Ngày càng có những dấu hiệu cho thấy, có vẻ như đối tượng thực sự cho những lời đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Liên minh châu Âu (EU), chứ không phải là Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với EU về thương mại?

Nhàn Đàm | 07/03/2018, 21:16

Ngày càng có những dấu hiệu cho thấy, có vẻ như đối tượng thực sự cho những lời đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Liên minh châu Âu (EU), chứ không phải là Trung Quốc.

Ngay sau khi có thông tin ông Trump quyết định tăng mức áp thuế đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu, EU cũng ra tuyên bố sẽ áp thuế lên 25% đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ bao gồm: quần jeans, mỹ phẩm, các dòng rượu Bourbon và mô tô thương hiệu Harley Davidson.

Sự căng thẳng này đang đẩy Mỹ và EU lại gần bờ vực của một cuộc chiến thương mại lớn nhất từ trước đến nay, có quy mô tổng cộng lên tới trên 600 tỉ euro mỗi năm. Có vẻ như thay vì gây sức ép nhằm giảm mức thâm hụt thương mại lên tới gần 600 tỉ USD mỗi năm với Trung Quốc, thì Donald Trump lại chọn cách gây hấn với đồng minh truyền thống với mức thâm hụt hàng năm thấp hơn rất nhiều là EU.

Theo số liệu thống kê của EU, trong năm 2016 Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 5 tỉ euro (tương đương 5,55 tỉ USD) đối với các mặt hàng thép của châu Âu, trong khi đó EU nhập khẩu khoảng 1 tỉ euro thép từ Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu nhôm của Mỹ từ châu Âu trong cả năm 2016 cũng chỉ đạt khoảng 500 triệu USD.

Tổng cộng Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 5,5 tỉ euro đối với các mặt hàng thép và nhôm từ EU trong năm 2016, và đây là một con số rất nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và EU lên tới khoảng 600 tỉ euro trong năm đó. Donald Trump liệu có đang tham bát bỏ mâm?

Mọi chuyện sẽ dễ hiểu hơn nếu như ông Trump tăng mức áp thuế đối với các mặt hàng xe hơi nhập khẩu từ EU, khi thặng dư thương mại của EU từ việc xuất khẩu xe hơi vào thị trường Mỹ trong năm 2016 lên đến 35,9 tỉ euro, cao hơn nhiều so với con số 5,5 tỉ euro của ngành thép và nhôm.

Tuy nhiên, kể cả khi điều đó xảy ra, và EU nhiều khả năng sẽ đáp trả bằng cách áp thuế tương tự với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, thì vấn đề vẫn sẽ không được giải quyết ngay lập tức. Nhu cầu đối với các dòng xe sang trọng và đắt tiền của Anh và Đức của thị trường Mỹ hàng năm là rất lớn. Điều tương tự cũng diễn ra với hàng loạt các lĩnh vực thương mại khác giữa hai bên.

Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, thì thâm hụt thương mại của Mỹ với EU trong năm 2016 đạt khoảng 146,7 tỉ USD, trong khi thống kê từ phía EU thì mức thặng dư thương mại với Mỹ trong năm đó chỉ là khoảng 112,9 tỉ euro -thấp hơn khá nhiều so với kết quả của Mỹ. Sự chênh lệch về số liệu này nếu được cân nhắc một cách chính xác hơn thì có thể sẽ khiến thâm hụt của Mỹ trong nhập khẩu thép và nhôm từ châu Âu giảm xuống tới 4 lần, nghĩa là chỉ còn khoảng hơn 1 tỉ euro mỗi năm mà thôi.

Nếu điều đó là đúng, thì ông Trump đang mất quá nhiều thời gian và công sức cho một vấn đề tương đối nhỏ nhặt trong quan hệ thương mại giữa hai bên. Như một số chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, sự thâm hụt trong việc nhập khẩu thép và nhôm từ EU của Mỹ đang được bù đắp bởi thặng dư trong hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu khác, điển hình các dòng rượu Bourbon.

Rượu Whisky ngô của Mỹ là một trong những mặt hàng được ưa chuộng ở EU dù châu Âu cũng sở hữu hàng loạt thương hiệu rượu nổi tiếng như Scotch, Cognac. Điều này đồng nghĩa với việc, trong khi Mỹ không thể có những mặt hàng thay thế cho các dòng xe hơi sang trọng của châu Âu, thì EU lại có khá nhiều sự lựa chọn để thay thế cho rượu Whisky ngô nhập khẩu từ Mỹ. Và nếu muốn thu hẹp khoảng cách thương mại giữa hai bên, thì việc ông Trump cần làm là gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU chứ không phải là tăng mức áp thuế khiến tình hình trở nên lộn xộn hơn.

Nhưng kể cả như vậy đi nữa, thì mức thâm hụt thương mại của Mỹ với EU vẫn thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc, đạt khoảng 570 tỉ USD trong năm 2016. Và so với Trung Quốc thì EU là một đối thủ khó bị bắt nạt hơn nhiều. EU là nền kinh tế có trình độ phát triển thuộc loại cao nhất thế giới, có một bộ máy thương mại cực mạnh cùng một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh.

Điều này đồng nghĩa với việc EU sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại kéo dài và dai dẳng, kể cả trong một cuộc chiến về pháp lý với Mỹ. Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại, với một nền kinh tế dù có quy mô lớn nhưng vẫn còn khá lạc hậu, nhiều điểm yếu về điều hành và pháp lý để Mỹ có thể khai thác trong trường hợp chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai bên. Chưa kể, một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU sẽ chỉ đem lại lợi thế cho Trung Quốc, khi Bắc Kinh có thể gia tăng ảnh hưởng ở châu Âu cả về chính trị lẫn kinh tế.

Một số quan điểm cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm chỉ là một cách để ông Trump mặc cả với Quốc hội Mỹ cho các mục đích khác, cũng như để gây sức ép lên Canada và Mexico -hai quốc gia thuộc danh sách xuất khẩu thép vào Mỹ nhiều nhất, và cũng đang đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Nhưng rõ ràng, việc gây hấn về thương mại với EU ở thời điểm hiện tại đang cho thấy có vẻ như ông Trump đang đi quá xa.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với EU về thương mại?