Một số người dân ở xã Vĩnh Hưng cho biết nhiều năm qua không nhận được một số khoản tiền chính sách theo quy định. Chỉ đến khi họ thắc mắc và phản ánh việc này lên cán bộ phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội xã thì mới được chi trả.

Bạc Liêu: Nhiều người có công nghi bị ăn chặn tiền chính sách

Thanh Nguyên | 05/11/2020, 10:00

Một số người dân ở xã Vĩnh Hưng cho biết nhiều năm qua không nhận được một số khoản tiền chính sách theo quy định. Chỉ đến khi họ thắc mắc và phản ánh việc này lên cán bộ phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội xã thì mới được chi trả.

Anh Huỳnh Văn Thông (SN 1972) ngụ ấp Tam Hưng, xã Vĩnh Hưng, H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu phản ánh, anh được mẹ vợ (ba vợ anh là liệt sĩ) ủy quyền trực tiếp lãnh tiền chế độ chính sách hàng tháng từ năm 2001 đến 2020. Gần đây, mẹ vợ anh chuyển về xã lân cận sinh sống nên việc nhận tiền cũng được xã này chi trả. Cũng từ đây, anh Thông phát hiện khoản tiền điều dưỡng lẽ ra mẹ vợ anh được nhận ở xã Vĩnh Hưng nhiều năm qua không được chi trả, trong khi xã mới trả đủ.

1.jpg
Nhiều người dân ở xã Vĩnh Hưng, H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu nghi bị ăn chặn tiền chính sách - Ảnh: Thanh Nguyên

Theo anh Thông, vào tháng 9.2020, cán bộ thương binh xã hội đến nhà và cấp tiền điều dưỡng năm 2018 là hơn 1,1 triệu đồng. Qua tìm hiểu thì anh được biết khoản tiền này được chi trả 2 năm một lần cho người có công. Khi anh Thông hỏi những năm còn lại - bắt đầu từ năm 2010 thì cán bộ này trả lời không biết. Quá bức xúc nên anh Thông và mẹ vợ có gửi đơn đến Ban Tiếp dân huyện Vĩnh Lợi yêu cầu làm rõ vấn đề trên.

Sau đó, anh Thông phát hiện năm 2014 xã có chi trả khoản tiền điều dưỡng này cho mẹ vợ nhưng người ký nhận là Huỳnh Trung Thông chứ không phải tên anh. Mặt khác, anh cho biết không hề biết hay ký nhận khoản tiền điều dưỡng nào vào năm 2014. Anh Thông cho rằng danh sách này đã bị ký khống để khoản tiền điều dưỡng hơn 1,1 triệu đồng/năm rơi vào người khác.

Giữa tháng 10.2020, anh Thông có đơn yêu cầu chính quyền H.Vĩnh Lợi làm rõ vấn đề trên. Trao đổi với PV, anh còn cung cấp thêm tên của 5 người dân khác không nhận được khoản tiền điều dưỡng này. Anh nghi ngờ còn nhiều hộ có thân nhân là người có công cũng giống hoàn cảnh như anh.

Một vấn đề nữa làm anh Thông bức xúc là có 1 cán bộ trong đoàn kiểm tra đến mời mẹ vợ anh lên xã làm việc về vấn đề này. “Nhưng họ chỉ nói miệng mà không có giấy mời nên mẹ tôi không đồng ý. Chúng tôi muốn được làm rõ những vấn đề này, không phải cho cá nhân tôi mà còn nhiều người khác ở xã Vĩnh Hưng”, anh Thông bức xúc cho biết.

2.jpg
UBND xã Vĩnh Hưng đang phối hợp với H.Vĩnh Lợi để làm rõ những vấn đề bất cập mà người dân phản ánh - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Trịnh Quốc Sự, thương binh 4/4 (56 tuổi) ở ấp Trung Hưng 2, cho biết nhiều năm qua ông đi làm công nhân ở tỉnh khác nhưng các khoản tiền chính sách đều giao cho người thân đi nhận thay. Ông Sự được nhận tiền chính sách đã 30 năm qua, số tiền tăng dần theo thời gian và hiện nay mỗi tháng ông nhận được hơn 1,8 triệu đồng. “Từ trước tới giờ, tôi không hề biết đến khoản tiền điều dưỡng, cũng chưa từng được đi điều dưỡng lần nào. Gần đây mới nghe đứa cháu nói có khoản tiền này”, ông Sự nói.

Ông T.V.H. - thương binh ở ấp Tam Hưng phản ánh, ông được nhận chế độ điều dưỡng vào năm lẻ (năm 2015 và 2019) và ông được đi điều dưỡng. Còn những năm còn lại ông không đi và cũng không nhận được tiền. Ông H. nói: “Nếu mình không đi điều dưỡng thì sẽ nhận được tiền, số tiền mỗi lần chỉ hơn 1,1 triệu đồng, nhưng chúng tôi rất quý, trông chờ. Chúng tôi đã xả thân trong chiến tranh, nay gặp phải cảnh này thì cảm thấy rất buồn”. Ông H. cho biết thêm, 1 người thân của ông cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, nói rằng danh sách người dân được nhận chế độ điều dưỡng ở xã là khoảng hơn 100 người. Ông cũng cho biết đang phối hợp với H.Vĩnh Lợi để làm rõ những vấn đề mà người dân phản ánh. Theo ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Lợi, sau khi nhận được phản ánh của người dân, huyện đã tổ chức kiểm tra lại vấn đề trên.

“Chế độ cho người có công là không được làm sai, nếu có sai sót huyện sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm. Một số trường hợp do nhận giùm, nhận thay nên có thể gặp chút vấn đề. Chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này để sớm trả lời cho bà con”, ông Phúc thông tin.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Nhiều người có công nghi bị ăn chặn tiền chính sách