NASA đã công bố hình ảnh về một miệng hố độc đáo trên sao Hỏa với những đường gờ nổi bật trông giống như dấu vân tay của người.

NASA công bố hình ảnh miệng hố kỳ lạ trên sao Hỏa

Long Hải | 23/04/2022, 17:45

NASA đã công bố hình ảnh về một miệng hố độc đáo trên sao Hỏa với những đường gờ nổi bật trông giống như dấu vân tay của người.

mieng-ho.jpg
Miệng hố Airy-0 nhìn từ Tàu quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa - Ảnh: NASA

Miệng hố trong ảnh được gọi là Airy-0, một vùng lõm rộng 0,5 km nằm trong miệng hố Airy lớn hơn, rộng khoảng 43,5 km. Bức ảnh mới công bố được chụp vào ngày 8.9.2021, sử dụng camera độ phân giải cao trên Tàu quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa và chỉ mới được NASA chia sẻ trong một bài đăng trên Instagram vào ngày 11.4.

Miệng hố Airy nằm trong khu vực được gọi là Sinus Meridiani. Tên gọi của miệng hố được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Anh, Sir George Biddell Airy, người đã chế tạo kính viễn vọng tại Đài quan sát Hoàng gia Greenwich, nơi đầu tiên phát hiện ra miệng hố khổng lồ.

Năm 1884, các nhà thiên văn học ban đầu chọn miệng hố Airy để đánh dấu kinh tuyến gốc của sao Hỏa vì nó đủ lớn để có thể nhìn thấy bằng kính thiên văn vào thời điểm đó. Trên Trái đất, kinh tuyến gốc được đánh dấu bởi Đài quan sát Hoàng gia Greenwich ở Anh, biểu thị ranh giới giữa bán cầu Đông và Tây.

“Nhưng khi các bức ảnh có độ phân giải cao hơn trở nên phổ biến, việc chọn một miệng hố nhỏ hơn để đánh dấu kinh tuyến gốc của sao Hỏa là cần thiết”, đại diện NASA viết trên Instagram.

Các nhà khoa học đã chọn Airy-0 để thay thế Airy làm điểm đánh dấu kinh tuyến gốc vì nó có kích thước phù hợp và không yêu cầu những thay đổi lớn đối với các bản đồ hiện có.

Abigail Fraeman, nhà khoa học hành tinh và là phó dự án tàu Curiosity của NASA, nói với Live Science: “Hình ảnh cho thấy những đường gờ màu sáng nổi bật - được gọi là các rặng núi TAR - bên trong miệng hố Airy-0. TAR là một đặc điểm chúng ta thường thấy ở các miệng hố và các vùng trũng khác trên sao Hỏa”.

Fraeman cho biết các rặng núi này được hình thành bởi các cồn cát bị bao phủ bởi một lớp bụi mỏng. Bụi bao phủ các TAR trong Airy-0 rất có thể là hematit, một khoáng chất được tạo ra từ oxit sắt, có nhiều ở khu vực xung quanh và khiến mặt đất có màu xám như trong bức ảnh. Bụi hematit có khả năng phản xạ, điều này làm cho các TAR nổi bật so với phần còn lại của miệng hố.

Đây không phải là lần đầu tiên người ta quan sát thấy các đường kỳ lạ trong miệng hố trên sao Hỏa. Vào ngày 30.3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã công bố những hình ảnh về một cặp miệng hố do tàu quỹ đạo Mars Express chụp. Một trong những miệg hố này cho thấy bằng chứng về “địa hình não bộ” với những gợn sóng xuất hiện rất giống nếp nhăn trên não người. Tuy nhiên, những đường này là do trầm tích băng chứ không phải TAR.

Vào tháng 6.2021, ExoMars Trace Gas Orbiter - một sứ mệnh chung của ESA và Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos - đã chụp được hình ảnh của một miệng hố lộn xộn với các vòng đồng tâm. Theo các nhà khoa học, những đặc điểm này nhiều khả năng là do băng từ sao chổi sinh ra chứ không phải TAR.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NASA công bố hình ảnh miệng hố kỳ lạ trên sao Hỏa