Bolero có đời sống riêng, là dòng chảy riêng bền bỉ như suối ngầm suốt hơn nửa thế kỷ qua. Hầu như người Việt trưởng thành nào cũng có thể hát được vài câu hay thuộc cả đoạn, cả bài. Nhạc Bolero đi vào và ở lại lòng người. Một đặc điểm khác của Bolero là dẫu được xem là nhạc của số đông, nhạc “sến”, nhạc bình dân, song vẫn có những ca khúc Bolero sang trọng, đẹp cả ca từ, giai điệu và giới quyền quý đài các vẫn mê đắm.

Bolero hồi sinh, mừng mà lo

DDVN | 05/05/2016, 21:27

Bolero có đời sống riêng, là dòng chảy riêng bền bỉ như suối ngầm suốt hơn nửa thế kỷ qua. Hầu như người Việt trưởng thành nào cũng có thể hát được vài câu hay thuộc cả đoạn, cả bài. Nhạc Bolero đi vào và ở lại lòng người. Một đặc điểm khác của Bolero là dẫu được xem là nhạc của số đông, nhạc “sến”, nhạc bình dân, song vẫn có những ca khúc Bolero sang trọng, đẹp cả ca từ, giai điệu và giới quyền quý đài các vẫn mê đắm.

Những năm 80 của thế kỷ trước, một thời gian dài khắp hang cùng ngõ hẻm, đi đâu trên dải đất hình chữ S cũng nghe Bolero qua giọng ca Bảo Yến với các ca khúc sâu lắng đi vào lòng người (Thương một người ở xa, Bài ca Tết cho em, Chiều hạ vàng, Chiều hè trên bãi biển…). Những ca khúc của Hoàng Phương, Quốc Dũng, Vũ Hoàng… qua giọng trầm sang trọng, xử lý tinh tế, có sự cách tân nhưng vẫn quyến rũ và gần gũi hơn, mang chất riêng của Bảo Yến.

Mạch ngầm lặng lẽ chảy và tuôn tràn

Nhiều bài hát trong đĩa nhạc này được người yêu nhạc thuộc nằm lòng. Dễ thương biết bao như ca khúc Thương một người ở xa với những địa danh vùng miền Về nông trường Phú Đông/ Đi qua cầu Cả Thu… nghe riết từ xa lạ trở thành thân thuộc. Nhiều người vùng quê thời đó của vùng đất Gò Công (Tiền Giang) vui và tự hào khi đi vào nhạc, đến khắp mọi miền qua tiếng hát. Nay vùng này là huyện mới trên đất cù lao - huyện Tân Phú Đông, nơi nhánh sông Tiền đổ ra cửa biển. Rồi như mạch ngầm âm thầm chảy, những tình khúc, những giọng ca chuyên dòng nhạc Bolero trong nước và hải ngoại tiếp tục được công chúng yêu mến, tìm nghe. Những năm gần đây dòng nhạc này được quan tâm, mạnh dạn từ phòng trà, hát với nhau ra sân khấu lớn, lên đài lên sóng quốc gia, vào các cuộc thi rầm rộ…

Đó là hai cuộc thi Solo cùng Bolero của Đài Truyền hình Vĩnh Long và hiện nay là cuộc thi Thần tượng Bolero trên sóng VTV 3. Nhiều chương trình ca nhạc đều có ca khúc Bolero, có chương trình còn chọn chủ đề Bolero như Tình khúc vượt thời gian hoặc dành thời lượng phát sóng đáng kể cho dòng nhạc này. Có nhiều cách để trả lời câu hỏi vì sao dòng nhạc Bolero có sức sống âm thầm, mãnh liệt với người dân Việt, song chắc chắn nhiều người dễ dàng đồng thuận rằng, bởi đa số các ca khúc dòng nhạc này đều hướng nội, nhiều ca khúc có câu chuyện, có chất tự sự nên hấp dẫn; ca từ mộc mạc, dễ nhớ dễ nghe. Những câu chuyện và ca từ, lý lẽ trong ca khúc đều bình dị, như đã nghe đã gặp đâu đó giữa đời thường, vì vậy mà người nghe dễ cảm nhận, dễ thấy bóng hình mình trong các ngữ cảnh, từ đó mà nhập tâm, yêu mến ca khúc và cả dòng nhạc trữ tình này .

