Cung - cầu bất ổn và chênh lệch giá thịt lợn là vấn đề đang "nóng" khi cuộc sống dần ổn định trở lại sau đỉnh dịch.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lý giải nguyên nhân giá thịt heo chênh lệch

Tuyết Nhung (tổng hợp) | 25/10/2021, 08:53

Cung - cầu bất ổn và chênh lệch giá thịt lợn là vấn đề đang "nóng" khi cuộc sống dần ổn định trở lại sau đỉnh dịch.

Bên lề hành lang Quốc hội ngày 24.10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã lý giải với báo chí về việc giá thịt lợn cao dù đầu ra từ người nuôi thấp.

Bộ trưởng cho biết giá cả được quyết định đơn thuần dựa vào cung - cầu, nhưng trong khi thị trường bị đứt gãy do dịch COVID-19, thông tin cho rằng thịt lợn đang thừa quá nhiều sẽ tạo nên yếu tố cảm xúc, khiến người chăn nuôi bằng mọi giá phải đẩy hàng ra.

Đơn cử như đang có thông tin tồn đọng 8 triệu con lợn ở trong chuồng, nếu chỉ đưa mỗi thông tin đó là không chính xác và mang lại hiệu ứng là người nông dân lo ngại lợn trong chuồng nhiều quá, họ phải bán nhanh, bán đổ bán tháo bằng mọi giá.

"Vì vậy, cần bình tĩnh phân tích toàn bộ chuỗi cung ứng để xem nguyên nhân nằm ở đâu tháo gỡ. Vấn đề cung cầu thị trường có lúc lên lúc xuống, không thể nào cân bằng tuyệt đối. Nhưng đúng là ngành nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo thị trường nên sẽ có chấn chỉnh lại", Bộ trưởng Hoan nói.

Nói về việc chênh lệch giá cả, Bộ trưởng Hoan cho biết các địa phương đưa ra biện pháp phòng dịch COVID-19 khác nhau khiến chuỗi cung ứng vận tải bị đứt gãy, tác động nhất định đến thị trường.

Giá thịt chênh lệch cũng không loại trừ do chi phí các khâu trung gian tăng quá cao, thương lái sẽ phải đẩy giá mua xuống để bù lại. Tình trạng này thường được gọi là ép giá. Tuy nhiên, nhân tố chủ quan tạm gọi là lợi ích nhóm, chiếm bao nhiêu so với khách quan thì cần phải làm rõ hơn để tạo ra niềm tin cho người chăn nuôi.

Thị trường đang bước vào giai đoạn nóng khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Với bối cảnh hiện nay, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành để giải quyết được việc mở cửa thị trường, không để tắc ở khâu vận chuyển.

Tình hình rất khó lường nên Bộ trưởng Hoan cho rằng không ai tiên đoán được Tết năm nay sẽ thế nào. Vì vậy, tất cả phương án chỉ là dự trù. "Tôi hy vọng khi độ phủ tiêm vắc xin cao, chiều hướng thị trường sẽ tốt hơn. Ngành nông nghiệp có trách nhiệm đưa ra nhiều kịch bản để làm sao đảm bảo cung cầu, đặc biệt trong dịp Tết", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ bám sát thị trường trên cơ sở cho thống kê lại, tập trung phân tích lại đầu cung theo từng thời điểm, rà soát lại nhu cầu tiêu dùng vào dịp tết trong nhiều năm qua; đồng thời sẽ làm việc với các trung tâm phân phối tiêu thụ lớn, phân tích số liệu cụ thể.

Một yếu tố nữa là giảm chi phí đầu vào. Đó là trách nhiệm của Nhà nước. Yếu tố tăng chi phí thời gian qua liên quan đến vận chuyển, giết mổ, công nhân tham gia chuỗi chế biến... Ngành đang tổng hợp nhu cầu vắc xin của chuỗi để tới đây đề nghị Bộ Y tế phân bổ, giúp giảm chi phí.

"Tôi khuyến nghị người dân cố gắng bình tĩnh, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm chứ không vô cảm", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Các nguyên nhân chính dẫn tới giá thịt lợn hơi giảm

Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh (tháng 3, 4 giá 70.000-75.000 đồng/kg. Tháng 8, 9 giá còn 42.000-50.000 đồng; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg, 2-3 ngày vừa qua giá có tăng 2-3.000 đồng/kg).

Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Giá sản phẩm chăn nuôi nói chung và giá lợn hơi nói riêng vẫn đang ở mức thấp, người chăn nuôi vẫn thua lỗ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp tết nguyên đán tới đây nếu chúng ta không có giải pháp phù hợp, hữu hiệu.

Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10, tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới), tăng 5%, sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn.

Nói rõ thêm về nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30-50%.

Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT quyết định lập hai tổ công tác phía bắc, phía nam để tổ chức kết nối giao thông; thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Bộ đã triệu tập cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá xuất khẩu có bước chuyển dịch tích cực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi từ giống, thức ăn, giết mổ, chế biến và tiêu thụ. “Với sự phối hợp giữa các bộ, giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa đã thông thoáng. Những ngày gần đây, giá gà, giá thịt lợn đã tăng trở lại”.

Nhắc lại việc tầm thời điểm này năm ngoái câu chuyện được bàn tới là giá lợn cao trong khi năm nay lại là câu chuyện giá lợn thấp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đến yếu tố cung cầu thị trường. Thị trường mặt hàng thịt lợn trong 9 tháng đầu năm 2021 có sự khác biệt hoàn toàn so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung dồi dào và chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19.

Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh (trong đó nguyên nhân là hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cầm chừng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam). Trong khi đó, nguồn cung dồi dào (không riêng mặt hàng thịt lợn mà còn có các loại thực phẩm khác như thịt gà, thủy hải sản) khi các cơ sở chăn nuôi tăng đàn hoặc bị tồn đọng do thời gian trước chưa tiêu thụ hết dẫn đến quá lứa.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là giá thịt lợn thành phẩm chưa giảm tương xứng do với giá lợn hơi. Giá thịt lợn thành phẩm phổ biến ở mức 60.000- 100.000 đồng/kg tại chợ và ở mức 98.000- 130.000 đồng/kg tại siêu thị.

Thứ trưởng Hải nói rõ thêm, trong cơ cấu giá thịt lợn, trung bình 100kg lợn hơi thu được khoảng 55-60kg thịt lợn thành phẩm. Như vậy, tỷ trọng giá lợn hơi chỉ chiếm 55-60% trong giá lợn thịt, các chi phí khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng (chi phí lao động, xét nghiệm, vận tải...), do đó giá thịt lợn thành phẩm không giảm tương ứng như mức giảm của giá lợn hơi.

Đồng thời, tùy theo sở thích tiêu dùng và tỷ lệ các loại thịt lợn thành phảm mà giá bán các loại thịt lợn cũng có sự chênh lệch khác nhau. Một bộ phận người chăn nuôi tồn đọng một lượng lợn chưa bán được do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến lợn bị quá lứa, khó bán.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường, tăng cường hiểu biết của người tiêu dùng đối với thị trường, giá cả mặt hàng thịt lợn.

Bài liên quan
Giá thịt lợn xuất chuồng còn 62.000 đồng/kg
Sau đà giảm xuống còn 70.000 đồng/kg, giá thịt lợn hơi trong 2 ngày qua liên tục giảm sâu. Ngày hôm nay (14.10), có nơi chỉ còn 62.000 đồng/kg.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lý giải nguyên nhân giá thịt heo chênh lệch