Các nhà phân tích đã cảnh báo ngành công nghiệp smartphone của Trung Quốc sẽ trải qua năm 2023 khó khăn và dự kiến sẽ không có sự tăng trưởng đáng kể cho đến 2024 vào bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và chi tiêu của người tiêu dùng trong nước yếu.

Ngành smartphone Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực vào 2023, dự kiến không có tăng trưởng

Sơn Vân | 08/01/2023, 09:48

Các nhà phân tích đã cảnh báo ngành công nghiệp smartphone của Trung Quốc sẽ trải qua năm 2023 khó khăn và dự kiến sẽ không có sự tăng trưởng đáng kể cho đến 2024 vào bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và chi tiêu của người tiêu dùng trong nước yếu.

Tổng số lô smartphone bán ra ở Trung Quốc có thể giảm 10% vào năm 2022 xuống còn 285 triệu chiếc, theo dự báo của công ty nghiên cứu IDC (có trụ sở tại Singapore). Will Wong, nhà phân tích của IDC, cho rằng những cơn gió ngược sẽ vẫn mạnh vào năm 2023.

Will Wong giải thích rằng việc mua một chiếc smartphone mới sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của nhiều người trong năm nay. Những người giàu hơn sẽ chọn đi du lịch nước ngoài với các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ, trong khi những người kém giàu hơn hạn chế chi tiêu.

Thị trường smartphone Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng cả năm vào 2024”, Will Wong nói thêm.

Dữ liệu thị trường mới nhất của Trung Quốc cho thấy tháng 11.2022, theo truyền thống là mùa cao điểm mua smartphone nhờ vào hoạt động mua sắm hoành tráng trong Ngày Độc thân, lại là một tháng tồi tệ.

Theo báo cáo của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), viện nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, các lô smartphone bán ra ở nước này trong tháng 11.2022 đã giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 22,2 triệu chiếc. Trong 11 tháng đầu năm 2022, doanh số smartphone ở Trung Quốc đã giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu vào tháng 11.2022 là “doanh số smartphone tháng 11 tồi tệ nhất kể từ năm 2015”, theo một báo cáo riêng của công ty tư vấn CINNO Research.

Nhà phân tích Charley Zhou của CINNO Research cho biết trong báo cáo: “Mặc dù có Ngày Độc thân và các hoạt động quảng cáo khác, thị trường vẫn kém hào hứng hơn nhiều so với những năm trước”.

Tất cả 5 thương hiệu smartphone hàng đầu, dẫn đầu là Apple với 4,8 triệu chiếc, đều sụt giảm mạnh về doanh số trong tháng 11, dù giảm giá mạnh nhất trong chiến dịch Ngày Độc thân.

Đứng thứ 5 trong tháng 11.2022, Vivo bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức sụt giảm 36,2% xuống còn 2,3 triệu chiếc bán ra vào tháng này.

CINNO Research cũng ước tính rằng tổng doanh số smartphone ở Trung Quốc trong cả năm 2022 sẽ vào khoảng 250 triệu đến 260 triệu chiếc. Đây sẽ là doanh số hàng năm tồi tệ nhất kể từ 2015.

Nhu cầu của người tiêu dùng chậm lại đã khiến Xiaomi tiến hành một đợt sa thải mới ảnh hưởng đến gần 10% lực lượng lao động của mình, sau khi cắt giảm hơn 900 việc làm vào đầu năm nay. Xiaomi cũng thông báo về sự ra đi của Chủ tịch Wang Xiang cùng với hai người đồng sáng lập công ty.

Ngoài nhu cầu, chuỗi cung ứng smartphone ở Trung Quốc cũng bị rung chuyển trong năm qua. Vào năm 2022, một đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron gây ra ở thành phố Thượng Hải đã dẫn đến việc phong tỏa hà khắc trong suốt tháng 4 và tháng 5, phong tỏa cả một phần các tỉnh lân cận, nơi tập trung nhiều hoạt động sản xuất smartphone.

Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc bị gián đoạn nghiêm trọng, một phần do các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của công nhân trở thành bạo lực và hàng chục ngàn nhân viên rời đi vì sợ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Trung Quốc đột ngột loại bỏ gần như tất cả biện pháp kiểm soát COVID-19 vào tháng 12.2022, nhưng sau đó sự bùng phát dịch lại gia tăng và xảy ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong chuỗi cung ứng.

