"Việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm chẳng qua là do chất lượng của nguyên liệu đó không tốt, dễ bị hư hỏng. Nhà sản xuất bỏ phụ gia vào để đánh lừa người tiêu dùng..."

Bỏ phụ gia vào thực phẩm chẳng qua là để lừa người tiêu dùng

Hồ Quang | 01/04/2016, 05:51

"Việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm chẳng qua là do chất lượng của nguyên liệu đó không tốt, dễ bị hư hỏng. Nhà sản xuất bỏ phụ gia vào để đánh lừa người tiêu dùng..."

Tìm cách lừa người tiêu dùng

Bác sĩ Trần Văn Ký, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam đã chia sẻ như thế tại cuộc tòa đàm “Người tiêu dùng và nỗi lo an toàn về sức khỏe khi mua sắm tiêu dùng” diễn ra ngày 31.3 tại TP.HCM.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện chất cấm được sử dụng trong các loại thực phẩm. Mới đây nhất là việc phát hiện hàng loạt chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi tạo ra mối lo ngại lớn cho người tiêu dùng.

Nhiều phân tích của các chuyên gia cho thấy, việc kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong rau quả; chất kháng sinh, chất kích thích, hoóc-môn tăng trưởng trong các sản phẩm động vật, thủy sản; sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong khi đó, tình trạng vận chuyển thực phẩm bẩn trái phép vào các thành phố lớn vẫn chưa được xử lý triệt để khiến người dân không tránh khỏi việc phải thường xuyên sử dụng thực phẩm bẩn.

Theo bác sĩ Trần Văn Ký, việc chế biến thực phẩm bẩn hiện nay không chỉ bí mật mà còn công khai. Thực phẩm bẩn được chế biến công khai chính là sử dụng các chất phụ gia được cho phép nhưng thực tế đó là nhà sản xuất đang lừa người tiêu dùng.

“Việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm chẳng qua là do chất lượng của nguyên liệu đó không tốt, dễ bị hư hỏng. Nhà sản xuất bỏ phụ gia vào để đánh lừa người tiêu dùng. Chẳng hạn chỉ cần dùng hạt bắp rang đen rồi xay, cho thêm màu caramel, hương cà phê, chất tạo đắng, chất tạo độ dính, chất chống mốc, chất chống vón… là có ngay một sản phẩm cà phê hấp dẫn mà không cần một hạt cà phê nào. Hoặc các sản phẩm làm từ thịt, chỉ cần cho thêm hương thịt vào là có ngay sản phẩm “đầy” thịt”, ông Ký chia sẻ.

Mặc dù quy định khi sử dụng các chất phụ gia phải ghi đầy đủ lên bao bì sản phẩm nhưng theo ông Ký, người tiêu dùng không dễ gì tìm được các thông tin đó trên sản phẩm. Những thông tin về các chất phụ gia này thường ẩn dưới các bao bì đóng gói và được in rất nhỏ hầu như không thể đọc được, nếu muốn đọc phải sử dụng kính lúp. Trong khi đó, nhiều thành phần có cái tên rất dài và phức tạp nhưethyl methylphenylglycidate hay ferric sodium pyrophosphate…

“Những từ ngữ trên sẽ không có ý nghĩa gì đối với những người không có kiến thức về khoa học. Vì vậy ngay cả những người sử dụng kính lúp đọc cũng chẳng hiểu gì về chất đó. Ngoài ra, nhà sản xuất còn đưa ra một loạt danh sách ảo các thành phần mà chẳng người tiêu dùng nào biết. Ngay cả những thực phẩm được tuyên bố “có hương vị tự nhiên, không chứa chất bảo quản” nhưng điều này không có nghĩa là không có chất phụ gia độc hại trong sản phẩm”, ông Ký nói.

Người tiêu dùng phải tự cứu lấy mình

Người dân đang sống trong vòng vây của thực phẩm bẩn: nào là thực phẩm trái phép vào thị trường không được cơ quan chức năng phát hiện; nào là nhà sản xuất thực phẩm không trung thực trong việc sử dụng phụ gia để lừa người tiêu dùng… Có thể nói, chưa lúc nào người dân mắc phải bệnh tật liên quan đến thực phẩm bẩn nhiều như lúc này. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại Việt Nam có đến hơn 400 các bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm, ung thư…

Nhiều chuyên gia cho rằng lúc này người tiêu dùng phải tự cứu lấy mình. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM) cho rằng, dù thời gian qua lực lượng chức năng của TP đã nỗ lực trong việc quản lý an toàn thực phẩm nhưng tình hình an toàn thực phẩm ở TP vẫn còn rất phức tạp, thực phẩm bẩn vẫn còn xuất hiện. Do đó, bà Mai khuyên người tiêu dùng nên chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc đã được nhà nước kiểm soát (quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị…). Tránh thói quen mua thực phẩm trôi nổi vì giá thấp, thiếu quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm.

Bà Mai mong muốn người tiêu dùng ưu tiên chọn mua những thực phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Hạn chế sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn như: tỏi, sả xay, rau củ thái sẵn ngâm nước, thịt cá xay nhuyễn… vì nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng và hàn the là rất cao.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Trần Văn Ký cho rằng, cách bảo vệ bản thân trước thực phẩm bẩn là nên đọc nhãn bao bì và những thông tin liên quan đến sức khỏe. “Để làm được điều đó, không nhất thiết người tiêu dùng phải có trình độ cao hay phải ngồi nghiên cứu nhiều giờ liền vì các cơ quan chức năng đã ban hành những chất phụ gia nào được phép sử dụng, những chất phụ gia nào độc hại không được phép sử dụng”, ông Ký nói.

Tuy nhiên, ông Ký cũng lưu ý người tiêu dùng, hiện nay các phụ gia bị cấm liên tục thay đổi. Có thể ở thời điểm này chưa phát hiện được sự nguy hại của chất phụ gia này nhưng ở thời điểm khác phát hiện sự nguy hại nên các cơ quan chức năng đưa vào danh sách chất cấm. Do đó, người tiêu dùng phải cập nhật danh sách chất phụ gia bị cấm để tự bảo vệ sức khỏe của mình khi phát hiện thực phẩm nào đó có sử dụng chất cấm.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ phụ gia vào thực phẩm chẳng qua là để lừa người tiêu dùng