Walter Russell Mead là giáo sư giảng dạy về quan hệ đối ngoại tại trường Yale. Tuần trước, ông có viết một bài phân tích cục diện thế giới trên The Wall Street Journal.

Phương Tây đã vỡ mộng khi nghĩ cả thế giới ủng hộ họ chống Nga

Anh Tú (dịch) | 18/07/2022, 11:00

Walter Russell Mead là giáo sư giảng dạy về quan hệ đối ngoại tại trường Yale. Tuần trước, ông có viết một bài phân tích cục diện thế giới trên The Wall Street Journal.

Năm tháng sau cuộc chiến ở Ukraine, quân đội của Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục lúng túng. Những người bảo vệ của Kyiv đang bù đắp cho số lượng ít hơn và sự thiếu hụt pháo binh của họ bằng các chỉ huy giỏi hơn, chiến thuật thông minh hơn, tinh thần cao hơn và ngày càng có nhiều vũ khí tốt hơn khi vũ khí công nghệ cao của phương Tây tiếp cận chiến trường.

Ngược lại, ông Putin đã thành công nhất trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị, nơi mà phương Tây cho rằng quyền lực của họ là mạnh nhất. Những lo ngại rằng lệnh cấm vận khí đốt của Nga có thể làm tê liệt các nền kinh tế châu Âu và khiến người Đức quen sống ấm êm bỗng bị đóng băng trong mùa đông tới đã thay thế hy vọng rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến Moscow phải khuỵu gối. Bị đe dọa rõ mồn một bởi hậu quả của cuộc chiến tranh kinh tế với Nga, Đức đang bắt đầu từ bỏ cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.

Tương tự, sự lạc quan ban đầu của phương Tây rằng các giá trị của họ sẽ đoàn kết thế giới chống lại cuộc tấn của Nga đã tan thành mây khói. Dẫn đầu bởi Trung Quốc và sự tham gia của Ấn Độ và Brazil, các quốc gia trên thế giới đang lựa chọn làm ăn thương mại với Nga thay vì đoàn kết với Nhóm G7.

Để chống lại ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phương Tây cần phải hiệu chỉnh lại chính sách. Kể từ khi nhà lãnh đạo Nga đưa quân vào Gruzia vào năm 2008, các nhà lãnh đạo phương Tây đã liên tục đánh giá sai và đánh giá thấp mối đe dọa mà các cường quốc xét lại (Trung Quốc, Nga và Iran) gây ra. Để ngăn chặn một bước lùi lớn khác từ cuộc tấn công mới nhất và rạch ròi nhất này, phương Tây cần phải xem xét lại các giả thuyết và học thuyết thông thường vốn đã thất bại rõ ràng.

Trước tiên, chúng ta cần phải rõ ràng về mục tiêu của những người theo chủ nghĩa xét lại. Về mặt chiến thuật, ông Putin muốn hấp thụ Ukraine nhiều nhất có thể, nhưng cuộc chiến này không thực sự là về một vài lát cắt ở Donbas. Về mặt chiến lược, ông Putin, ông Tập và những người đồng minh Iran tìm cách phá bỏ những gì họ coi là trật tự bá chủ toàn cầu do Mỹ lãnh đạo và phương Tây thống trị. Họ tin rằng bất chấp những thế mạnh áp đặt của phương Tây (các nước G-7 chiếm 45% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 52% chi tiêu quân sự toàn cầu), trật tự này đang suy đồi và dễ bị tổn thương.

Ba lỗ hổng trong hệ thống phương Tây mang lại cho họ hy vọng. Một là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu và Mỹ, điều này làm giảm sức hút kinh tế của hệ thống phương Tây đối với các nước đang phát triển. Những thứ khác liên quan đến các giá trị. Trong khi hiểu biết thông thường của phương Tây tin rằng yếu tố “dựa trên giá trị” trong chính sách đối ngoại của Mỹ và châu Âu là nguồn sức mạnh quan trọng trên toàn thế giới, thì những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng lòng tự tôn và tự huyễn của phương Tây đã khiến các cường quốc phương Tây rơi vào một cái bẫy lịch sử.

Đối với nhiều quốc gia hậu thuộc địa, trật tự thế giới hiện tại là hiện thân mới nhất của bá quyền phương Tây, với nguồn gốc từ thời đại của chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Tại sao người ta lại đặt câu hỏi, Anh và Pháp là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi chỉ có một thành viên thường trực đến từ châu Á, và không có thành viên nào từ châu Phi, thế giới Hồi giáo hay châu Mỹ Latin? Có thể biện minh nào cho việc đưa Ý và Canada vào nhóm G-7 độc quyền?

Những người bảo vệ trật tự thế giới phương Tây thông thường phản ứng bằng cách đưa ra cam kết của mình đối với các giá trị phổ quát như nhân quyền và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo họ, trật tự thế giới hiện tại có thể bắt nguồn từ lịch sử của đế quốc phương Tây, nhưng với tư cách là một “đế chế của các giá trị”, trật tự thế giới phương Tây xứng đáng nhận được sự ủng hộ của tất cả những ai quan tâm đến tương lai của nhân loại.

Thật không may, chương trình nghị sự ngày càng “thức tỉnh” về các giá trị của phương Tây không đáng tin cậy hoặc phổ biến như những người theo chủ nghĩa tự do hy vọng. Chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Ả Rập Saudi trong tuần này nhắc nhở thế giới về những giới hạn đối với các cam kết của phương Tây đối với nhân quyền. Nhiều giá trị yêu quý trong trái tim của các nhà lãnh đạo văn hóa phương Tây (quyền LGBTQ, quyền phá thai, tự do ngôn luận được hiểu là cho phép nội dung khiêu dâm trên Internet không được kiểm soát) đánh đố và xúc phạm hàng tỉ  người trên thế giới, những người không theo kịp các xu hướng nóng sốt nhất kiểu Mỹ. Những nỗ lực của các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý phương Tây nhằm chặn nguồn tài chính cho hoạt động khai thác và tinh chế nhiên liệu hóa thạch ở các nước đang phát triển khiến cả giới tinh hoa và công chúng ở đó cùng hết sức phẫn nộ.

Hơn nữa, chương trình nghị sự về các giá trị mới, thời hậu Judeo-Christian của phương Tây tự do đã chia rẽ phương Tây. Chiến tranh văn hóa trong nước không thúc đẩy sự thống nhất ở nước ngoài. Nếu ông Biden, với sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu, biến quyền phá thai trở thành yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự các giá trị của trật tự thế giới, thì ông có nhiều khả năng làm suy yếu sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine hơn là đoàn kết thế giới chống lại ông Putin.

Sự nhầm lẫn về đạo đức và chính trị của phương Tây đương đại là vũ khí bí mật mà các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc tin rằng sẽ khiến trật tự thế giới của Mỹ phải sụp đổ. Ông Putin và Tập có thể tính toán sai. Nhưng sự đặt cược của họ vào sự suy đồi của phương Tây đã được đền đáp một cách ngoạn mục trong hơn một thập niên. Sự tồn tại của phương Tây và sự hưng thịnh toàn cầu đòi hỏi nhiều suy nghĩ và thay đổi sâu sắc hơn những gì mà chính quyền Biden và các đồng minh châu Âu hiện có thể tưởng tượng ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương Tây đã vỡ mộng khi nghĩ cả thế giới ủng hộ họ chống Nga