Hiện nay, một số cò đất đã tùy tiện sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng mua nhà đất. Thế nhưng, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch, đặc biệt là bên mua.

Cảnh báo cò đất dùng ‘vi bằng’ lừa người mua nhà đất

Phan Diệu | 28/10/2017, 09:13

Hiện nay, một số cò đất đã tùy tiện sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng mua nhà đất. Thế nhưng, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch, đặc biệt là bên mua.

UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) mới đây đã đưa ra thông tin cảnh báo người dân khi thực hiện giao dịch mua bán các căn nhà "ba chung" gồm giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và số nhà.

Theo UBND huyện Hóc Môn, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Hóc Môn xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các Văn phòng Thừa phát lại.

Việc này nhằm mua bán những căn nhà “ba chung”; đồng thời, việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

Thậm chí, có một số trường hợp chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà đất trong khi đã thế chấp tài sản ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác bằng giấy tay dẫn đến phát sinh tranh chấp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc và gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện.

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng chỉ có giá trị khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định.

Trên thực tế, tại Hóc Môn hiện nay một số người môi giới bất động sản (cò đất) sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng của mình.UBND huyện Hóc Môn cho rằng đó không phải là một thuật ngữ pháp lý, mà là một cách dùng từ sai và tùy tiện của những người môi giới bất động sản (cò đất). Việc này nhằm mục đích thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà họ tham gia.

“Việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch, đặc biệt là bên mua. Cần lưu ý rằng giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

Cụ thể, trong các trường hợp này là ghi nhận hành vi, sự kiện giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên nên vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực, tức là vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua.

Vi bằng do thừa phát lại lập chỉ có giá trị chứng cứ trước tòa án và các quan hệ pháp lý khác, dùng để chứng minh việc các bên đã giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất... làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra”, chính quyền huyện Hóc Môn cảnh báo.

Do đó, UBND huyện Hóc Môn đề nghị người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản trên địa bàn huyện cần liên hệ UBND xã – thị trấn nơi có bất động sản cần giao dịch.

Ngoài ra, người dân có thể đến UBND huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện) để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp sau này.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo cò đất dùng ‘vi bằng’ lừa người mua nhà đất