Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Với trách nhiệm quản lý nhà nước và tư lệnh ngành, nếu bộ trưởng trả lời rằng muốn giải quyết điểm nghẽn, ách tắc hãy hỏi địa phương, vậy vai trò của bộ ở đâu?
Chiều 7 và sáng 8.6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Đừng nghĩ vào thị trường Trung Quốc là dễ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó ông Hoan nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Ông Lê Minh Hoan cũng nói rất chia sẻ với nông dân, doanh nghiệp thời gian qua về các vấn đề như chi phí đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía bắc…
Ông Hoan cho biết Bộ NN-PTNN đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoan cũng lưu ý đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên.
“Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNN có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng cho hay thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi trước nay chúng ta vẫn nghĩ họ dễ. Khi họ thay đổi về chính sách thì chúng ta lại chậm thay đổi. Đây cũng có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ NN-PTNN.
Ông Hoan cho rằng cần chuyển dần từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch, để có thể "danh chính ngôn thuận" đưa hàng hóa vào sâu nội địa Trung Quốc.
"Được mùa mất giá" như một lời nguyền
Về câu chuyện được mùa mất giá, Bộ trưởng Hoan cho rằng đây là lời nguyền khi cung vượt cầu, đó là quy luật kinh tế. Giải pháp là khi dư thừa thì phải dự trữ được và chế biến, giảm lượng đưa ra thị trường; chuẩn hóa chất lượng nông sản.
“Về vấn đề tiêu chuẩn và quy chuẩn, trong thời gian qua bộ có khuyết điểm là còn dễ dãi, chưa tổ chức lại sản xuất, không đồng nhất được nguyên liệu, không xây dựng được thương hiệu”, ông Hoan nói.
Ông Hoan nhấn mạnh rằng nông nghiệp Việt Nam mang 3 lời nguyền: Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Nếu không tổ chức lại được ngành hàng thì còn nhiều rủi ro. “Tôi tha thiết mong các lãnh đạo địa phương cùng thay đổi nếu không muốn đối mặt với rủi ro”, ông Hoan nói.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chất vấn rằng tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường.
Đại biểu của Bạc Liêu nhấn mạnh đây không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần. Đại biểu Hoa Ry đề nghị bộ trưởng cho biết đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để. Trong thời gian qua, có nhiều chính sách ban hành liên quan đến lĩnh vực này, đại biểu Hoa Ry cũng đề nghị bộ trưởng cho biết khi nào các chính sách mới đi vào thực tiễn cuộc sống để lĩnh vực nông nghiệp có thể góp phần phát huy được lợi thế, tiềm năng và phát triển kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: “Tôi sợ nhất câu hỏi “đến bao giờ?”. Theo Bộ trưởng Hoan, ông không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình nhưng trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên, nếu có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự năng động của chính quyền địa phương thì giải quyết được tình trạng nhanh hay chậm.
Ông Hoan nêu dẫn chứng từ chuyện vải thiều Bắc Giang, xoài Sơn La…, lãnh đạo các địa phương chủ động vào cuộc nhanh chóng, kết nối, xúc tiến thương mại có thể mang đến lời hiệu triệu cho các doanh nghiệp vào cuộc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo tỉnh Hải Dương “đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún”. Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vấn đề là chúng ta phải dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hoặc của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.
"Hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này”
Điều hành nội dung phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 14 đại biểu đặt câu hỏi, chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNN.
"Với trách nhiệm quản lý nhà nước và tư lệnh ngành, lĩnh vực, nếu bộ trưởng trả lời rằng để giải quyết điểm nghẽn, xem ách tắc ở đâu thì hãy hỏi địa phương, vậy vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu? Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, cụ thể thực trạng đang thế nào; người nông dân trông chờ điều gì; chủ trương, nghị quyết đã có, bây giờ bộ trưởng có định hướng gì và làm như thế nào?", ông Huệ nêu.
Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng của đại biểu Trần Thị Hoa Ry bàn về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn, "nếu hỏi địa phương nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào... thì không cần buổi chất vấn này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.