Tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên "CEO 100 Tea Connect" chiều 14.9, các CEO hàng đầu thế giới đã chia sẻ cách áp dụng kinh tế xanh cho sự phát triển TP.HCM. Đây là một trong những hoạt động nổi bật nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023.

CEO hàng đầu thế giới hiến kế áp dụng kinh tế xanh cho TP

Tú Viên (Tổng hợp) | 14/09/2023, 19:30

Tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên "CEO 100 Tea Connect" chiều 14.9, các CEO hàng đầu thế giới đã chia sẻ cách áp dụng kinh tế xanh cho sự phát triển TP.HCM. Đây là một trong những hoạt động nổi bật nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023.

Thông qua buổi gặp gỡ, TP.HCM mong muốn tạo sân chơi chung giữa TP và các đối tác quốc tế. Các đối tác quốc tế tham dự sẽ là những người bạn cùng đồng hành với TP.HCM trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tại chương trình, thông điệp về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn được các đại biểu tham dự "CEO 100 Tea Connect" nhấn mạnh.

Ông Ichisaka Hirofumi, Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka (Nhật Bản), chia sẻ ngay từ năm 1886, Nhật Bản đã có ý tưởng lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống luật pháp, nỗ lực kiểm soát ô nhiễm.

Những năm 50, Nhật Bản phát triển thần kỳ, nhưng cũng kéo theo các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 1973, Osaka triển khai mô hình quản lý doanh nghiệp đầu tiên tại Nhật Bản có quy định rõ về yếu tố môi trường, nhờ đó duy trì tăng trưởng ổn định, đồng thời tiên phong vượt qua các vấn đề về ô nhiễm môi trường, mới có được ngày hôm nay.

ptx.jpeg
Quang cảnh buổi gặp gỡ "CEO 100 Tea Connect"

Hiện biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng toàn cầu, sản xuất hàng loạt sản phẩm nhựa đã đe dọa đến cả nhân loại và không thể giải quyết bởi một tỉnh hay quốc gia riêng lẻ.

Ông tin rằng mỗi quốc gia, mỗi địa phương như TP.HCM đã nhận thức rất rõ ràng tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. “Hy vọng diễn đàn này là cơ hội tốt để ngồi lại với nhau để chia sẻ các ý tưởng, cách làm hay, truyền cảm hứng cho nhau trong hành trình này”, đại diện tỉnh Osaka nói.

Ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng thành phố về kinh tế và tài chính của TP Porto (Bồ Đào Nha) chia sẻ, ở thành phố của ông, ngay từ năm học đầu tiên, các em học sinh đã được dạy làm sao để thích ứng với xanh hóa, tăng trưởng xanh. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, thuận tiện cho phát triển xanh ở các tòa nhà, không gian trong xanh trong lòng TP…

Để phát triển hiệu quả tăng trưởng xanh cần tạo ra một tinh thần kinh doanh tuần hoàn; đặt ra thử thách để các DN đáp ứng được những yêu cầu của TP, nhất là các DN khởi nghiệp (xử lý nước, năng lượng…). DN nào có giải pháp hiệu quả sẽ được chọn. Làm sao để việc tiêu dùng hằng ngày, như áo quần, thiết bị điện tử phải được tái sử dụng, tránh lãng phí, gây hại môi trường.

Cuối cùng là chính sách tài khóa và cơ chế khuyến khích miễn giảm thuế. Bồ Đào Nha đã xây dựng chỉ số môi trường, miễn giảm thuế cho các công ty đáp ứng các chỉ số này. "Bên cạnh đó, chúng tôi còn có trung tâm năng lượng cung cấp năng lượng cho người dân, hướng dẫn cho người dân xây nhà xanh, đáp ứng các tiêu chí xanh, an toàn môi trường…" ông Ricardo Valente nói.

po.jpeg
Ông Ichisaka Hirofumi (giữa), Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka (Nhật Bản)

Vị khách mời đến từ Bồ Đào Nha cũng cho rằng, chính quyền các địa phương là các nhà tiêu dùng lớn nhất trong xã hội, do đó phải tiên phong sử dụng các sản phẩm xanh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này. Nếu nhà nước không tham gia quá trình tiêu dùng xanh này thì không thể tạo được động lực cho xã hội.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, cho rằng muốn phát triển một nền kinh tế thịnh vượng, cần đi đôi với đảm bảo an toàn môi trường, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng…

"TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung rất đẹp và chúng tôi khao khát về nền kinh tế phát triển rực rỡ, song thực tế chưa được như vậy. Hạ tầng yếu kém, thiếu quy hoạch hạ tầng cho tầm nhìn 50 năm, TP chưa theo kịp nhu cầu nền kinh tế tuần hoàn", bà Thanh nói.

Nguồn nước, bầu không khí ô nhiễm, chi phí phí y tế tăng cao… đã tác động rất lớn đến sức khỏe người dân. Trên đường phố TP.HCM có rất nhiều điểm bán hàng sử dụng bao bì không phân hủy, hay như hàng ngày thải ra hơn 10 triệu tấn rác thải sinh hoạt và chủ yếu được chôn lấp... chính là ẩn họa về môi trường.

"Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...; cung cấp dịch vụ đạt chuẩn LEED, DGNP, Green Mark, Lotus…; đầu tư xử lý rác thải cho TP và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chờ đến 18 tháng mới có thể xác định địa điểm cho nhà máy xử lý rác WTE 2.000 tấn/ngày" - bà Thanh nói.

Bà Thanh cho biết, doanh nghiệp của bà đầu tư vào hệ thống điện mái nhà công sở. TP.HCM có rất nhiều tòa nhà công sở nên đây là thế mạnh rất lớn của TP. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư và bán điện theo giá điện lực.

"Từ thực tế trên, rất mong rằng chính quyền TP.HCM có quy định, chế tài chặt chẽ, đưa vào học đường vấn đề bảo vệ môi trường", bà Thanh đề xuất.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp thu những góp ý, hiến kế và khẳng định phát triển xanh là lựa chọn tất yếu. TP.HCM phải đi tiên phong, tiến hành bài bản, khẩn trương, kiên định hơn nữa con đường này.

Chủ tịch UBND TP cho biết, những ý kiến đóng góp tại CEO 100 Tea Connect sẽ được TP.HCM tiếp thu để hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trong tháng 9 này. Cùng với đó là xây dựng khung hành động với đầu việc cụ thể, lộ trình cụ thể, trả lời câu hỏi người dân cần làm gì, doanh nghiệp cần làm gì, chính quyền cần làm gì? Trong đó, TP.HCM sẽ lựa chọn địa bàn, lĩnh vực để thí điểm như góp ý của các vị khách mời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO hàng đầu thế giới hiến kế áp dụng kinh tế xanh cho TP