Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết nhiều đại biểu băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% - 7% là cao, tuy nhiên Chính phủ quyết tâm đạt được mục tiêu để tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới đây.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Không đánh đổi sức khỏe người dân lấy tăng trưởng

Lam Thanh | 25/07/2021, 17:01

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết nhiều đại biểu băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% - 7% là cao, tuy nhiên Chính phủ quyết tâm đạt được mục tiêu để tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới đây.

Không đánh đổi sức khỏe người dân lấy tăng trưởng

Trình bày trước Quốc hội chiều 25.7, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế, yếu kém, trong đó lớn nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP 2021 rất khó khăn.

Theo ông Dũng, nhập siêu đã xuất hiện trở lại, xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số ít thị trường, tỷ trọng FDI còn cao; thị trường bất động sản, chứng khoán tiềm ẩn rủi ro; cấu trúc lại DNNN còn chậm; giá cả mặt hàng tăng, tạo rủi ro lạm phát; tỷ lệ dân số được tiêm chủng vắc xin còn thấp; sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng… Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng cơ hội từ 6 tháng cuối năm cũng rất nhiều như việc phê duyệt các chính sách hỗ trợ, quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh.

“Điều quan tọng nhất trong 6 tháng cuối năm là đẩy lùi được dịch bệnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Không đánh đổi sức khỏe và sự an toàn của người dân để lấy tăng trưởng”, ông Dũng nói.

bo-truong.png
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng 

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng nêu, nhiều đại biểu băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% - 7% giai đoạn 2021-2025 là cao. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội để thực hiện mục tiêu này. Chính phủ quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng để tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới đây.

“Chúng ta có 870.000 doanh nghiệp, nhưng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVV). Doanh nghiệp năng lực yếu, sức cạnh tranh thấp, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí logictis cao, chi phí phòng ngừa do COVID-19 và tổng cầu trên thế giới giảm mạnh khiến nhiều đơn hàng giảm. Do đó, nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro mất khả năng thanh toán; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao, có cả những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại nợ, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ… để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, tình hình vẫn đang rất phức tạp và các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu các gói hỗ trợ tiếp theo.

Về chương trình phục hồi kinh tế, ông Dũng cho biết Bộ KH-ĐT được Thủ tướng giao và Bộ đang cùng các bộ ngành khác nghiên cứu, đề xuất.

Bài học cho 6 tháng cuối năm, theo ông Dũng là không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch; quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động quyết liệt, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin và coi đây là giải pháp hàng đầu; hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, kịp thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho mọi tình huống; chủ động thông tin kịp thời về tình hình kinh tế, dịch bệnh…

Theo Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định), hầu hết các hạn chế trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kể cả những vướng mắc, lúng túng vừa qua ở một số địa phương liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 có nguyên nhân do thể chế pháp luật còn hạn chế, bất cập.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó nòng cốt là hệ thống pháp luật là xác đáng.

3 nguyên tắc chống dịch

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, các địa phương trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

"Chúng ta biết trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh ở các địa phương rất khác nhau, các biện pháp phòng chống dịch cũng rất khác nhau. Trong một bối cảnh nào đó thì biện pháp mạnh là cần thiết nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp phòng chống dịch dẫn tới ùn tắc lưu thông hàng hóa. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này là giảm tối đa các biện pháp không cần thiết sẽ giúp tăng cường lưu thông hàng hóa", ĐBQH Phan Đức Hiếu nói.

Nêu ví dụ về tiêm vắc xin ngừa COVID-19, ông Hiếu cho rằng nếu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công khai các thông tin về biện pháp phòng chống dịch, thậm chí cho người dân có những ý kiến góp ý, phản biện trên các ứng dụng thì sẽ làm tăng niềm tin của người dân, tăng thông tin chính thống, giảm bớt những thông tin sai sự thật.

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, tiêu chí để chống dịch tốt trong giai đoạn hiện nay là có kịch bản cho việc tránh bùng phát dịch và hiện 3 nguyên tắc chung cho cả nước để chống dịch là chống lây lan tối đa, bảo đảm phát triển kinh tế và giảm tử vong tối đa.

nguyen-lan-hieu.jpg
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu

Về nguyên tắc giảm tử vong tối đa, ông Hiếu cho rằng cần chia hệ thống chống dịch thành ba tầng.

Tầng 1 (đã làm từ đầu mùa dịch), bệnh viện dã chiến chăm sóc cho người nhiễm F0 không có triệu chứng. Cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện quy trình theo dõi nghiêm túc, bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Nếu không thể làm vậy ở các vùng dịch bùng phát, có thể triển khai cách ly F0 tại nhà với các gói ứng dụng từ xa.

Tầng 2 là tầng đã triển khai rộng rãi nhiều năm là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện điều trị các bệnh nhân mức độ vừa, chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. Tuyến này cần thiết nhất là đào tạo nhân viên y tế, đánh giá mức độ bệnh chính xác để chuyển tuyến không quá sớm hoặc quá muộn.

Tầng 3 là tầng quan trọng nhất nhưng hiện lại yếu nhất là các trung tâm điều trị các ca nặng, nguy kịch. Theo đó, cần khẩn trương hình thành các trung tâm này, chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hoặc hỗ trợ can thiệp ECMO. Nguồn lực của cả trung ương, địa phương cần tập trung vào đây sao cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính.

Bài liên quan
Bí thư Hà Nội: Không để dân bị thiếu đói, ốm đau mà không được giúp đỡ
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành phải thường xuyên rà soát, kịp thời hỗ trợ. Theo đó, không để người dân bị thiếu đói, ốm đau mà không được giúp đỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Không đánh đổi sức khỏe người dân lấy tăng trưởng