Tatiana Stanovaya là một học giả chuyên viết về chính trị đối nội và chính sách đối ngoại của Nga. Trên The New York Times, bà vừa có bài viết về chiến lược 3 lớp của Tổng thống Putin.
Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
Đó là lời của Tổng thống Vladimir Putin. Cuộc chiến ở Ukraine, trong tháng thứ năm và chưa có hồi kết, có thể sẽ rất mệt mỏi. Nhưng các quan chức cấp cao của Điện Kremlin vẫn nhắc lại rằng Nga, chiếm thế thượng phong ở phía đông Ukraine, sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình.
Điều đó có vẻ khó tin. Rốt cuộc, Nga đã buộc phải rút lui khỏi Kyiv, trải qua nhiều lần đảo ngược quân sự, đối mặt với các lệnh trừng phạt trên quy mô chưa từng có và bị phương Tây lên án. Để gọi một loạt khó khăn và thất bại hoàn toàn như vậy là một thành công thì (phương Tây cho rằng) có lẽ Nga đang tuyên truyền, tự huyễn.
Nhưng đó là những gì Điện Kremlin tin tưởng. Trong hơn hai thập niên, tôi đã theo dõi chặt chẽ lời nói, hành vi và quyết định của ông Putin, tạo thành một bức tranh toàn cảnh về các tính toán của tổng thống Nga. Dựa trên các bài hùng biện công khai và các động thái chính sách của ông ấy cũng như các cuộc thảo luận không chính thức với những người trong cuộc, tôi đã có thể tìm ra - càng nhiều càng tốt - các đường nét trong suy nghĩ hiện tại của Điện Kremlin. Điều rất rõ ràng là vào cuối tháng 5, Điện Kremlin đã đi đến kết luận chắc chắn rằng về lâu dài, họ đang chiến thắng cuộc xung đột này. Và ông Putin, trái ngược với những tháng đầu bối rối, bây giờ đã có một kế hoạch rõ ràng.
Kế hoạch bao gồm ba lớp chính, nó giống là một loại búp bê truyền thống của Nga (matryoshka). Mỗi lớp búp bê nằm vừa trong lòng búp bê khác, tương đương với một kế hoạch lớn vượt xa Ukraine nhưng cốt lõi vẫn tập trung vào nó. Nghe có vẻ vô cùng viễn vông, và chắc chắn nó tiết lộ khoảng cách toan tính với thực tế - nói một cách nhẹ nhàng – thể hiện ông Putin là người như thế nào. Nhưng điều quan trọng đối với phương Tây, những nước có phản ứng dao động giữa đối đầu và nhượng bộ, phải hiểu toàn bộ hy vọng của ông Putin đặt vào ván cờ tại Ukraine.
Mục tiêu nhỏ nhất, thực tế nhất và có thể đạt được liên quan đến tham vọng lãnh thổ của Nga ở Ukraine. Không thể tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã nhanh chóng thu hẹp tham vọng của mình, từ bỏ ý định tấn công Kyiv. Mục tiêu hiện tại, thực tế hơn dường như là kiểm soát các khu vực Donetsk và Luhansk – điều mà Điện Kremlin tự nhận thấy mình đạt được trong vấn đề thời gian, một quan điểm dường như được chứng minh bằng việc lực lượng Nga chiếm được hiệu quả khu vực Luhansk - và hành lang đất liền nối liền đến Crimea.
Đối với mục tiêu này, có tầm quan trọng địa chính trị tối thiểu đối với Điện Kremlin, ông Putin dường như tin rằng thời gian đồng hành với mình. Bạn có thể thấy lý do tại sao. Sự hỗ trợ quân sự của phương Tây đã cho thấy giới hạn của bản thân, trong bối cảnh Washington báo hiệu rằng họ không chuẩn bị sẵn sàng để có nguy cơ gây ra cơn thịnh nộ của ông Putin bằng cách vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ nào. Những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trước đó của ông dường như đã được chú ý: Phương Tây sẽ không can thiệp trực tiếp, cũng như sẽ không hỗ trợ Ukraine đến mức có thể dẫn đến thất bại quân sự của Nga. Ngày nay, đối với tất cả các cuộc phản đối, sự khôn ngoan thường thấy ở phương Tây là Ukraine sẽ không thể giành lại các khu vực bị quân đội Nga kiểm soát. Điện Kremlin tin rằng sớm muộn gì phương Tây cũng sẽ từ bỏ hoàn toàn ý tưởng đó. Miền đông Ukraine khi đó sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Mục tiêu tiếp theo dường như tập trung vào việc buộc Kyiv phải đầu hàng. Đây không phải là về các lãnh thổ bị chiếm đóng; đó là về tương lai của vùng lãnh thổ còn lại của Ukraine - một thứ có tầm quan trọng về địa chính trị hơn nhiều. Ở cấp độ thực tế, đầu hàng có nghĩa là Kyiv chấp nhận các yêu cầu của Nga có thể được tóm tắt là "phi Ukraine hóa" và "Nga hóa" đất nước này. Điều đó sẽ dẫn đến việc hình sự hóa sự ủng hộ chủ nghĩa dân tộc (cực đoan), đổi tên đường phố, viết lại sách lịch sử và đảm bảo cho người dân nói tiếng Nga một vị trí thống trị trong giáo dục và văn hóa. Tóm lại, mục đích là tước bỏ quyền xây dựng quốc gia theo kiểu hiện giờ. Chính phủ sẽ bị thay thế, giới tinh hoa bị thanh lọc và sự hợp tác với phương Tây đã vô hiệu.
