Kỳ thi THPT 2023 đang tới gần, các trường ĐH cũng như các chuyên gia giáo dục đã đưa những lời khuyên cần và đủ cho học sinh về việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.

Cần xác định rõ mục tiêu để lựa chọn ngành nghề phù hợp bản thân

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 20/03/2023, 11:16

Kỳ thi THPT 2023 đang tới gần, các trường ĐH cũng như các chuyên gia giáo dục đã đưa những lời khuyên cần và đủ cho học sinh về việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.

Lựa chọn sai ngành nghề: Đâu là lối đi?

Theo các chuyên gia giáo dục, việc học sinh lựa chọn sai ngành học dễ dẫn đến hệ lụy tiếp theo là các em mất đi phương hướng, mục tiêu theo đuổi. Và hơn hết, đó là sau khi vào trường ĐH các em rất dễ sinh ra chán nản, bỏ học hoặc học ra trường nhưng không thể xin được việc làm...

Chia sẻ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2023 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, em Nguyễn Thiện Nhân (học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Đình) cho biết hiện tại em rất băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề mình đăng ký, bởi lẽ em rất thích làm diễn viên hoặc các công việc liên quan tới ngành giải trí, nhưng bố em lại là giảng viên của một trường ĐH nên gia đình rất muốn em thi vào trường để dễ dàng xin việc làm sau này.

"Em cũng khá tự ti vì bản thân mình khá mập, không phù hợp với công việc diễn xuất, tuy nhiên mỗi lần xem phim hay thấy chương trình casting phim ngắn, MV, em vẫn thường xin mẹ cho đi thử. Nhưng bố mẹ không thích em theo ngành này vì cho rằng nó là vớ vẩn, không có tương lai. Tuy nhiên khi em đăng ký vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Mỏ địa chất hoặc các trường khác thì em không mấy hào hứng. Chỉ là đăng ký cho có trường để thi mà thôi" - Thiện Nhân chia sẻ.

Cũng như Thiện Nhân, có rất nhiều học sinh sau khi đủ điểm vào học ĐH, sau khi học qua 1-2 năm thì xác định lại mục tiêu và hiểu ra ngành nghề mình đang học không phù hợp với bản thân. Có rất nhiều sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, vì quá áp lực bài vở khi không có hứng thú học hoặc không theo nổi ngành nghề mình đăng ký, không quan tâm đến chuyên ngành mình đang học, đã bỏ học, bỏ thi...

Đưa ra ý kiến của mình, TS Trương Thị Hoa - Giảng viên Khoa Tâm lý học giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng khi các em học sinh đang băn khoăn chưa biết lựa chọn ngành nghề nào phù hợp, hoặc chính sinh viên khi đã lựa chọn ngành nghề nhưng lại bỏ ngang vì thấy không phù hợp, thì cần xác định lại mục tiêu rõ ràng của bản thân.

khaimac-tuvantuyensinh-2023-17-.jpg
Thí sinh cần chọn ngành trước rồi mới chọn trường

"Khi các em đang ở khối THPT, để xác định lại mục tiêu của bản thân cũng như sở thích thì khá dễ dàng. Còn các sinh viên khi đã vào học ĐH rồi mới xác định lại thì con đường khó khăn hơn. Có những bạn vẫn gắng gượng và tiếp tục đi tiếp con đường đã chọn, sau đó sẽ chọn đi thêm một con đường khác. Ví dụ một số bạn lựa chọn ngành thương mại điện tử, mặc dù không phù hợp nhưng các bạn vẫn cố gắng hoàn thành và chọn học thêm văn bằng 2 một ngành khác, đó là ngành mà bạn đam mê. Thậm chí có nhiều sinh viên bỏ học ngang để thi lại kỳ thi tốt nghiệp, tuy nhiên trường hợp đó khá hiếm.