Sản xuất công nghiệp và thị trường tiêu thụ sẽ cần thời gian để phục hồi dần dần. Tác động của các chính sách COVID-19 dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023”, Charley Zhou của CINNO Research nói.

nganh-smartphone-trung-quoc-tiep-tuc-chiu-ap-luc-vao-2023.jpg
Ngành công nghiệp smartphone của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sụt giảm - Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo báo cáo của DigiTimes Research, việc sản xuất smartphone Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong vòng 5 năm tới. Cũng theo báo cáo này, Ấn Độ dự kiến sẽ lắp ráp tới 50% số iPhone của Apple vào năm 2027 (tăng từ mức dưới 5% hiện nay), ngang bằng với quy mô sản xuất ở Trung Quốc.

Luke Lin, nhà phân tích tại đơn vị nghiên cứu của DigiTimes (nhật báo Đài Loan tập trung vào công nghệ), cho biết trong một báo cáo: “Tốc độ di chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ sẽ tăng nhanh trong tương lai do nhu cầu đa dạng hóa rủi ro trước những bất ổn trong việc kiểm soát đại dịch của Trung Quốc”.

Vượt qua Anh vào năm ngoái để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ chiếm tới 25% tổng sản lượng iPhone vào cuối năm 2023 và lên tới 40% vào năm 2025, báo cáo của DigiTimes Research cho biết.

Theo Luke Lin, Trung Quốc (nơi chiếm tới 85% sản lượng iPhone trên toàn cầu vào năm ngoái) có nguy cơ mất vai trò thống trị như trung tâm sản xuất thiết bị của Apple vì các động thái tách rời Mỹ - Trung. Ông kỳ vọng Ấn Độ và Việt Nam sẽ là những nước hưởng lợi lớn nhất từ những nỗ lực của Apple nhằm chuyển nhiều hơn chuỗi cung ứng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Dự báo từ DigiTimes Research tích cực hơn so với dự đoán trước đó của JPMorgan (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ) rằng Ấn Độ sẽ lắp ráp 25% tổng số iPhone trên toàn thế giới vào năm 2025.

Foxconn đã tăng cường nỗ lực của mình tại Ấn Độ. Tháng 12, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới đã bơm 500 triệu USD tiền mặt vào công ty con ở Ấn Độ là Foxconn Hon Hai Technology India Mega Development.

Theo báo cáo của DigiTimes Research, các thương hiệu smartphone lớn khác cũng đang tăng cường sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Samsung Electronics đã chuyển nhiều năng lực sản xuất smartphone Android của mình ra khỏi Trung Quốc kể từ năm 2019, chủ yếu sang Việt Nam.

Theo báo cáo, việc sản xuất smartphone Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong vòng 5 năm tới, do tỷ lệ công việc lắp ráp của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt đạt 35 - 40% và 40 - 45% vào năm 2027. Hơn 50% thiết bị di động của Samsung Electronics trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm ở nước ta năm 2021 đạt 65,5 tỉ USD.

Bắt đầu từ năm 2008 với nhà máy thiết bị di động 670 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh, Samsung Electronics đến nay là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, gồm 6 nhà máy ở ba tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và mới đây là trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.

Xu hướng đó phản ánh mức độ gián đoạn trong ngành sản xuất của Trung Quốc, gồm cả việc phong tỏa tạm thời và các vấn đề khác liên quan đến COVID-19, đã thúc đẩy các thương hiệu toàn cầu như Apple và Samsung Electronics nhanh chóng thiết lập chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á.

Foxconn đã cố gắng khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu. Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đã dần phục hồi khoảng 90% công suất tối đa tính đến ngày 30.12.2022, theo bài viết của Nhật báo Hà Nam trích dẫn lời Wang Xue, phó giám đốc nhà máy này.

Theo báo cáo của DigiTimes Research, các thương hiệu smartphone khác ngoài Apple và Samsung Electronics cũng được cho ​​sẽ thấy năng lực sản xuất ở Trung Quốc giảm tới 50% vào năm 2027, từ mức khoảng 70% vào năm 2023.

Báo cáo cho biết thị phần của Ấn Độ trong năng lực sản xuất đó dự kiến sẽ tăng lên 35% trong cùng thời kỳ. Thị phần của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng tới 15%.

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành smartphone Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực vào 2023, dự kiến không có tăng trưởng