Tất nhiên, mục tiêu thứ hai này nghe có vẻ viển vông. Nhưng đối với ông Putin, đó dường như là điều không thể tránh khỏi, dù có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt được. Trong một đến hai năm, khi Điện Kremlin dự kiến Ukraine sẽ kiệt quệ vì chiến tranh, không thể hoạt động bình thường và sa sút nghiêm trọng, các điều kiện để đầu hàng sẽ chín muồi. Ở giai đoạn đó, tính toán của Điện Kremlin dường như là, giới tinh hoa (Ukraine) sẽ chia rẽ và một phe đối lập tìm cách kết thúc chiến tranh sẽ liên kết lại để lật đổ chính quyền Zelensky. Nga không cần thiết phải đánh chiếm Kyiv về mặt quân sự; nó sẽ sụp đổ theo cách riêng của nó. Ông Putin dường như không thấy điều gì có thể ngăn cản điều đó.
Có nhiều cuộc thảo luận về điều gì thực sự quan trọng hơn đối với ông Putin trong cuộc chiến của mình: ngăn NATO mở rộng trước ngưỡng cửa của Nga, hay tham vọng mở rộng lãnh thổ của Nga (như thời Peter đại đế) bao gồm một phần lãnh thổ Ukraine. Nhưng hai vấn đề đan xen vào nhau. Khi Ukraine ngả về phía NATO và cuộc xung đột ở Donbas rơi vào bế tắc, ông Putin càng trở nên thôi thúc về quốc gia. Ông ấy đã chứng kiến vùng đất mà bản thân tin rằng trong lịch sử thuộc về Nga đang bị kẻ thù đáng ghét nhất của Nga tấn công. Như một phản ứng đáp trả, lãnh thổ của Ukraine đã trở thành mục tiêu - như nhiều người nghĩ - cuộc đối đầu với NATO.
Điều đó đưa chúng ta đến mục tiêu chiến lược thứ ba của ông Putin trong cuộc chiến chống Ukraine, và mục tiêu địa chính trị quan trọng nhất trong số đó: xây dựng một trật tự thế giới mới.
Chúng ta vẫn quen nghĩ rằng ông Putin coi phương Tây là thế lực thù địch với mục đích đè nén nước Nga. Nhưng tôi tin rằng đối với ông Putin thì có hai suy nghĩ (về phương Tây): phe xấu và phe tốt. “Phương Tây tồi tệ” được đại diện bởi giới tinh hoa chính trị truyền thống hiện đang cai trị các nước phương Tây: Ông Putin dường như coi họ như những nô lệ hẹp hòi của chu kỳ bầu cử, những người coi thường lợi ích quốc gia thực sự và không có khả năng tư duy chiến lược. "Phương Tây tốt" bao gồm những người châu Âu và Mỹ bình thường, những người, theo ông, muốn có quan hệ bình thường với Nga và các doanh nghiệp mong muốn kiếm lợi từ sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nga.
Trong suy nghĩ của ông Putin, rõ ràng, phương Tây tồi tệ đang suy tàn và diệt vong trong khi phương Tây tốt đang dần thách thức hiện trạng với một loạt các nhà lãnh đạo có khuynh hướng quốc gia, chẳng hạn như Viktor Orban ở Hungary, Marine Le Pen ở Pháp và thậm chí là Donald Trump ở Mỹ, sẵn sàng phá vỡ trật tự cũ và tạo ra một trật tự mới. Ông Putin tin rằng cuộc chiến chống Ukraine và tất cả những hậu quả của nó, chẳng hạn như lạm phát cao và giá năng lượng tăng vọt, sẽ nuôi dưỡng phương Tây tốt đẹp và giúp người dân vùng lên chống lại nền tảng chính trị truyền thống.
Sự đánh cược của ông Putin dường như là những thay đổi chính trị cơ bản ở các nước phương Tây trong thời gian sẽ mang lại một phương Tây thân thiện và chuyển đổi. Sau đó, Nga sẽ có thể đáp lại tất cả các yêu cầu an ninh mà nước này đặt ra trong tối hậu thư hồi tháng 12 cho Mỹ và NATO. Điều này có vẻ như mơ mộng đến mức không thể. Nhưng điều đó không ngăn được điều mà ông Putin mong đợi sẽ xảy ra.
Có một vài tin tốt lành. Thực tế là kế hoạch có vẻ thực tế đối với ông ấy, trong ngắn hạn, sẽ giúp ngăn chặn bất kỳ sự leo thang hạt nhân nào. Nhưng tin xấu là sớm hay muộn, ông Putin cũng sẽ phải đối mặt với thực tế. Chính trong thời điểm nào đó, khi kế hoạch của ông ta bị cản trở và sự thất vọng của ông ta dâng cao, thì ông ta có khả năng là người nguy hiểm nhất.
Để phương Tây tránh được một cuộc đụng độ thảm khốc, họ cần thực sự hiểu rõ những gì phải đối phó khi nói đến ông Putin.