Trên thực tế con đường nào rồi cũng có những chông gai, thử thách, điều quan trọng là bạn cần vững tâm lý, không nản lòng với những quyết định của mình, tự tin theo đuổi đam mê mới là điều quan trọng nhất. Hơn hết, đa số các sinh viên Việt Nam rất năng động, dù không lựa chọn đúng ngành học nhưng khi ra trường luôn cố gắng học hỏi và xin được việc làm mà mình yêu thích, với những trải nghiệm mới mẻ của công việc, cuộc sống, môi trường làm việc... đã ổn định công việc và yêu thích công việc hiện tại".

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, hằng năm có khoảng 175.000 sinh viên CĐ, ĐH tốt nghiệp và trong số đó có khoảng hơn 60% sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề. Việc hiểu bản thân thích gì, muốn gì và thị trường việc làm cần gì là điều cực kỳ quan trọng. Sự định hướng tốt và rõ ràng sẽ giúp bạn chọn được đúng ngành nghề mình yêu thích và có cơ hội phát triển trong tương lai. Còn nếu đã lỡ chọn sai ngành, cánh cửa cơ hội nghề nghiệp vẫn rộng mở với bạn, nếu bạn có thể tỉnh táo cân nhắc và có dũng khí tìm ra phương án giải quyết vấn đề của mình và nghiêm túc thực hiện đến cùng.

Theo thống kê của các trường ĐH, hiện nay nhiều sinh viên đã và đang chọn nhầm ngành nghề với bản thân. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục đều khẳng định nếu các em không có đủ điều kiện để chuyển nghề, chuyển trường thì các em hãy cố gắng học tiếp và lấy thái độ, kỹ năng của mình để lựa chọn hướng đi tiếp theo của mình.

"Tôi luôn cho rằng việc học ĐH chính là sự trải nghiệm lớn nhất của cuộc đời con người. Các em học sinh dù có muốn hay không cũng phải đánh cược chính bản thân mình để lựa chọn ngành, nghề. Có người chọn đúng, nhưng cũng có bạn chọn sai. Quan trọng nhất là các em đã định hướng sau đó cho cuộc đời mình như thế nào. Đừng quá bi quan bởi lẽ ngoài xã hội các yếu tố chuyên môn khi các em học ĐH để ra ngoài đi làm chỉ chiếm tới 10 - 15%, còn lại là toàn bộ sự năng nổ, học hỏi, thái độ của các em khi tiếp xúc với công việc. Cho dù chọn nhầm nhưng các em hãy cố gắng làm tốt công việc của mình" - PGS-TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenika khẳng định.

Lựa chọn ngành nghề: Theo sở thích, năng lực cá nhân hay theo xu hướng xã hội?

Hiện nay, không chỉ các trường ĐH mà các trường THPT cũng có những buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp. Việc này nhằm giúp các em định hướng lại mục tiêu của bản thân cũng như tìm được hướng đi theo sở thích, năng lực của mình chứ không phải theo xu hướng, số đông.

Theo PGS-TS Vũ Thị Hiền (Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), để lựa chọn được ngành nghề phù hợp với mình, điều đầu tiên các em phải quan tâm đến sở thích, đam mê của bản thân. Tiếp đó, mới lựa chọn xem có ngành nghề nào phù hợp với năng lực của mình hay không, tiếp đó mới tìm tới xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu xã hội, nguồn nhân lực, và tiếp đến là tài chính của gia đình, đáp ứng việc học của mình.

"Các em nên bình tĩnh, nghiêm túc khi đưa ra lựa chọn, tránh những sai lầm đáng tiếc. Và khi đã lựa chọn rồi thì cần đặt mục tiêu và nỗ lực để đạt kết quả cao trong học tập. Thực tế hiện nay, nhiều em lựa chọn theo học những ngành nghề không phù hợp với năng lực, dễ nảy sinh tâm lý chán nản và bỏ học giữa chừng. Nhiều trường hợp vẫn tiếp tục theo học theo kiểu đối phó, không có hứng thú nên chất lượng học tập không đảm bảo.

tuyen-sinh-2023.jpg
Các em học sinh cần xác định rõ mục tiêu để không chọn sai ngành nghề

Việc không xác định ngành nghề theo xu hướng nguồn nhân lực dẫn đến việc “thừa thầy, thiếu thợ” đang diễn ra rất nhiều trong xã hội. Sai lầm trong lựa chọn ngành nghề gây nên những hệ lụy như: lãng phí chất xám, thời gian, công sức, tiền bạc; không phát huy hết năng lực, tố chất, thậm chí là thất nghiệp. Và việc lựa chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân học sinh là chuyện không hề dễ dàng vì lúc đó các em phải đưa ra những quyết định liên quan đến bản thân và điều đó sẽ gắn bó cả đời với các em", PGS-TS Vũ Thị Hiền khẳng định.

