Ngày 19.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gửi thư đến toàn thể người dân ở TP.HCM. Trong thư, ông cho biết TP.HCM phấn đấu đến quý 1/2022 có đến 2/3 người dân ở đây sẽ được tiêm vắc xin.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong gửi thư cho người dân TP.HCM: Phấn đấu đến quý 1/2022 tiêm vắc xin cho 2/3 dân

P.V | 19/07/2021, 20:15

Ngày 19.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gửi thư đến toàn thể người dân ở TP.HCM. Trong thư, ông cho biết TP.HCM phấn đấu đến quý 1/2022 có đến 2/3 người dân ở đây sẽ được tiêm vắc xin.

Ông Nguyễn Thành Phong viết:

Qua 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, công tác phòng chống dịch của TP.HCM được Chính phủ và Bộ Y tế đánh giá là đang đi đúng hướng, đạt được một số kết quả nhất định. 

Đạt được kết quả đó chính nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhưng quan trọng hơn hết đó là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP.HCM đã chịu gian khó, chấp nhận sự bất tiện, không ra khỏi nhà khi không cần thiết, tuân thủ nghiêm 5K. 

Tuy nhiên vẫn còn có lúc, có nơi còn chủ quan, lơ là, vi phạm các quy định về giãn cách xã hội; một số khu vực chưa cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm, thiếu hàng hóa cục bộ, giá cả hàng hóa có tăng so với ngày thường; vẫn còn tình trạng đưa các thông tin sai sự thật, gây kích động, hoang mang dư luận xã hội làm cho người dân có lúc cảm thấy bất an, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống dịch của thành phố.

Để khắc phục các hạn chế trên, ông Nguyễn Thành Phong cho hay TP.HCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai 8 giải pháp hiệu quả gồm:

1. Thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để hạn chế lây lan và kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng;

2. Thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, siết chặt quản lý, đồng thời quan tâm, động viên, chia sẻ, ổn định tâm lý người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly và bảo vệ, giữ vững, mở rộng các khu vực "vùng xanh" an toàn trên bản đồ COVID-19;


3. Phân cấp, phân tầng điều trị F0, cách ly F1 phù hợp để tập trung điều trị các F0 nặng, giảm tử vong;

4. Chuẩn bị các kịch bản, huy động các cơ sở y tế y tế tư nhân, tăng cường năng lực y tế điều trị, để kịp thời ứng phó trong mọi tình huống;

5. Chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin an toàn, trước mắt đợt 5 sẽ tập trung ưu tiên vào các đối tượng yếu thế, người cao tuổi, người có bệnh nền, người nghèo, diện chính sách, có công, người kinh doanh vận chuyển hàng hóa thiết yếu,… Phấn đấu quý 1/2022 có 2/3 người dân thành phố sẽ được tiêm vắc xin;


6. Đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân rộng các gian hàng 0 đồng, phiên chợ nghĩa tình… khi khó khăn người dân có thể liên hệ đường dây nóng qua tổng đài 1022 để được hỗ trợ;


7. Đảm bảo phân phối hàng hóa bằng nhiều phương thức như mua hàng trực tuyến, từng bước mở lại chợ truyền thống có kiểm soát và giãn cách, tăng cường lực lượng vận chuyển và các chuyến xe bán hàng lưu động, phối hợp các địa phương đảm bảo lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa, thường xuyên kiểm soát giá cả ổn định;


8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ cùng TP.HCM, thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội, đặc biệt là trong khu vực cách ly, phong tỏa; phát huy cao nhất tinh thần nghĩa tình, tương thân tương ái để cùng vượt qua đại dịch.

"Chúng ta cùng chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt và một số bất tiện, khó khăn hơn so với điều kiện bình thường để thành phố có thể ổn định, phát triển bền vững; đồng thời phát huy cao nhất tinh thần nghĩa tình, những nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, san sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn này", ông Phong viết.

chu-tich-nguyen-thanh-phong-gui-thu-cho-nguoi-dan-tphcm.jpg
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu 8 giải pháp hiệu quả để chống dịch trong thư gửi đến người dân TP.HCM

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trưa 21.6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Dương Anh Đức dự kiến thành phố sẽ có thêm khoảng 5-10 triệu liều vắc xin trong năm nay và phấn đấu đến cuối năm 2021 có 2/3 người dân TP.HCM được tiêm vắc xin.

Qua đó có thể thấy TP.HCM lùi mục tiêu tiêm vắc xin cho 2/3 người dân từ cuối năm 2021 sang quý 1/2022. Một trong những nguyên nhân là nguồn cung vắc xin COVID-19 hiện còn ít hoặc về Việt Nam chậm. Nguyên nhân khác có thể do tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây cũng đang bùng dịch COVID-19 nên lượng vắc xin về Việt Nam phải phân bổ dàn trải ra. 

TP.HCM tiêm 1,1 triệu liều vắc xin COVID-19 đợt 5 như thế nào?

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đợt 5 tại TP.HCM với hơn 1,1 triệu liều vắc xin. 

Theo đó, TP.HCM sẽ tiêm cho những người trên 18 tuổi với đối tượng người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường) đang được điều trị tại bệnh viện và có địa chỉ thường trú tại TP.HCM; người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế, người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế (công lập, tư nhân), người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

Ngoài ra, còn có lực lượng quân đội, công an của TP.HCM, nhân viên cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài, người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người lao động đang tham gia hoạt động tại các doanh nghiệp, giáo viên, thân nhân những người làm việc tại các cơ sở y tế, ngành y tế tham gia tuyến đầu chống dịch...

Đối tượng được tiêm vắc xin trong đợt 5 bao gồm cả người được tiêm mũi 1 và người được tiêm nhắc mũi 2 nếu đủ điều kiện. 

Vắc xin tiêm trong đợt 5 gồm Astra Zeneca (tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên của đợt 5, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm Astra Zeneca mũi 1 từ 8 - 12 tuần); Moderna và Pfizer.

Thời gian tiêm vắc xin đợt 5 kéo dài 2-3 tuần và có thể kéo dài tùy tình hình thực tế để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, không ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch của TP.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức tại mỗi phường, xã, thị trấn ít nhất 2 điểm tiêm tương đương với hai bàn tiêm. Tối thiểu sẽ có 624 điểm tiêm của 312 phường xã, thị trấn trên toàn TP.HCM. 

Trong hai tuần đầu tất cả các điểm tiêm trong cộng đồng tổ chức tiêm cho các đối tượng được phân công. Mỗi điểm thực hiện tiêm cho tối đa 120 người/10 giờ làm việc/ngày. 

Những tuần tiếp theo tùy theo tình hình thực tế số lượng đã tiêm của phường, xã, thị trấn, các địa phương chủ động bố trí lại điểm tiêm, đội tiêm cho những nơi còn đối tượng tiêm, đồng thời sắp xếp lịch tiêm mũi 2 cho những người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna hoặc Pfizer đủ 4 tuần. Các bệnh viện đa khoa tổ chức tiêm cho đối tượng cần. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong gửi thư cho người dân TP.HCM: Phấn đấu đến quý 1/2022 tiêm vắc xin cho 2/3 dân