Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cho biết Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 này sẽ diễn ra từ ngày 15.4 đến 15.5 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Các ngành chức năng làm gì trong 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023?

Hồ Quang | 13/03/2023, 15:30

Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cho biết Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 này sẽ diễn ra từ ngày 15.4 đến 15.5 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, sở dĩ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 này được chọn chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” do hiện nay công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.

cac-nganhchuc-nang-lam-gi-trong-thang-hanh-dong-an-toan-thuc-pham-nam-2023-hinh-anh(1).png
Lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ đầu mối - Ảnh: PV

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn là nguy cơ, các thị trường nhập khẩu tăng những rào cản kỹ thuật (bên cạnh rào cản an toàn thực phẩm đã bổ sung rào cản chống dịch bệnh COVID-19...) dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Ban chỉ đạo nhấn mạnh mục tiêu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 là nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 sẽ là đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, tháng hành động này cũng sẽ gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cũng theo Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn thực phẩm; huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương, địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình, chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng thực phẩm an toàn.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị có liên quan phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và quy định của UBND các cấp về an toàn thực phẩm; những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến cơ quan chức năng.

Thông báo công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí viết bài, đăng tin bài tuyên truyền trên các báo, tạp chí; phối hợp với các đơn vị xây dựng nội dung và sản xuất các tài liệu truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 -2025”; đề án "Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của trung ương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các ngành chức năng làm gì trong 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023?