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 không có nhiều thay đổi nhưng đây vẫn là thách thức với đa số học sinh và để các em có đủ sự tự tin, bản lĩnh quyết định hướng đi của mình thì cần đến sự hỗ trợ rất nhiều từ các hoạt động tư vấn tuyển sinh hay chính các thầy cô, các anh chị đã đi trước hướng dẫn.

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới trong buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2023, nhiều thí sinh vẫn còn phân vân khi đứng giữa việc chọn ngành nghề, chọn trường mình thích hay theo ý gia đình tư vấn. Thậm chí có em cho biết nhiều bố mẹ đã định hướng để các em đăng ký vào trường và đảm bảo sau này ra gia đình sẽ xin việc cho thuận tiện hơn, giảm bớt áp lực.

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh, thầy giáo Ngô Hùng Long (Trường ĐH Mỏ địa chất) cho biết bản thân các em cũng cần phải tìm hiểu kỹ ngành nghề mà bố mẹ muốn mình lựa chọn. Các em nếu vẫn muốn theo đuổi mục tiêu của mình thì hãy chứng minh với bố mẹ quyết định của mình không sai.

"Đừng phản đối ý kiến của gia đình bằng cách khó chịu hay không học hành nữa, tảng lờ đi sự chia sẻ của gia đình dễ dẫn đến việc các em lơ là học tập và gây áp lực cho chính bản thân. Các em cần học và chứng minh được mình theo đuổi đúng mục tiêu và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Người học là các em, nếu các em chạy theo xu hướng tuyển dụng của xã hội hay học theo ý kiến chủ quan của bố mẹ dễ dẫn đến lạc định hướng, không biết bản thân mình muốn gì, có làm được hay không. Các em sẽ không có sự hào hứng khi học tập, làm việc, ngỡ ngàng khi tiếp xúc với chuyên ngành khi học tới năm thứ 2, thứ 3" - thầy Long thông tin.

Đưa ra ý kiến của mình trong việc tuyển dụng nhân sự cho đơn vị, anh Hoàng Thế Lực (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nội thất và thương mại Hoàng Gia) cho biết khi phỏng vấn các ứng viên, đa số các đơn vị đều ưu tiên những sinh viên học đúng ngành đúng nghề. "Tuy nhiên vẫn có những bạn dù học trái ngành nghề nhưng khi phỏng vấn các bạn rất tự tin, có tinh thần học hỏi khi làm việc không đúng chuyên ngành. Thậm chí khi được cho cơ hội thử việc, họ hoàn thành công việc rất nhanh. Vì vậy việc các bạn sinh viên khi ra trường làm trái ngành nghề là hoàn toàn bình thường. Quan trọng là khi đi làm, bạn có hạnh phúc và vui vẻ không, có làm hết năng suất không, công việc có giá trị và ý nghĩa với mình không".

Lựa chọn ngành nghề khi học sinh đang trên ghế nhà trường, chưa tiếp xúc nhiều với xã hội là những quyết định khá khó khăn. Tuy nhiên, tùy vào năng lực học tập cũng như các môn học mà các em thích thú, các em hoàn toàn có thể lựa chọn được ngành nghề theo sự hướng dẫn của các thầy cô giáo hay các chuyên gia giáo dục. Bên cạnh đấy, khi các em dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học tập, theo đuổi mục tiêu thì hiệu suất và tỷ lệ đỗ tại các trường sẽ cao hơn. Và khi đó, các em sẽ trưởng thành nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn khi đối diện với công việc trong xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần xác định rõ mục tiêu để lựa chọn ngành nghề phù hợp bản thân