Trong xét xử các vụ án hình sự, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Chưa phát hiện trường hợp kết án oan

Lam Thanh | 06/11/2020, 10:17

Trong xét xử các vụ án hình sự, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Chưa phát hiện trường hợp kết án oan

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa 14 và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 13.

toa-an.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định, với việc quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, hoạt động của hệ thống tòa án nhân dân trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác.

Các tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét; thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Nhiều tòa án địa phương đã chủ động xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức các “Phiên tòa mẫu”, “Phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm”... Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng.

Về bồi thường, từ ngày 1.10.2015 đến ngày 30.9.2020, các tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp.

Các tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường. Công tác giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được các tòa án thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.

Về nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc, tòa án nhân dân tối cao đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng cao; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

“Trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội”, báo cáo nêu.

Trong xét xử các vụ việc dân sự, đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; khuyến khích công tác hòa giải; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết tốt vụ án.

Trong xét xử các vụ án hành chính, các tòa án đã quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tính đến ngày 30.9.2020 không còn vụ án nào quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của tòa án.

Về thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, TAND Tối cao đã thành lập 38 tòa gia đình và người chưa thành niên tại các tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Các tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ nên hầu hết các vụ án xâm hại trẻ em đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, trong thời hạn luật định. Mức hình phạt mà các tòa án đã tuyên phạt bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Về các giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập tới là: tăng cường xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn pháp luật và phát triển án lệ.

Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, tòa án các cấp…

Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ

Theo Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, về lĩnh vực giao thông vận tải, một số công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ; việc đầu tư, xây dựng phát triển vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu; tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội; tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, còn một số địa phương chưa hoàn thành mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

Ở lĩnh vực công thương, hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại. Ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc triển khai chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu…

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm.

Cụ thể, nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất GTGT 5% đối với phân bón (Quốc hội sẽ có ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thuế GTGT phân bón tại kỳ họp này), bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thì sẽ tháo gỡ được cho các dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình và có thể đưa DAP-1 Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong thời gian tới.

Một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại tiếp tục đầu tư, hiện đang thương thảo với nhà đầu tư vào các dự án như: Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 và Dự án Thép Việt Trung.

Về Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng; cho đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 86% khối lượng; Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, hoàn thành xây dựng nhà máy đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng và an toàn.

Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 62 của Quốc hội. Từng bước đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường còn bất cập. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch. Một số bất cập giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện còn chưa được xử lý triệt để.

Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Chưa phát hiện trường hợp kết án oan