du lịch vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham, gia giao thông thì tài xế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Còn chủ dịch vụ sẽ được mời đến Phòng CSGT cho xem các chứng cứ vi phạm của tài xế (biên bản vi phạm) và tiến hành xử phạt theo Nghị định 117. Trả lời câu hỏi nếu chủ xe bị xử phạt mà vẫn cố tình không chấp hành thì sẽ xử lý thế nào, thượng tá Dũng cho biết sẽ có các giải pháp để buộc chủ xe phải thực hiện quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Còn Phòng CSGT Công an tỉnh Long An cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9 đã kiểm tra xử lý hơn 1.600 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 1.604 phương tiện, tước 1.139 giấy phép lái xe các loại, phạt tiền hơn 6 tỉ đồng.

Trong khi các chủ dịch vụ xe du lịch đang lo sốt vó vì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 117 thì người dân lại bày tỏ sự đồng tình. Ông Trần Văn Phong, người dân TP.Tân An, cho rằng chủ dịch vụ không thể viện lý do khó kiểm tra, ngăn chặn việc tài xế sử dụng rượu, bia khi chở khách đi đám tiệc để thoái thác trách nhiệm.

“Tui nghĩ chủ dịch vụ phải cương quyết và có giải pháp cứng rắn để buộc các tài xế làm cam kết không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu tài xế nào đã cam kết mà vẫn vi phạm thì chủ dịch vụ phải sa thải, thuê tài xế khác để bảo đảm an toàn cho hành khách”.

3.jpg
Vụ tai nạn kinh hoàng ngày 2.1.2019 ở Bến Lức làm nhiều người thương vong do tài xế uống rượu trước khi điều khiển xe container - Ảnh: Thanh Anh

Theo ông Phong, cho đến nay ở Long An nhiều người vẫn còn nhớ rõ vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên quốc lộ 1A xảy ra vào chiều 2.1.2019 tại ngã tư Bình Nhựt (thuộc ấp 3, xã Nhựt Chánh, H.Bến Lức), tài xế Phạm Thành Hiếu (SN 1987, ngụ ấp 1 xã Thạnh Đức, H.Bến Lức) sau khi uống rượu đã điều khiển xe container chở hơn 40 tấn gạo lao thẳng vào dòng người đang dừng chờ đèn đỏ. Vụ tai nạn thảm khốc đã làm 3 người chết tại chỗ, 1 người chết tại bệnh viện và 18 người bị thương phải đi viện cấp cứu, trong đó có nhiều người bị thương rất nặng, 21 chiếc xe máy bị hư hỏng hoàn toàn.

“Trong vụ tai nạn này, tài xế Hiếu đã bị xử tù, còn chủ xe phải tốn nhiều tỉ đồng bồi thường cho các nạn nhân. Lúc đó chủ xe cho rằng mình không biết tài xế Hiếu đi nhậu trước khi điều khiển xe chở gạo từ Long An về TP.HCM nên không bị xử lý trách nhiệm. Nếu vụ tai nạn xảy ra ở thời điểm Nghị định 117 có hiệu lực thì ngoài việc bồi thường chắc chắn chủ xe container gây tai nạn sẽ bị phạt tiền đến 10 triệu đồng”, ông Phong nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ xe bị phạt nặng nếu tài xế uống bia, rượu: Người mừng, kẻ lo