Nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua nên các doanh nghiệp châu Âu đã tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam. Nhóm mặt hàng cá ngừ tươi, sống và đông lạnh tăng mạnh nhất, tới 2.607%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong suốt 7 tháng qua, đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm nay dường như hy vọng hơn khi chứng kiến sự đảo chiều tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu sang các thị trường như EU, Israel và Canada.
Sau một thời gian dài sụt giảm nhập khẩu liên tục, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng gần 65% trong tháng 7.2020. Sự tăng trưởng này đã giúp tăng tỷ trọng của thị trường EU trong tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020 lên hơn 20%. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang 3 thị trường chính trong khối EU là Đức, Ý và Hà Lan đã có sự tăng trưởng cao ở mức 3 con số trong tháng 7, lần lượt là 119%, 200% và 210%.
"Sự tăng trưởng này là do tác động của việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua đã khiến cho các nhà nhập khẩu EU tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam", VASEP nhấn mạnh
Thông thường, các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU thường mất ít nhất khoảng 3 tuần. Chính vì vậy, trong tháng 7 các lô hàng cá ngừ của Việt Nam đang được xuất cảng sớm để có thể sang tới nước xuất khẩu nhập kho ngoại quan chờ “thời điểm vàng” để thông quan và được hưởng mức thuế ưu đãi. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng 7 đều tăng.
Trong đó, nhóm mặt hàng cá ngừ tươi, sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) tăng mạnh nhất, tăng 2.607% so với tháng 7.2019. Đây là nhóm mặt hàng mà theo các cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định EVFTA được thông qua chính là cơ hội cho cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang EU khi các mức thuế quan áp cho sản phẩm cá ngừ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ được gỡ bỏ ngay lập tức, hoặc cắt giảm dần dần về 0% sau từ 3-7 năm, hoặc miễn thuế theo hạn ngạch.
Cụ thể, ngay khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh sẽ nhanh chóng được loại bỏ. Mức thuế cho sản phẩm cá ngừ lon đông lạnh hoặc phi lê sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm từ mức 18% về 0%. Đối với cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp - tỷ lệ cơ bản 24% sẽ được giảm trong lịch trình 7 năm.
Đối với cá ngừ đóng hộp và bao gói, mức hạn ngạch sẽ là 11.500 tấn mỗi năm sẽ được miễn thuế. Sau đó, mức thuế như ban đầu 20,5% sẽ được áp dụng, mức thuế này sẽ giảm 3,5% mỗi năm. Mức thuế này có thể giúp gia tăng xuất khẩu sang các thị trường thuộc khu vực EU.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP nhận định: "Cá ngừ hiện đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU. Với thị trường khó tính này, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã trang bị và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như: chứng nhận quốc tế, logistics, hệ thống tiêu chuẩn... nên ngay khi EVFTA có hiệu lực, rào cản của các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang thị trường châu Âu đã không còn đáng lo ngại. Thậm chí, các sản phẩm cá ngừ Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ".
Tuy nhiên, ông Hòe cũng cho rằng Ủy ban châu Âu đang áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Do đó, ông đề xuất cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần nỗ lực hết sức, tăng uy tính ngành thủy sản để EU nhanh chóng gỡ "thẻ vàng". Lúc đó, xuất khẩu thủy sản sang EU có thể tận dụng được tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA.
Tuyết Nhung