Trong năm 2023, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỉ đồng.

Cảnh báo các chiêu thức tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online trong năm mới

H.Đ | 19/01/2023, 07:58

Trong năm 2023, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỉ đồng.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Trong năm 2022, Cục đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm hơn 24%) và lừa đảo tài chính (chiếm gần 76%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Đó là chưa kể số trường hợp bị lừa đảo trực tuyến còn cao hơn rất nhiều con số thống kê bởi nhiều người không khai báo.

Thống kê của Bkav, cứ 4 người dùng Việt Nam thì có đến 3 người nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online. Kết quả khảo sát của Bkav, hơn nửa số người dùng Việt Nam bị làm phiền bởi các tin nhắn SMS Brandname giả mạo từ các tổ chức ngân hàng, tài chính. 

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết thời gian qua, các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân. Cục An toàn thông tin cho hay một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.

Cụ thể, trong năm 2022 đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Các biện pháp do cơ quan chức năng triển khai như: Phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo (tại địa chỉ chongthurac.vn); Phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn để gặp phải về an toàn thông tin; Cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo (tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn); Công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng (tại địa chỉ tinnhiemmang.vn); Kiểm tra, gán nhãn tín nhiệm cho hơn 3252 website chính thống; Triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có những biện pháp và hoạt động nhằm ngăn chặn lừa đảo như: Ngân hàng, chứng khoán, ví điện tử, các tổ chức tài chính triển khai các thông báo cho khách hàng qua email, SMS. Liên tục thông báo các nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan tới tổ chức cho cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, các giải pháp đã triển khai đều phát huy giá trị tích cực, tuy nhiên chưa được đồng bộ và thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương. 

Để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo trên đời thực, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Trong đó, nòng cốt chính là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Trong năm 2023, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỉ đồng. Dù nhận thức của người dùng đã được cải thiện, hacker sẽ ngày càng có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi.

Để tránh trở thành nạn nhân của các chiến dịch lừa đảo này, người dùng không nên vội vàng thực hiện giao dịch qua các địa chỉ, số điện thoại hoặc email nhận được từ chính tin nhắn đáng ngờ đó. Thay vào đó, người dùng nên xác minh thông tin tại trang chính thống của tổ chức.

Nhóm trang web được ưu tiên xác thực gồm: Trang web của tổ chức, cơ quan nhà nước; tổ chức ngân hàng – tài chính; các đơn vị tin tức, báo chí; các công ty, thương hiệu hoặc dịch vụ trực tuyến. Lý do, theo nghiên cứu của Cốc Cốc, đây là nhóm trang web bị tin tặc giả mạo nhiều nhất và có nguy cơ gây nhiều thiệt hại về thông tin cá nhân, tiền bạc cho người dùng. Biểu tượng Khóa xanh của tính năng Xác thực trang web sẽ như một tín hiệu “đèn xanh” phiên bản trên mạng, giúp bạn an tâm “lướt” đúng trang web chính chủ và phòng tránh dạng tấn công giả mạo website.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo các chiêu thức tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online trong năm mới