Theo đạo diễn Thế Ngữ, chương trình Táo Quân nếu cứ mãi chuyện “tâu bẩm” thành tích, hay loanh quanh chuyện kẹt giao thông, bệnh nhân nằm chung giường... thì sẽ bão hòa và không còn hấp dẫn với khán giả.
Phóng viên trò chuyện với đạo diễn Thế Ngữ, người đã “khai sinh” chương trình Táo Quân trên sóng truyền hình cách nay hơn 30 năm.
Xin hỏi năm nay ông có tham gia làm chương trình Táo Quân không?
Hai năm nay tôi không làm chương trình này nữa. Cũng chưa biết sang năm có làm hay không. Đài HTV đã đặt vấn đề với tôi nhưng tôi không làm nữa vì bây giờ diễn viên chạy sô kinh quá, làm vất vả lắm. Tập trong vòng 1 tuần, quay 3 buổi, để có đủ diễn viên rất khó khăn.
Sau 30 năm, ông còn chút hứng thú nào với Táo Quân nữa không?
Không, tôi hết hứng rồi. Ngày trước các diễn viên ham làm Táo Quân lắm, đây gần như là phong tục lấy “hên” vì diễn viên tin rằng Táo Quân sẽ phù hộ cho họ có nhiều “sô” diễn hơn. Có thời kỳ diễn viên kéo đến đầy nhà tôi, đòi tôi cho họ đóng vai này vai kia. Nên có kịch bản tôi viết tới 60-70 nhân vật để mỗi người nói một câu lấy “hên”.
Cách đây 2 năm khi tôi làm chương trình Táo Quân cuối cùng, tên là Táo ơi nói thật đi, diễn viên chạy sô kinh khủng. Tôi nhiều lần phải ứng biến những câu thoại để giải thích lý do vắng mặt của những nhân vật. Đến phần hạ màn, chỉ còn 13 - 14 người trên tổng số 30 người.
Có hay không do năm nay kinh tế khó khăn nên các đơn vị không muốn làm Táo Quân hay do làm nhiêu quá nên bão hòa?
Làm nhiều quá bão hòa thật. Ở HTV, chương trình Táo Quân của tôi làm có kết cấu câu chuyện đàng hoàng. Chứ chương trình Táo Quân ở các tỉnh, gần như các Táo chỉ đứng lên muôn tâu Ngọc Hoàng rồi kể lể thành tích. Loanh quanh vẫn là chuyện kẹt giao thông, chuyện bệnh nhân nằm chung giường... cứ nói hoài. Nói chung một số diễn viên chuyên nghiệp đã rút lui dần. Giờ phần lớn làm theo kiểu nghiệp dư.
VTV cũng đã học hỏi format của Thế Ngữ để xây dựng chương trình Gặp nhau cuối năm (Táo quân). |
Ông nhận xét thế nào về chương trình Táo Quân?
Táo Quân ngoài Bắc có kết cấu câu chuyện đơn giản nhưng “bạo miệng” hơn nên người dân thích. Táo Quân phía Nam, nói thực là “nhát” hơn nhiều, khi làm tôi phải tiết chế. Còn về cơ bản tôi thấy các chương trình Táo Quân ở các đài địa phương đều đều, na ná nhau, nó giống như bản báo cáo thành tích của địa phương mà thôi.
Cũng có thể Táo Quân sẽ có một điểm dừng nào đó như các chương trình khác?
Cũng có thể lắm. Ngày xưa có Gặp nhau cuối tuần, sau bao nhiêu năm cũng thành... “gặp nhau đuối dần”. Tôi từng tham gia làm chương trình Trong nhà ngoài phố kéo dài được 20 năm, nhưng sau không ai dám làm thêm. Mới đây chương trình đã được tái sinh nhưng cũng không còn hút khách như xưa. Ngày xưa mình làm kiểu phê phán thì dân tình ủng hộ. Nhưng cứ chê mãi khán giả cũng thấy chán. Bản thân tôi viết mãi cũng cạn ý tưởng, không nghĩ ra cái gì mới, khổ vậy đấy.
Năm ngoái tôi được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người viết kịch bản tiểu phẩm hài cho đài truyền hình nhiều nhất Việt Nam. Nhưng tôi cũng phải tự nhận là kỉ lục về số lượng thôi. Còn về chất lượng tự tôi thấy những sản phẩm mình sản xuất hàng loạt cho truyền hình khoảng một tuần 2-3 số mới chỉ là hàng “chợ” thôi chứ chưa phải “hàng hiệu”.
Tôi thấy giờ chương trình hài trên truyền hình nhiều quá trời, truyền hình thực tế nữa, họ có rất nhiều trò để lôi kéo khán giả. Hài truyền hình đang phá hài sân khấu, nên giờ không chỉ sân khấu ngoài Bắc ế đâu, ở TP.HCM bán được hết vé một đêm diễn là khó lắm.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Ngọc Diệp (Thể thao & Văn hóa)