Chiều 22.7, các trường ĐH bắt đầu công bố điểm sàn xét tuyển các ngành đào tạo năm 2023 theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các trường ĐH bắt đầu công bố điểm sàn xét tuyển
2 trường ĐH đầu tiên công bố điểm sàn xét tuyển các ngành y dược là trường ĐH Nguyễn Tất Thành với ngành Y khoa có mức sàn nhận hồ sơ cao nhất là 23 điểm.
Ngành Dược học có mức 21 điểm và các ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng là 19 điểm. Đồng thời, với ngành Giáo dục mầm non, điểm sàn là 19 điểm.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố mức điểm sàn dành cho khối ngành Sức khỏe dao động từ 19-22,5 điểm. Không chỉ khối Y Dược, cũng trong chiều 22.7 trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã công bố điểm sàn với mức từ 18-21,5 điểm.
Theo Bộ GD-ĐT trong kỳ thi THPT 2023 vừa qua có 72.000 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng tuyển sinh ĐH duy nhất. Các em vẫn còn 9 ngày nữa để đăng ký hoặc thay đổi nguyện vọng của mình.
"Năm 2023 toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Song, hiện mới có gần 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống, chiếm khoảng 1/3. Cụ thể là khoảng 37%, tỷ lệ này so với các năm là thấp. Có thể thấy các em hiện đang cân nhắc cho ngành học của mình nhưng tôi chỉ khuyên các em không nên để đến sát thời điểm cuối cùng, bởi lúc này có thể nhiều người đăng ký, gây nghẽn mạng” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Hệ thống (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định (từ ngày 10.7 đến 17 giờ ngày 30.7). Từ 31.7 - 6.8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Các trường thông báo thí sinh trúng tuyển (đợt 1) muộn nhất là 17 giờ ngày 22.8. Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (đợt 1) trên Hệ thống trước 17 giờ ngày 6.9. Sau 6.9, các trường có thể bắt đầu khai giảng năm học mới. Các trường xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có) cho tới hết năm 2023.
Không nên để trứng cùng một giỏ
Tại ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng được tổ chức vào ngày 22.7 ở Hà Nội, nhiều phụ huynh băn khoăn Bộ GD-ĐT có ưu tiên các học sinh đặt nguyện vọng trước và có sự phân biệt giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng khác hay không?
Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định hoàn toàn không có sự ưu tiên nào giữa thí sinh đặt nguyện vọng 1 và nguyện vọng thứ 10, nhà trường sẽ lựa chọn thí sinh nào có điểm số cao hơn sẽ trúng tuyển.
“Thứ tự nguyện vọng không phải điều kiện tiên quyết để ưu tiên hơn thí sinh khác. Việc xét tuyển sẽ thực hiện từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu. Trong trường hợp 2 thí sinh bằng điểm nhau, trường không có tiêu chí phụ để phân loại, ví dụ điểm Toán hoặc điểm Văn phải cao hơn, cả hai em sẽ được nhận cùng lúc. Việc xếp thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh, vì hệ thống xét tuyển sẽ chạy lọc ảo, nếu thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó. Vì thế, thí sinh cần lưu ý xếp những nguyện vọng mình thích lên trên”, bà Thủy nói.
Đưa ra lời khuyên với các thí sinh đang lựa chọn các nguyện vọng của mình, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết thí sinh không nên chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất hoặc dồn tất cả nguyện vọng vào các trường tốp cao. Thay vào đó, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.
“Việc dồn tất cả nguyện vọng vào trường tốp cao có thể dẫn tới rủi ro rất lớn, khi trượt tất cả các nguyện vọng này. Đây có thể xem là “chiến thuật” để tăng tỷ lệ trúng tuyển đại học cho các em”, PGS Thuỷ cho hay.
Một sai sót nữa mà PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý đối với các em, đó là lỗi kỹ thuật. Khi kết thúc quy trình điều chỉnh, thí sinh đã không nhấn nút “Hoàn thành” (submit) dẫn tới hệ thống không ghi nhận điều chỉnh thay đổi, rất đáng tiếc.
Đối với thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, PGS Thủy lưu ý, các em vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chưa được công nhận trúng tuyển chính thức.
Về băn khoăn việc nên học cao đẳng hay đại học trong năm học tới, TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng đây là quyết định quan trọng không chỉ của riêng học sinh mà còn là quyết định mấu chốt của gia đình. Ông Ngọc cho rằng học cao đẳng khác đại học ở chỗ cao đẳng đào tạo thực hành từ 70% trở lên, lý thuyết chỉ 30% trở xuống. Bậc đại học sẽ học nhiều kiến thức hàn lâm, do đó cần các em có tố chất, năng lực học tập tốt.
"Nhiều học sinh điểm cao nhưng vẫn lựa chọn học cao đẳng vì các em mong muốn được đi làm sớm, các em hãy lựa chọn ngành nghề trước rồi hãy chọn trường. Học sinh cần phải hiểu năng lực, sở trường và sở đoản của bản thân, từ đó lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tôi khẳng định trong một ngôi trường không phải ngành nghề nào cũng tốt. Phụ huynh, học sinh cũng cần lưu ý, nếu các em có năng lực học tập nên chọn vào một trường đại học. Nhưng nếu phụ huynh chỉ chọn cho con em mình vào một trường đại học nào đó vì trào lưu đám đông thì không nên. Chúng ta hãy chọn môi trường cho con phát huy năng lực, sở trường, đừng đặt sức ép, kỳ vọng của cha mẹ quá lớn lên con”, ông Ngọc cho hay.