Nằm êm đềm dưới những tán cây cổ thụ xanh mướt, phía trước là dinh Thống Nhất, Trường Lê Quý Đôn (TP.HCM) ẩn chứa bên trong nhiều dấu tích lịch sử, nơi ươm mầm nhiều nhân cách và trí tuệ lớn, trong đó có Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk cũng từng theo học tại đây.

Trường Trung học cổ nhất Sài Gòn

Một Thế Giới | 06/02/2015, 09:18

Nằm êm đềm dưới những tán cây cổ thụ xanh mướt, phía trước là dinh Thống Nhất, Trường Lê Quý Đôn (TP.HCM) ẩn chứa bên trong nhiều dấu tích lịch sử, nơi ươm mầm nhiều nhân cách và trí tuệ lớn, trong đó có Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk cũng từng theo học tại đây.

Theo họa sĩ Uyên Huy (Hội Mỹ thuật TP.HCM), sau khi chiếm được toàn cõi Nam kỳ, chuẩn đô đốc người Pháp Jules Fancois Emile Krantz (1821 -1914) đã ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học tại Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em người Pháp. Trường bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 1874 vàhoàn thành vào năm 1877. Thời gian mới đi vào hoạt động, trường chỉ nhận học sinh người Pháp, chương trình giảng dạy theo chính quốc, từ tiểu học tới tú tài.

Ngôi trường 140 tuổi

Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT) TP.HCM, cho biết thêm: “Thực chất Pháp muốn đào tạo những người phục vụ cho việc chiếm đóng, cai trị và khai thác thuộc địa, như mở trường thông ngôn đào tạo thông dịch viên, thư ký... và muốn dùng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm để tuyên truyền phổ biến nền văn hóa Pháp, phục vụ cho mục đích nô dịch cũng như đồng hóa về văn hóa sau này”.

Trước đây ở Sài Gòn, Trường Lê Quý Đôn có tên gọi đầu tiên là Collège Indigène, có nghĩa là trường trung học bản xứ, sau này mới đặt lại thành Trường trung học Chasseloup - Laubat để mang tên một bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa). Việc mở rộng nhận học sinh người Việt (phải có quốc tịch Pháp) được thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Trường chia thành hai khu riêng biệt: khu dành cho học sinh Pháp, gọi là Quartier Européen và khu học trò Việt gọi là khu bản xứ, nhưng hai nơi đều học chung chương trình Pháp và thi tú tài Pháp.

Tài liệu lịch sử của trường thể hiện, ngày 28.1.1927, một phân hiệu tạm thời tại Chợ Quán dành cho người bản xứ được thành lập theo nghị định của toàn quyền Đông Dương G.Gal, sau này sáp nhập vào một trung học đệ nhị cấp bản xứ để lập ra một trường mới, đó là Petrus Ký.
Trường tiếp tục đổi tên một lần nữa thành Jean Jacques Rousseau vào năm 1954 nhằm tránh gợi nhớ thời thuộc địa, nhưng vẫn do người Pháp quản lý, chủ yếu dạy học sinh người Việt. Tới năm 1970, trường được giao trả cho người Việt và đổi tên là Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, học từ lớp 1 đến lớp 12.

Truong Trung hoc co nhat Sai Gon-hinh-anh-1

Năm 1977,  Sở GD-ĐT TP.HCM chia khuôn viên trường ra làm hai cơ sở cấp 2 và cấp 3 cho đến ngày nay...

Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh do hai tác giả Thạch Phương và Lê Trung Hoa chủ biên cũng khẳng định: Năm 1874, thành lập Trường College Chasseloup Laubat. Như vậy có thể khẳng định, Lê Quý Đôn là trường trung học cổ nhất Sài Gòn hiện nay với tuổi thọ 140 năm.

Nơi học tập của nhiều người nổi tiếng

Chiều 5.2, tới thăm phòng truyền thống của Trường Lê Qúy Đôn, chúng tôi thấy những hình ảnh của các cựu học sinh được treo rất trang trọng: Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk, Anh hùng LLVT Đỗ Ngọc Thạnh, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, học giả văn hóa Vương Hồng Sển, nhân sĩ yêu nước Phan Văn Chương, GS sử học Trần Văn Giàu, GS - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, GS-TS Trịnh Xuân Thuận, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, TS Hồ Thiệu Hùng, NSND Hồng Vân, ca sĩ Elvis Phương, Thanh Thúy, Phương Thanh...

Cô Đỗ Thị Bích Duyên, quyền Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, và thầy Tô Văn Hùng còn đưa chúng tôi đi tham quan một loạt các công trình kiến trúc mang dấu ấn của Sài Gòn xưa tại khu nhà mà trước đây dành cho học sinh người nước ngoài, được gìn giữ rất cẩn thận. Bây giờ trường đặt tên là khu nhà Đại lộ thế kỷ để ghi nhớ sự tồn tại qua bao biến cố, thời gian của khu di tích này. Năm 14 tuổi, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk qua học ở khu nhà này trong vòng 1 năm, trước khi về nước lên ngôi vua.

Khu nhà này có tất cả 10 phòng học, 1 phòng dùng làm thư viện và 1 phòng người Pháp dành riêng cho giám thị để theo dõi học sinh trong khu vực hành lang. Mặc dù học sinh nước ngoài và học sinh bản xứ không học chung nhưng giờ ra chơi hai bên có thể gặp nhau thoải mái nên theo lời kể của GS Trần Văn Giàu lúc còn sống với thầy cô giáo trong trường, Quốc vương Campuchia khi đó và GS Trần Văn Giàu vẫn thường xuyên gặp nhau trao đổi bài vở học tập.

Năm 2009, nhân dịp sang thăm VN, Quốc vương Norodom Sihanouk có ngỏ ý về thăm lại trường xưa và trồng cây lưu niệm. Tuy nhiên, sau đó do sức khỏe không cho phép nên quốc vương đành lỗi hẹn. Sau này khi quốc vương mất, Đại sứ quán Campuchia tại nước ta có đến tặng một tấm bia kỷ niệm ghi dấu tích rằng nhà vua có học tại trường và tấm bia này đã được đặt trang trọng ngay vị trí dự định trồng cây lưu niệm trước phòng truyền thống.      

Hôm qua, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích - Sở VH-TT TP.HCM, cho biết Trường Lê Quý Đôn là công trình địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Hồ sơ Trường Lê Quý Đôn đang trình hội đồng xét duyệt thông qua và đề nghị UBND TP.HCM xếp hạng dí tích kiến trúc nghệ thuật , cấp TP. Sau khi xếp hạng, công trình kiến trúc này sẽ được bảo vệ theo luật Di sản văn hóa.

Vài nét về Chasseloup - Laubat 

Ông Chasseloup - Laubat sinh ngày 29.3.1805. Lớn lên ông không chọn đời binh nghiệp như cha mình mà lam lục sự cho Tòa thượng thẩm và được phong ngạch chánh tòa vào năm 1831. Ngày 24.3, Chasseloup - Laubat nhậm chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa và được vua Napoleon của Pháp phong Bộ trưởng Bộ Hàng hải vào ngày 24.11.1860.

Ông rời chức vụ năm 1867 để trở thành Bộ trưởng ngành lập pháp. Ngày 8.4.1871, ông làm đại diện cho cử tri vùng Charente Inferieure. Hai năm sau ông mất vào ngày 29.3.1873, cũng là ngày ông sinh ra 68 năm về trước.

Theo Hoàng Hà
(Thanh Niên)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Trung học cổ nhất Sài Gòn