Những chất giọng đẹp và sự tìm tòi

Cũng từ sự trở lại mạnh mẽ của Bolero, người ta nhận ra rằng dường như có sự xếp đặt lại những giá trị mới trên dòng nhạc cũ và cũng không ít người lại lo lắng sự xuống dốc, nhạt nhòa, e rằng không khéo rồi sẽ mất chất Bolero. Được hồi sinh, được trân trọng hơn, đó là niềm vui với dòng nhạc và người hát, người mê các ca khúc Bolero trữ tình. Tuy nhiên, không thể không nói đến những hạn chế tự thân hoặc những nỗi lo khi người ta lạm dụng và ứng xử với Bolero một cách khiên cưỡng. Cũng ca khúc đó nhưng nhiều người hát hôm nay hát khác xa với các ca sĩ thế hệ trước. Những ca sĩ thời trước như Giao Linh, Phương Dung, Thanh Thúy, Nhật Trường, gần đây là Bảo Yến, Phi Nhung… chú trọng cách biểu đạt, thổi hồn vào ca khúc qua cách nhấn nhá, luyến láy, cách nhả chữ, qua các thủ pháp kỹ thuật điêu luyện và phong thái biểu diễn nên ca khúc sống động, sâu lắng, đọng lại trong tâm trí người nghe.

Gần đây nữ ca sĩ Lệ Quyên cũng có nhiều đột phá trong cách thể hiện bên cạnh chất giọng đẹp trời cho, phù hợp Bolero, nên được người yêu nhạc cả nước đón nhận. Nghe Lệ Quyên hát những ca khúc từng gắn với tên tuổi những danh ca vang bóng một thời, người nghe vẫn thấy lắng đọng, thấy chất Lệ Quyên rất riêng và độc đáo . Không thể phủ nhận cuộc sống là sự đổi thay, cần có những cái mới tiếp nối, kế thừa, làm hay thêm cái cũ. Nhạc Bolero cũng cần có sự cách tân, có bước tiến, cần những sự tìm tòi, làm cho hay hơn, gần công chúng hơn trong thời hiện đại. Nhưng vẫn không thể rời xa cái nền sẵn có, vững vàng của Bolero nguyên chất. Vì vậy, người nghe dễ dung nạp, đón nhận một cách chân thành tiếng hát Bảo Yến ngày nào hay Lệ Quyên gần đây cũng như khen ngợi, yêu mến các ca sĩ Quốc Đại, Hà Vân hát theo kiểu “cổ điển” trong cách đưa đẩy làn hơi, tròn vành rõ chữ, luyến láy trữ tình.

Phá cách nhưng đừng.... phá nát

Người Việt yêu nhạc Bolero theo cách của người Việt, chấp nhận tìm tòi, phá cách, đổi mới làm cho hay hơn nhưng không chấp nhận kiểu phá nát, làm sai lệch hoặc trôi tuột đi, không để lại ấn tượng gì… Gần đây nhiều người tỏ ra lo ngại khi các cuộc thi, các chương trình ca nhạc, nhiều ca sĩ trẻ hát Bolero theo các bản phối cách tân với tiết tấu và kỹ thuật khác trước. Cảm giác của nhiều người nghe là lối thể hiện này không để lại nhiều ấn tượng, ngoài số ít ca sĩ trẻ hát còn “có hồn”, thì nhiều ca sĩ hát không tròn vành rõ chữ, hát mà không nhập tâm, bị hụt hơi, nuốt ca từ.

Chương trình Thần tượng Bolero có lúc còn đưa nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên vào, “xếp chung một giỏ” khiến nhiều người yêu nhạc phản ứng, cho là đã hiểu sai về dòng nhạc Bolero, là sự sắp đặt khó chấp nhận. Bolero hồi sinh, khán giả mộ điệu vui vì được thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ, thưởng thức những ca khúc mình yêu mến nhưng lo vì sự biến tấu đến thiên lệch, mất dần chất Bolero từng làm say đắm bao thế hệ một thời. Sự lo lắng đó cũng là điều cần được giới chuyên môn ghi nhận để có cách ứng xử phù hợp với một dòng nhạc du nhập và phát triển bền bỉ, được đông đảo người Việt Nam yêu mến.

Việt Quý / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bolero hồi sinh, mừng mà lo