Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (Belt and Road) đồ sộ của Trung Quốc có vẻ đang rơi vào một giai đoạn biến tướng khá rõ rệt, từ một đại dự án thúc đẩy thương mại có quy mô toàn cầu sang một kế hoạch gieo rắc nợ nần cho những quốc gia mà nó ghé qua.

Chiến lược bẫy nợ của Trung Quốc qua dự án 'Vành đai và Con đường'

Nhàn Đàm | 07/03/2018, 21:29

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (Belt and Road) đồ sộ của Trung Quốc có vẻ đang rơi vào một giai đoạn biến tướng khá rõ rệt, từ một đại dự án thúc đẩy thương mại có quy mô toàn cầu sang một kế hoạch gieo rắc nợ nần cho những quốc gia mà nó ghé qua.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), thì dự án tham vọng này của Trung Quốc đang tạo ra nguy cơ dẫn đến những khoản nợ nần khổng lồ và kéo dài cho hàng loạt các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế yếu và có quy mô nhỏ.

Theo đó, đại dự án nhằm kết nối thương mại giữa Trung Quốc với phần còn lại của châu Á, châu Âu và châu Phi đang đưa một loạt các quốc gia vào danh sách có nguy cơ trở thành những con nợ dài hạn của Trung Quốc, trong đó Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan thuộc diện có nguy cơ cao nhất.

Điểm khác biệt chủ yếu của dự án này so với suy nghĩ của hầu hết mọi người, đó là thay vì tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm kết nối ba châu lục nói trên với Trung Quốc về thương mại, thì “Vành đai và Con đường” đang dần trở thành một dự án cho vay tài chính ở các quốc gia mà nó ghé qua. Theo đó, Trung Quốc sẽ sẵn sàng cho các quốc gia nằm trong danh sách vay tiền không chỉ cho các dự án nhằm phục vụ “Vành đai và Con đường”, mà còn cho cả các dự án khác nữa, miễn là chấp nhận những điều kiện mà Trung Quốc đặt ra.

Vốn cung cấp cho các khoản vay này đến từ khá nhiều nguồn, từ Qũy Con đường Tơ lụa, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) cho đến Qũy Hưu trí Quốc gia. Không chỉ thế, ngay cả các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cũng sẵn sàng cung cấp các khoản vay lên tới hàng trăm tỉ USD cho những quốc gia nằm trong dự án.

So với các khoản vay từ những tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì những khoản vay từ Trung Quốc luôn có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều, nhưng lại luôn đi kèm với những đánh đổi về lợi ích, từ quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản như ở các nước châu Phi, cho đến nhượng quyền sử dụng các tài sản giá trị cao như đất đai và cảng biển.

Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian vừa qua là Chính phủ Sri Lanka mới đây đã phải chấp nhận nhượng quyền sử dụng hải cảng chiến lược Hambantota ở miền Nam nước này cho Trung Quốc trong vòng 99 năm -tương đương khoảng thời gian Trung Quốc từng phải nhượng Hồng Kông cho nước Anh trong quá khứ.

Lý do là vì các khoản nợ lên tới khoảng 7,5 tỉ USD mà chính phủ trước đây của Sri Lanka đã vay của Trung Quốc mà chính phủ hiện tại không thể trả nổi vì các vấn đề liên quan đến tham nhũng và biển thủ.

Hầu hết các khoản cho vay của Trung Quốc đều diễn ra theo hình thức nói trên. Trong đó Bắc Kinh sẵn sàng cho vay mà không cần quan tâm đến hiệu quả sử dụng hay khả năng trả nợ của quốc gia đi vay, miễn là quốc gia đó chấp nhận thế chấp các tài sản có giá trị mà Trung Quốc đề xuất. Mới đây nhất, Chính phủ Pakistan cũng đã hủy bỏ một dự án nhiệt điện từ nguồn vốn vay Trung Quốc do lo ngại về việc trở thành con nợ dài hạn của Bắc Kinh.

Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy mục đích thực sự của dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc khác xa so với những gì mà nước này đã rêu rao trước đó. Điều này giải thích lý do vì sao trong số 68 quốc gia nằm trong danh sách đối tác của dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, thì có tới 27 quốc gia xếp hạng nằm trong diện có nguy cơ cao về nợ nần, trong khi 14 quốc gia khác (bao gồm Afghanistan, Iran và Syria) thậm chí còn không được xếp hạng.

Dễ hiểu rằng với một loạt các quốc gia đang gặp khó khăn tài chính như thế, thì việc triển khai các khoản vay nợ nhân danh thực hiện những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho những nước này là điều quá dễ dàng với Trung Quốc. Không khó để dự đoán rằng hầu hết các khoản vay này sẽ có rất ít hiệu quả trên thực tế, nhưng điều đó không quan trọng, vì Trung Quốc sẽ có được các quyền lợi lớn hơn rất nhiều từ việc chấp nhận gán nợ bằng những tài sản giá trị của các quốc gia này.

Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan này đã cho vay hơn 80 tỉ USD cho khoảng 470 dự án thuộc “Vành đai và Con đường”, chưa tính đến những tổ chức tài chính khác của Trung Quốc bao gồm các ngân hàng thương mại lớn. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu phần lớn trong số đó không có hiệu quả kinh tế, trong khi danh sách các quốc gia con nợ của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng lên đáng kể.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược bẫy nợ của Trung Quốc qua dự án 'Vành đai và Con đường'