Đây là năm thứ 2 chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng ở các trường THPT để học sinh lựa chọn được tổ hợp phù hợp năng lực, đạt hiệu quả nhất.

Lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10: Rất khó để thay đổi

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 22/07/2023, 10:11

Đây là năm thứ 2 chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng ở các trường THPT để học sinh lựa chọn được tổ hợp phù hợp năng lực, đạt hiệu quả nhất.

Học sinh lựa chọn tổ hợp với 8 môn bắt buộc và 4 môn tự chọn

Hiện nay các học sinh thi vào lớp 10 đã biết mình trúng tuyển vào trường gì và với số điểm bao nhiêu. Nhưng sau niềm vui này thì học sinh và gia đình cũng bắt đầu lo lắng cho việc lựa chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT.

Đây là năm thứ 2 chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng ở các trường THPT và các trường cũng đã có những điều chỉnh để học sinh của mình lựa chọn được tổ hợp phù hợp năng lực, đạt hiệu quả nhất.

Việc học sinh phải lựa chọn tổ hợp nào chính là điểm mấu chốt để định hướng nghề nghiệp của chính học sinh đó sau này. Việc lựa chọn không đúng tổ hợp hoặc chưa phù hợp lắm với năng lực học của mình sẽ khiến học sinh căng thẳng, khó theo được chương trình học tại trường THPT. Bên cạnh đấy, việc đổi tổ hợp môn không phải dễ dàng, học sinh nếu đổi phải xem trường mình có tổ hợp đó hay không và lại phải học lại từ đầu hoặc khó có thể lấy lại điểm thi từ những bộ môn tổ hợp mà mình không chọn trước đó. Về lý thuyết, học sinh có thể đổi tổ hợp môn nếu thấy không phù hợp, tuy nhiên, rất khó để các em có thể theo kịp kiến thức. Vì thế, tại buổi tư vấn học sinh lẫn phụ huynh đều được khuyên cần cân nhắc thật kỹ.

thi-lop-10-12.jpg
Chọn tổ hợp môn học từ lớp 10: Học sinh, nhà trường đều gặp khó

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được chia làm 2 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT). Học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau. Riêng môn Nghệ thuật, hiện nay, phần lớn các trường THPT chưa có giáo viên đối với môn Nghệ thuật.

Qua tìm hiểu tại các trường THPT sau 1 năm triển khai, về cơ bản các em học sinh đều giữ nguyên môn học đã lựa chọn, bởi các em đều nhận thức được việc thay đổi môn học sẽ gặp nhiều khó khăn, khó theo kịp những học sinh đã học từ đầu, đặc biệt là đối với việc đổi môn từ khối xã hội sang khối tự nhiên.

Đưa ra khó khăn của việc lựa chọn tổ hợp, cô giáo Nguyễn Hoa Chanh - THPT Hoài Đức, Hà Nội cho biết rằng: "Khoá khối 10 năm trước, vì phụ huynh không tìm hiểu kỹ nên khi học xong lớp 10, rất nhiều học sinh lớp tôi chủ nhiệm đã vất vả học thêm hè để thi bổ sung chuyển khối. Các con mới 15 tuổi, nếu bảo để con tự lựa chọn thì con chưa đủ nhận thức về nghề nghiệp, về khối ngành sau này vào đại học để chọn. Vậy nên bố mẹ phải là người hỗ trợ, định hướng tốt nhất. Muốn vậy cần phải có cái nhìn tổng quan nhất để con không phải học phí công rồi lại học môn khác vào hè, mất một năm vất vả" - cô Chanh chia sẻ.

Khó thay đổi khi lựa chọn tổ hợp, nhà trường gặp khó khi thiếu giáo viên

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Nguyễn Lê Na - trường THPT Mỹ Đình cho biết để lựa chọn tổ hợp khi học sinh bắt đầu bước chân vào lớp 10 là điều không dễ dàng. Các em học sinh phải xác định thế mạnh của mình là gì, sau đó mới đến sở thích và để kiểm tra chắc chắn hơn các em nên làm một số bài tập ở các môn hoặc tham gia các buổi tư vấn chọn do chính nhà trường hoặc quận tổ chức để có lựa chọn phù hợp.

lam-son-7.jpg
Chương trình GDPT 2018 chính thức áp dụng ở cấp THPT vào năm học 2022 - 2023 với lớp 10

"Đa số các em lựa chọn nhiều nhất là tổ hợp thiên về tự nhiên như các môn: Vật lý, Hóa học, Địa lý, Tin học. Tổ hợp ít học sinh lựa chọn nhất, chỉ có 2 học sinh chọn là: Địa lý, Sinh học, Kinh tế pháp luật, Công nghệ... chính vì thế nhà trường cũng sẽ tìm cách sắp xếp, phân bổ giáo viên hợp lý với những tổ hợp ít được học sinh lựa chọn" - cô Na chia sẻ.

Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học, cụm chuyên đề học tập thì hiệu trưởng phải báo cáo với Sở GD-ĐT để sắp xếp, bố trí thời gian cho học sinh bổ sung những môn học chưa được học. Tuy nhiên điều này khá khó khăn nên học sinh cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để không bị tụt lại cũng như đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bản thân.

Theo nhiều chuyên gia, để chọn môn học phù hợp khi bước vào lớp 10 cần xuất phát từ năng lực của người học, sở trường bản thân, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học ở cấp THPT. Trong khoảng thời gian học cấp THCS, học sinh có tư duy tốt về lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều được hiện rõ. Học sinh và phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến từ các thầy cô phụ trách chính để có thêm những thông tin chuẩn xác về năng lực của con.

Việc công khai sớm các tổ hợp của lớp 10 năm tới cũng là một yếu tố để học sinh lựa chọn phương án phù hợp cho 3 năm học tiếp theo để lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều trường sẽ bị thiếu giáo viên nếu ít học sinh lựa chọn môn học khác, đặc biệt là môn Nghệ thuật.

Đưa ra các giải pháp thiếu giáo viên, khó có thể thay đổi lựa chọn tổ hợp của học sinh, theo Bộ GD-ĐT, các địa phương hay các trường có thể nghiên cứu theo hướng sử dụng chung tài nguyên (nguồn giáo viên, học liệu) của từng cụm trường. Hoặc các trường trên địa bàn quận, huyện để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là đối với môn Nghệ thuật vì việc chia sẻ giáo viên ở các môn đặc thù là giải pháp được khích lệ. 

Ngành GD-ĐT và các địa phương đã có 4-5 năm chuẩn bị, nhưng khi triển khai vẫn quá nhiều khó khăn, bối rối. Một phần do triển khai vào giữa những năm đại dịch, tuy nhiên cũng có những khó khăn xuất phát từ chủ quan. Khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được Chính phủ phê duyệt, đồng thời có 2 đề án khác cũng được triển khai là: Củng cố đội ngũ giáo viên và Xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo để triển khai chương trình mới. Nhưng cho tới hiện nay, các Đề án chưa đạt được mục tiêu. Cả nước còn thiếu trên 94.000 giáo viên, trong đó bậc THPT có tình trạng thừa và thiếu giáo viên ở nhiều địa phương…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10: Rất khó để thay đổi