Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết hàng loạt nền tảng trực tuyến của chính quyền các cấp của Trung Quốc đang bị xóa bỏ. Xu hướng phát triển nóng hơn một thập kỷ qua đã dẫn đến nhiều trang thông tin hoặc ứng dụng dư thừa.
SCMP ghi nhận nhiều thành phố tại tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên, Vân Nam, Hồ Nam, Thiểm Tây, Sơn Đông, Giang Tô, Quảng Tây đều công bố kế hoạch xóa trang thông tin, tài khoản mạng xã hội, ứng dụng điện thoại trong năm nay.
Chẳng hạn như vào đầu tháng 5, quận Long Cương (thành phố Thẩm Quyến) thông báo do cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý tài sản công đã được sáp nhập vào cơ quan khác nên cổng dịch vụ công của hai đơn vị sẽ ngừng hoạt động. Cùng thời gian, Quảng Tây thông báo đóng trang thông tin lẫn tài khoản mạng xã hội của văn phòng phát triển ngành đường. Ngày 28.4, thành phố Ba Trung (Tứ Xuyên) công bố kế hoạch đóng trang thông tin lẫn tài khoản mạng xã hội của cơ quan tái thiết nông thôn, cơ quan công tác tài chính, trung tâm dịch vụ công vì tất cả các đơn vị này đều đã sáp nhập.
Làn sóng xóa nền tảng diễn ra chưa đầy 6 tháng sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc ban hành chỉ thị yêu cầu chính quyền các địa phương hợp nhất dịch vụ công trùng lặp, vì không ít nền tảng vô dụng mà lại tốn kém chi phí thậm chí bị lợi dụng để lừa đảo.
Một quan chức Thẩm Quyến từng phụ trách một nền tảng cho biết công việc theo đuổi tương tác trực tuyến này vô cùng căng thẳng: “Sau khi đăng tải nội dung lên, chúng tôi phải huy động đồng nghiệp, bạn bè giúp nhấp vào xem. Tôi thậm chí còn nhờ bố mẹ và ông bà. Hợp nhất thực sự cần thiết, nhiều người vui mừng trước nỗ lực hợp nhất. Tôi hy vọng một ngày nào đó chúng tôi sẽ không phải ngồi cả ngày đăng nội dung rồi lại tự truy cập nhiều lần”.
Theo phó giáo sư báo chí - truyền thông Ma Liming (Đại học Tế Nam): “Dịch vụ công trở nên quá phức tạp vì ngay cả chính quyền cấp dưới quận cũng cần có nền tảng truyền thông. Đối với công chức cấp cơ sở không có kiến thức về truyền thông thì duy trì tài khoản mạng xã hội “ma” là một gánh nặng”.
Cắt giảm nhân sự càng khiến tình hình thêm trầm trọng. Vài năm gần đây chính quyền các cấp của Trung Quốc cắt giảm đến hàng nghìn người.
Xu hướng lập nền tảng trực tuyến nổi lên từ tháng 11.2009 khi cơ quan tuyên truyền tỉnh Vân Nam dùng tài khoản mạng xã hội Weibo trấn an người dân về cuộc biểu tình phản đối tăng giá thuê đột ngột ở một chợ sỉ trên địa bàn thành phố Côn Minh. Từ đó hàng loạt đơn vị các cấp chạy đua lập nền tảng trực tuyến. Năm 2013, chính phủ Trung Quốc thừa nhận nền tảng trực tuyến giúp tăng tính minh bạch lẫn độ tin cậy.
Tính đến cuối năm ngoái, hơn 146.000 cơ quan nhà nước ở Trung Quốc có tài khoản mạng xã hội. Một số cơ quan sử dụng chúng rất hiệu quả nhưng cũng có không ít nền tảng bị bỏ quên trở thành công cụ của tội phạm lừa đảo.