Lãi suất tiền gửi đang thấp nhất lịch sử là một trong những nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm. Do vậy, nhiều ngân hàng đã tung các sản phẩm, chương trình độc đáo để hút khách trở lại.

Lãi suất tiền gửi quá thấp, ngân hàng tung ‘chiêu’ hút khách

Hồ Đông | 23/10/2021, 20:10

Lãi suất tiền gửi đang thấp nhất lịch sử là một trong những nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm. Do vậy, nhiều ngân hàng đã tung các sản phẩm, chương trình độc đáo để hút khách trở lại.

Lãi suất tiết kiệm diễn biến trái chiều

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn để hút khách hàng. Điển hình, từ ngày 19.10, Sacombank điều chỉnh tăng 0,4-0,6% lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng được điều chỉnh tăng 0,6%, lên 3,2% - 3,4%/năm so với đầu tháng 10.

tien-ngan-hang-lai-suat.jpeg
Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất trong lịch sử - Ảnh: Internet

Với các khoản tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng, biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy (lĩnh lãi cuối kỳ) tăng 0,4% so với nửa đầu tháng 10. Hiện tại, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng tại Sacombank lần lượt 5,9%/năm, 6%/năm và 6,1%/năm.

Tại MB Bank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhà băng này cũng tăng nhẹ 0,05%, lên mức 4,3%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh lên 4,9%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên mức 5,4%/năm dành cho khoản tiền gửi lĩnh lãi trước.

Trái ngược với 2 ngân hàng trên, không ít nhà băng lại điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Đơn cử như lãi suất tại NCB giảm nhẹ từ 0,05 - 0,2% ở hầu hết kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng – 5 tháng giảm chỉ còn 3,8%/năm, giảm 0,1 %; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,25% xuống chỉ còn 6,1%…

Tương tự, Nam A Bank giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng từ 6%/năm xuống còn 5,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm từ 6%/năm xuống còn 5,9%/năm. Còn tại ACB, lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 3,3%/năm, kỳ hạn 9-12 tháng lần lượt là 4,9%/năm và 5,6%/năm.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20.9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (7,48%). Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại hệ thống tổ chức tín dụng chỉ tăng 3,59% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức cùng kỳ những năm trước. Trong đó, tiền gửi của dân cư gần như đi ngang trong những tháng trở lại đây. 

Tăng hấp dẫn cho kênh tiền gửi

Trước việc tiền gửi mất đi sức hấp dẫn với người dân, nhiều nhà băng thời gian qua đã tung các sản phẩm, chương trình độc đáo để hút khách trở lại. 

Không những vậy, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay thế Thông tư 04/2011/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 10.3.2011.

Điểm mới của dự thảo Thông tư này là quy định cụ thể hơn về rút trước hạn tiền gửi, đó là khách hàng được rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể. Thông tư này không điều chỉnh đối với trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng đã thỏa thuận về việc không rút trước hạn tiền gửi. 

Theo đó, thông tư quy định trường hợp khách hàng rút toàn bộ tiền gửi, ngân hàng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, đối với phần tiền gửi rút trước hạn, ngân hàng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất.

Đối với phần tiền gửi còn lại, ngân hàng và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.

Theo Ngân hàng Nhà nước, về bản chất, việc rút một phần trước hạn tiền gửi làm thay đổi về kỳ hạn và lượng tiền gửi theo hướng kỳ hạn của phần tiền gửi rút trước hạn bị thu ngắn và lượng tiền gửi giảm so với số tiền gửi ban đầu của khách hàng tại tổ chức tín dụng.

Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Thông tư 04.

Do đó, để có cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, đồng thời để bảo đảm đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, nghiên cứu ban hành Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng thay thế Thông tư 04.

Như vậy, ngoài kỳ vọng lãi suất tiết kiệm tăng trong thời gian tới, quy định trên được xem là "điểm cộng", tăng sức hấp dẫn cho kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
6 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiền gửi quá thấp, ngân hàng tung ‘chiêu’ hút khách