Các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc sản xuất trong nước có cơ hội tốt để tăng thị phần vào năm 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và lựa chọn những chiếc xe rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
BYD (hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới) cùng công ty khởi nghiệp như Li Auto và Leapmotor sẽ hưởng lợi từ việc hạ tiêu chuẩn tiêu dùng khi những tài xế chuyển hướng sang các mẫu xe rẻ hơn sau những lo lắng về triển vọng việc làm và tiền lương của họ, các nhà phân tích và đại lý bán hàng cho biết.
Tian Maowei, Giám đốc bán hàng thuộc công ty Yiyou Auto Service ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), nói: “Nền kinh tế suy yếu nghiêng cán cân có lợi cho hãng sản xuất các mẫu ô tô dành cho thị trường đại chúng của tài xế. Các nhà chế tạo ô tô Trung Quốc sẽ chứng kiến thị phần của họ trên thị trường xe điện tăng lên trong năm nay”.
Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới. Doanh số bán ô tô điện ở Trung Quốc vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8,4 triệu chiếc (chậm lại so với mức tăng 114% trong năm 2022 so với 2021), theo ước tính của Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA).
Việc Trung Quốc hủy bỏ trợ cấp tiền mặt cho mua ô tô điện, nền kinh tế chậm lại và cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng đã gây áp lực lên các nhà sản xuất xe điện cao cấp như Tesla.
Bị BYD truất ngôi là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới vào năm 2022, Tesla (có trụ sở tại bang Texas, Mỹ) đã giảm giá Model 3 và Model Y được sản xuất ở Trung Quốc tới 13,5% vào tuần trước trong nỗ lực duy trì thị phần.
Ô tô điện thông minh có giá dưới 200.000 nhân dân tệ (29.247 USD) trở nên phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc khi chiến lược kiểm soát đại dịch ăn vào lợi nhuận của các công ty và thu nhập nhân viên vào năm ngoái.
Lĩnh vực ô tô của Trung Quốc bị chi phối bởi các thương hiệu nước ngoài như Volkswagen (Đức) và General Motors (Mỹ) kể từ những năm 1980. Sự trỗi dậy của các hãng ô tô Trung Quốc trong thập kỷ qua không đủ để phá vỡ hoàn toàn thế độc quyền này.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, các thương hiệu nước ngoài vẫn chiếm 50,8% thị phần ô tô ở Trung Quốc, theo dữ liệu từ CPCA. Đó là câu chuyện rất khác trong lĩnh vực ô tô điện, nơi các thương hiệu Trung Quốc chiếm 84,7% thị phần trong cùng thời kỳ, theo CPCA.
Guan Mingyu, thành viên của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey (Mỹ), cho biết: “Sự yêu thích của người tiêu dùng Trung Quốc với các thương hiệu ô tô nước ngoài đã có từ lâu. Dù vậy, khoảng một nửa người tiêu dùng ở Trung Quốc tin rằng họ không cần trả nhiều tiền hơn cho một chiếc ô tô điện mang thương hiệu nước ngoài vì chất lượng và hiệu suất cao. Họ đang ủng hộ các công ty khởi nghiệp mới nổi sản xuất ô tô điện thông minh của Trung Quốc ”.
Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước rằng BYD (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, được hỗ trợ bởi hãng Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett) sẽ giành được thị phần tại thị trường Trung Quốc trong năm nay khi nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Goldman Sachs là công ty quản lý đầu tư, chứng khoán và ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới, có trụ sở ở thành phố New York (Mỹ).
Hầu hết phương tiện BYD được bán với giá dưới 200.000 nhân dân tệ và bộ pin lithium iron phosphate hình “lưỡi dao” của hãng đã chứng minh được giá trị của chúng với tài xế lẫn các nhà lắp ráp ô tô. Các viên pin được sắp xếp theo cách tăng mật độ năng lượng đồng thời tăng cường khả năng chống quá nhiệt. Pin hình “lưỡi dao” cũng được cung cấp cho nhà máy của Tesla ở Berlin (thủ đô Đức).
Goldman Sachs cũng chỉ ra Li Auto, nhà sản xuất ô tô điện thông minh có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, là ngôi sao đang lên ở thị trường Trung Quốc.
Báo cáo cho biết: “Chúng tôi tin rằng Li Auto đang tạo sự khác biệt so với ngành công nghiệp sản xuất ô tô rộng lớn hơn của Trung Quốc bằng cách hình dung và tạo ra trải nghiệm hấp dẫn cho người tiêu dùng xe điện, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của các công nghệ độc đáo và hành động đổi mới”.
