Theo kết luận điều tra, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai rằng tiền huy động được từ trái phiếu, bị can dùng không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh dùng tiền huy động từ trái phiếu vào việc gì?

Nhã Thanh | 01/10/2023, 13:17

Theo kết luận điều tra, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai rằng tiền huy động được từ trái phiếu, bị can dùng không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Như Một Thế Giới đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, con trai ông Dũng) cũng bị đề nghị truy tố…

Chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 khách hàng

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2021-2022, Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính; dư nợ các ngân hàng khoảng 14.000 tỉ đồng, nhiều khoản nợ đã đến hạn nhưng không thể thanh toán...

Ông Dũng được con trai báo cáo rằng không thể tiếp tục vay vốn các ngân hàng, đề xuất chủ trương phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn cho Tân Hoàng Minh vay sử dụng và ông Dũng đã đồng ý để thực hiện.

Về chủ trương lựa chọn tổ chức phát hành trái phiếu, phương án, mục đích phát hành, ông Dũng không chỉ đạo cụ thể mà giao cho Việt và cấp dưới thống nhất thực hiện. Khi thống nhất được các vấn đề liên quan phát hành trái phiếu, Đỗ Hoàng Việt báo cáo miệng với ông Dũng và được ông Dũng đồng ý cho thực hiện.

Đối với các tờ trình, báo cáo đề xuất phát hành trái phiếu của Trung tâm Tài chính kế toán, Ban nguồn vốn và Đỗ Hoàng Việt ký trình Chủ tịch, Tổng giám đốc xin chủ trương, do đã đồng ý báo cáo miệng của Việt nên ông Dũng không ký mà giao cho Việt ký thừa ủy quyền, bút phê “đồng ý”, làm căn cứ triển khai trong toàn Tân Hoàng Minh.

Sau đó, các tờ trình này được gửi lên văn phòng Chủ tịch, Tổng giám đốc, kèm tài liệu, hồ sơ phát hành trái phiếu để làm cơ sở đóng dấu Tân Hoàng Minh và các công ty liên quan trong tập đoàn.

thm-2-sua-06383814.jpg
Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) - Ảnh: Internet

Tháng 7.2021, ngay khi các gói trái phiếu đang làm thủ tục phát hành, ông Dũng quyết định thành lập Trung tâm Kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh và giao cho Việt chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu. Sau mỗi đợt phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua trái phiếu từ các công ty phát hành (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông), lấy uy tín Tân Hoàng Minh để bán rộng rãi cho nhà đầu tư.

Việt hoặc Trung tâm Kinh doanh trái phiếu trình giấy ủy quyền để Đỗ Anh Dũng ủy quyền cho Lê Văn Thịnh (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 21 cá nhân tại Tân Hoàng Minh ký hợp đồng, thủ tục bán trái phiếu, huy động tiền của người mua trái phiếu cho tập đoàn sử dụng.

Theo kết luận, Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 10.030 tỉ đồng. Ngay sau đó, Tân Hoàng Minh ký các hợp đồng giả cách mua lại toàn bộ lô trái phiếu này để trở thành trái chủ sơ cấp. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh đã huy động được gần 14.000 tỉ đồng của người mua trái phiếu.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, Tân Hoàng Minh đã dùng hơn 5.000 tỉ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Còn lại doanh nghiệp này đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 khách hàng.

Mua cổ phần, chi trả nợ… và chuyển tiền từ thiện

Theo kết luận điều tra, Đỗ Anh Dũng khai rằng tiền huy động được từ trái phiếu, bị can dùng không đúng mục đích phát hành trái phiếu. Cụ thể, ông Dũng đã dùng tiền huy động được từ trái phiếu để thanh toán nợ đến hạn, quá hạn cho Ngân hàng SHB, Agribank (tổng cộng 1.976 tỉ đồng). Mua cổ phần các công ty để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư các dự án 

Ông Dũng khai còn dùng tiền để đặt cọc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm 585 tỉ đồng; đầu tư mã chứng khoán VPB lỗ 153,9 tỉ đồng; tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng dự án tại Thái Nguyên 50 tỉ đồng; chuyển tiền từ thiện 62,8 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị can còn chi trả nợ, tiêu dùng cá nhân, mua USD, thanh toán chi phí hoạt động của Tân Hoàng Minh mà bị can không nhớ chi tiết.

0504_tan_hoang_minh.jpeg
Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Ảnh: Internet

CQĐT đề nghị xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Trong vụ án này, bị can Đỗ Anh Dũng bị xác đinh giữ vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt là hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 bị hại.

Kết quả cho thấy các bị can, gia đình, Công ty Tân Hoàng Minh và các tổ chức liên quan đã phối hợp, tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của CQĐT để khác phục, thu hồi nguồn tiền trái phiếu với tổng số tiền hơn 8.600 tỉ đồng; đảm bảo khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Ngoài ra, CQĐT cũng tiến hành kê biên, phong tỏa giao dịch đối với 8 tài sản nhà, đất, tài khoản chứng khoán, số dư trên tài khoản của các bị can, người liên quan trong vụ án.

CQĐT kết luận bị can Dũng thành khẩn khai báo. Quá trình điều hành hoạt động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị can có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội, tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội… Bản thân ông Dũng đã tích cực, tự nguyện phối hợp với Công ty Tân Hoàng Minh và gia đình khắc phục hậu quả vụ án.

Vì vậy, CQĐT đề nghị xem xét đối với bị can Dũng khi lượng hình. Ngoài ông Dũng, CQĐT cũng đề nghị xem xét khi lượng hình đối với Đỗ Hoàng Việt (con trai của ông Dũng).

Đối với các bị can còn lại, theo CQĐT, họ phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Đỗ Anh Dũng, liên đới chịu trách nhiệm đối với hậu quả, thiệt hại của các gói trái phiếu đã tham gia.

Quá trình điều tra vụ án, CQĐT kết luận các bị can đều thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, hậu quả vụ án đã được khắc phục. Do vậy, CQĐT đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can.

Bài liên quan
Vụ Tân Hoàng Minh: CQĐT kiến nghị cần có biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu
CQĐT kiến nghị cần có biện pháp giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Tân Hoàng Minh dùng tiền huy động từ trái phiếu vào việc gì?