Nguồn tin từ LHQ của báo Guardian cho biết không quân Nga ném “bom ngu”-bom không được dẫn đường và không đạt độ chính xác-ở chiến trường Syria, nhằm gây khó khăn cho các nhà điều tra tội phạm chiến tranh xác minh ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của thường dân Syria bị trút bom.

Nga bị cáo buộc ném ‘bom ngu’ ở chiến trường Syria

Trần Trí | 07/03/2018, 17:53

Nguồn tin từ LHQ của báo Guardian cho biết không quân Nga ném “bom ngu”-bom không được dẫn đường và không đạt độ chính xác-ở chiến trường Syria, nhằm gây khó khăn cho các nhà điều tra tội phạm chiến tranh xác minh ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của thường dân Syria bị trút bom.

Các cáo buộc này càng gieo thêm nghi ngờ vào tuyên bố nỗ lực không kích của Nga nhằm tiêu diệt bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), khi Nga quyết định can thiệp quân sự từ tháng 9.2015 để giúp quân đội Tổng thống Bashar al-Assad không bị sụp đổ và lội ngược dòng, giành thế thắng trong cuộc nội chiến 7 năm qua.

Các cáo buộc cũng đặt dấu hỏi về cái chết của dân Syria từ những cuộc không kích của Nga, vốn giữ vai trò chủ đạo trong chiến thắng của chế độ Syria ở thành phố Aleppo hồi cuối năm 2016, và ở cuộc bao vây-không kích bọn nổi dậy đang kiểm soát vùng ngoại ô Đông Ghouta của thủ đô Damascus đã làm hơn 700 người chết trong hai tuần qua.

Trong quá khứ, các chuyên gia vũ khí đã cáo buộc Nga sử dụng "bom ngu" ở các chiến dịch quân sự, nhưng các cáo buộc này chú trọng yếu tố số vũ khí này rẻ hơn các tên lửa dẫn đường chính xác. Trước đó, không hề có cáo buộc việc sử dụng “bom ngu” nhằm tránh các nhà điều tra tội ác chiến tranh.

Những cáo buộc trên không hẳn được tất cả quan chức LHQ làm việc ở Syria nhất trí. Một số quan chức nói việc dùng “bom ngu” có thể là một chiến thuật hù dọa dân thường, đổi lại số dân này sẽ gây sức ép để các nhóm quân nổi dậy đầu hàng quân đội Tổng thống Assad.

Một quan chức LHQ nói: “Cảm nghĩ riêng của tôi là việc sử dụng số vũ khí này ở Syria nhằm gây hoảng sợ, khủng bố dân thường, với mục tiêu tối thượng là họ quay ra chống các nhóm vũ trang hoạt động trong cộng đồng của họ”.

Các cáo buộc trên được đưa ra cùng ngày với việc công bố một báo cáo của Ủy ban quốc tế độc lập điều tra chiến tranh Syria (thuộc LHQ), trong đó cáo buộc trong năm 2017, không quân Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu đã giết chết dân thường Syria ở cấp độ lớn, và chính phủ Syria còn sử dụng vũ khí hóa học trái phép ở Đông Ghouta. Bọn IS cùng các nhóm nổi dậy cũng phạm các tội ác chiến tranh, như tấn công dân thường và bắt họ làm “lá chắn sống”.

Ủy ban cáo buộc trong quá khứ, cả Nga và chính phủ Syria đều sử dụng "bom ngu" nhất là trong vụ bao vây thành phố Aleppo. Lúc đó xảy ra hàng vụ ném “bom ngu” vào một ngôi chợ đông người ở thị trấn Atarib ngày 13.11.2017, gây hậu quả khủng khiếp trên diện tích khoảng 5.000 mét vuông và làm chết ít nhất 84 người dân.

Lúc đó, Nga phủ nhận đã không khích thị trấngần thành phố Aleppo này. Nhưng sóng radio đã ghi nhận các phi công nói tiếng Nga đã cất cánh từ căn cứ không quân Hemeimeem (tây Syria) từ 30 phút trước đó.

Báo cáo của Ủy ban dựa vào hình ảnh vidéo và ảnh chụp hiện trường, xác định có hai loại vũ khí được sử dụng: bom xuyên thủng ngầm không dẫn đường BeTAB-500, mà không quân Nga sử dụng nhiều lần ở Aleppo. Và bom nổ từng mảnh không dẫn đường OFAB-500.

Báo cáo viết: “Các điểm tác động cho thấy những quả bom không dẫn đường gần như rơi vào một tuyến với độ phân tán 250m, cho thấy máy bay ở trên mục tiêu đã thả vũ khí vào một khu vực hình thành nên khung mục tiêu, hơn là tiến hành một cuộc tấn công chính xác vào điểm mục tiêu”.

Báo cáo kết luận: “Không có chứng cứ cho thấy vụ tấn công này cố tình nhắm vào dân thường ở chợ Atarib. Dù vậy, việc sử dụng bom không dẫn đường, gồm bom vỡ từng mảnh, ở một khu vực đông dân cư, vẫn có thể là một tội ác chiến tranh, gây ra thương vong cho dân thường”.

Báo cáo cũng nói trong tương lai, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) sẽ giúp nạn nhân tội ác chiến tranh ở chiến trường Syria theo đuổi công lý ở các cấp tòa quốc gia và quốc tế.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga bị cáo buộc ném ‘bom ngu’ ở chiến trường Syria