Hôm 6.1, trang LatePost đưa tin Xiaomi có kế hoạch phát triển một chiếc sedan hạng trung chạy bằng pin để cạnh tranh với Tesla Model 3, khi hãng smartphone nổi tiếng Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực khai thác thị trường ô tô điện.
Mẫu ô tô đầu tiên của Xiaomi (có trụ sở tại Bắc Kinh) dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2023, tham gia vào một thị trường quá đông đúc với gần 200 nhà sản xuất xe điện trong bối cảnh tốc độ điện khí hóa trên các con đường Trung Quốc đang tăng nhanh.
Theo LatePost, phiên bản ô tô Xiaomi cơ bản dự kiến có giá từ 260.000 nhân dân tệ (37.900 USD) đến 300.000 nhân dân tệ, so với 229.900 nhân dân tệ cho phiên bản rẻ nhất của Tesla Model 3 (một trong những ô tô điện cao cấp bán chạy nhất ở Trung Quốc).
Chiếc ô tô Xiaomi sẽ được cung cấp năng lượng bởi bộ pin lithium iron phosphate của BYD (hãng ô tô điện nổi tiếng Trung Quốc), trang bị cảm biến Lidar, buồng lái thông minh và chip Nvidia Orin (chip ô tô tốt nhất trên thế giới).
Xiaomi không trả lời câu hỏi về tình trạng phát triển ô tô của mình.
Gao Shen, nhà phân tích độc lập tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: “Thị trường đang đặt hy vọng vào những chiếc ô tô điện thông minh của Xiaomi. Mẫu xe Xiaomi đầu tiên sẽ không được coi là thành công trừ khi nó đánh bại Model 3 về hiệu suất và giá cả”.
Xiaomi là một trong số các hãng công nghệ Trung Quốc đa dạng hóa sang lĩnh vực ô tô điện, được thúc đẩy bởi dự báo lạc quan rằng cứ 5 ô tô mới ở Trung Quốc sẽ có 3 chiếc chạy bằng điện vào năm 2030.
Baidu (hãng sở hữu công cụ tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo lớn), Huawei (gã khổng lồ thiết bị viễn thông), Foxconn (nhà sản xuất điện tử tiêu dùng theo hợp đồng lớn nhất thế giới) đều đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất ô tô bằng cách tận dụng thế mạnh công nghệ và sản xuất của họ.
Thế nhưng, một làn sóng ra mắt các mẫu ô tô mới sẽ gây khó khăn cho việc tồn tại của một số nhà sản xuất ô tô làm ăn thua lỗ, từng chi hàng tỉ USD cho R&D (nghiên cứu và phát triển) trong khi phải vật lộn để tăng doanh số bán xe của họ.
Nio, Xpeng và Li Auto, ba nhà chế tạo ô tô điện thông minh hàng đầu Trung Quốc, vẫn chưa kiếm được lợi nhuận dù được coi là đối trọng với Tesla tại nước này.
Tesla đã giao hơn 390.000 ô tô điện Model 3 và Model Y cho khách hàng Trung Quốc từ nhà máy ở thành phố Thượng Hải trong 11 tháng đầu năm 2022, cao hơn 21,5% so với doanh số cả năm 2021 là 321.000 chiếc.
Khối lượng giao ô tô điện từ tháng 1 đến tháng 11.2022 của Tesla cũng vượt tổng doanh số cả năm của Nio, Xpeng và Li Auto.
Xiaomi đã công bố kế hoạch chế tạo ô tô điện vào tháng 3.2021 với hy vọng tái tạo thành công từ smartphone lên ô tô và đưa công nghệ của họ trở nên phổ biến với người tiêu dùng.
Ngày càng có nhiều tài xế trẻ Trung Quốc muốn sở hữu một chiếc ô tô điện thông minh như Model 3 hoặc Model Y của Tesla, nhưng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại đã buộc một số người phải chuyển sang các mẫu xe rẻ hơn.
Tesla giảm giá ô tô điện tồn kho tại Singapore
Tesla đã bắt đầu giảm giá cho những người ở Singapore đồng ý mua hàng tồn kho hiện có của Model 3 hoặc Model Y. Đại diện bán hàng của công ty ô tô điện Mỹ cho biết thông tin này hôm 9.1.
Tesla đang giảm giá 5.000 USD cho những người mua Model 3 hoặc Model Y tồn kho và cung cấp khoản tín dụng 5.000 USD khác trả chi phí chứng chỉ vận hành ô tô ở Singapore.
Ngoài ra, với những người mua đủ điều kiện và có nơi lắp đặt tại nhà, Tesla sẽ cung cấp đầu nối tường để sạc ô tô điện, song người tiêu dùng phải trả chi phí lắp đặt.
Việc giảm giá ô tô điện có thời hạn ở Singapore diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tesla thực hiện hành động tương tự tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc.