Ngành giáo dục tại các tỉnh thành hầu hết đã triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tới các trường học, tuy nhiên nhiều trường vẫn gặp khó khăn khi thực hiện.

Khó khăn về trang thiết bị và giáo viên khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Dạ Thảo | 18/03/2023, 15:05

Ngành giáo dục tại các tỉnh thành hầu hết đã triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tới các trường học, tuy nhiên nhiều trường vẫn gặp khó khăn khi thực hiện.

hoc-sinh-hoang-dieu-4.jpg

Thiếu giáo viên cục bộ, các trường bị động trong việc phân công chuyên môn

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên chia sẻ, do thay đổi về yêu cầu trình độ đào tạo với giáo viên các khối nên việc tuyển dụng giáo viên mới gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt số lượng giáo viên ở các huyện còn thiếu nhiều so với định mức các giáo viên đứng lớp.

"Cả 3 cấp học còn thiếu giáo viên chuyên môn, một số trường thì thiếu phòng học bộ môn hoặc phòng học chức năng, chưa đảm bảo yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tỉnh Hưng Yên cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn các giáo viên học dần trong các môn học tích hợp, đào tạo giáo viên liên môn.

Còn việc thiếu giáo viên ở các môn học mới, tỉnh sẽ phối hợp để xác định nhu cầu đào tạo và đề xuất lên Chính phủ và Bộ GD-ĐT hỗ trợ, giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm để kết nối, đảm bảo gắn liền với ký biên chế với các giáo viên cơ hữu đặt hàng", đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên chia sẻ.

Còn tại Hà Nội, khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới, các trường cũng gặp khó khăn. Thầy Bùi Văn Phúc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Amsterdam cho biết, hiện nay do được tiếp xúc với môi trường giáo dục hiện đại nên đa số các giáo viên có khả năng thích ứng nhanh với chương trình mới và học sinh cũng có nhận thức, chủ động tốt.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất ở chính các đô thị là các trường dù có được đầu tư trang thiết bị tốt tới mấy cũng không đủ giáo viên đáp ứng được hết các lựa chọn tổ hợp của học sinh. Chủ yếu nhà trường đáp ứng được các tổ hợp chuyên về tự nhiên, còn tổ hợp về về công nghệ thì chưa đáp ứng được một cách đồng bộ.

giao-duc-pho-thong-2018.jpg
Đa số các trường học đều thiếu trang thiết bị để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới

"Đa số các thiết bị dạy học cũng đã cũ kỹ và chưa được mua sắm tập trung đúng hạng mục đề xuất theo mục tiêu chương trình mới. Việc phân công chuyên môn của các giáo viên trong trường chưa được đồng đều. Ngoài ra, nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp theo cảm tính dẫn đến tình trạng học được một thời gian thấy không theo được lại xin đổi tổ hợp, gây khó khăn trong việc tổng kết điểm và việc học các môn tổ hợp mới", ông Phúc cho hay.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ giảm tải lượng môn học cho các học sinh nhưng lại tăng các hoạt động giáo dục trải nghiệm. Điều này thì không phải địa phương, trường lớp nào cũng thực hiện đầy đủ được.

Theo ông Phúc, điều mà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có được chính là những kiến thức cơ bản theo từng cấp học được liên kết với nhau, đảm bảo được nền tảng kiến thức cho học sinh khi hoàn thiện hết 1 cấp học. Chương trình mới sẽ giúp học sinh vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn, thoát khỏi lối học chay, học gạo.

Việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn

Tại buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, GS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường cho biết, đơn vị luôn chủ động xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên, đặc biệt là với 4 mã ngành mới là Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân. Các chương trình đào tạo giáo viên cũng chính là trọng tâm để triển khai, đáp ứng nguồn lực cho các địa phương.

"Hiện nay, trường đào tạo theo chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao dựa trên nhu cầu dự báo của địa phương và sẽ phân ngành cho từng đơn vị. Tuy nhiên, khi trường liên hệ về địa phương để hỏi vấn đề đặt hàng giáo viên về dạy để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới thì chỉ có số ít các địa phương phản hồi là có nhu cầu. Như năm 2021 chỉ có Long An và Ninh Thuận đặt hàng.

Do không nhận được phản hồi về nhu cầu tuyển dụng từ các địa phương nên trường thực hiện việc mở ngành, tuyển sinh và đào tạo căn cứ vào các khảo sát nhu cầu, chỉ tiêu dự kiến (thông qua chọn nguyện vọng của học sinh) nên số lượng giáo viên các môn mới ra trường không nhiều. Năm 2023, trường sẽ có 46 giáo viên Sư phạm Khoa học tự nhiên ra trường, hai năm sau có khoảng 300 giáo viên của các môn còn lại ra trường. Số lượng này sẽ không đáp ứng đủ hết nhu cầu của các địa phương, nhưng cũng sẽ giải quyết phần nào trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mới".

Ông Sơn cho rằng vấn đề quan trọng nhất chính là chế độ chính sách lương bổng tốt, thúc đẩy sự hào hứng ở các giáo viên. Thêm nữa là việc xây dựng hành lang chính sách riêng cho các giáo viên sẽ thu hút được người giỏi, các sinh viên yêu ngành sư phạm cũng sẽ được giải quyết triệt để hơn về kinh tế gia đình, an tâm công tác.

Hiện nay, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang được dạy tích hợp theo 3 định hướng là tích hợp nội môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn. Trong việc triển khai ba định hướng trên, thách thức đáng kể nhất là dạy các môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS.

Tuy nhiên việc phát triển đội ngũ giáo viên dạy được các bộ môn tích hợp này còn gặp nhiều khó khăn. Các giáo viên chưa đủ năng lực và đủ kiến thức để giảng dạy các bộ môn tích hợp. Nếu tách riêng lẻ thì sẽ gặp khó khăn cho việc bố trí kiến thức cho học sinh, nhưng nếu để 1 giáo viên dạy cùng lúc cả 3 môn tích hợp thì năng lực giáo viên không đủ, hiệu quả không có. Các giáo viên hiện nay cũng rất ít người đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ hay tin học, công nghệ một cách nhuần nhuyễn, đặc biệt ở các tỉnh thành xa xôi, vùng cao...

Để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cần giải quyết căn cơ tình trạng giáo viên thừa, thiếu cục bộ và hơn hết là năng lực của chính các giáo viên. Ngoài ra, việc đáp ứng được yêu cầu phân bổ SGK sao cho hợp lý, thực hiện được việc tích hợp giữa các môn, cho học sinh lựa chọn các môn tích hợp theo từng tỉnh thành... cũng là những thách thức không hề nhỏ của ngành giáo dục trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn về trang thiết bị và giáo viên khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018