Hôm 21/8, tờ Bloomberg đăng tải một bài phân tích cho rằng, chất lượng giáo dục tại các trường đại học của Việt Nam đang không theo kịp đà phát triển kinh tế và thậm chí đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Bloomberg chê giáo dục Việt Nam: Tốt nghiệp trường giỏi vẫn phải làm xe ôm

23/08/2017, 06:47

Hôm 21/8, tờ Bloomberg đăng tải một bài phân tích cho rằng, chất lượng giáo dục tại các trường đại học của Việt Nam đang không theo kịp đà phát triển kinh tế và thậm chí đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Hình minh họa

Mở đầu bài viết, Bloomberg lấy dẫn chứng một người đã tốt nghiệp từ một trong những trường hàng đầu của Việt Nam cách đây 2 năm nhưng vẫn chưa xin được việc và phải hành nghề xe ôm để kiếm sống.

Cách đây 2 năm, Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp cử nhân kinh tế từ một trong những trường đại học tốt nhất của Việt Nam. Thế nhưng, hiện tại, anh đang hành nghề lái xe ôm ở Hà Nội với thu nhập khoảng 250 USD/tháng (hơn 5 triệu/tháng). Bố mẹ Đức đã phải làm việc rất vất vả để nuôi Đức học đại học.

Đức là một trong số hàng nghìn người đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam nhưng không xin được việc mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ khoảng 2,3%. Chàng trai 25 tuổi này cho biết: "Ở đại học, chúng tôi chỉ được học nặng về lý thuyết”.

Trong khi trường học phổ thông của Việt Nam có thể trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản để làm những công việc chân tay với mức lương thấp, các trường đại học và cao đẳng lại không thể giúp sinh viên có được những kĩ năng cần thiết cho các công việc phức tạp hơn.

Theo Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, các công ty không muốn trả nhiều hơn cho những nhân viên dù có bằng đại học nhưng lại thiếu các kĩ năng làm việc cơ bản. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tuổi có trình độ đại học của Việt Nam hiện nay là 17%.

Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) và là cán bộ nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy (HKS), Đại học Harvard, cho hay: "Các công ty tư nhân và các công ty nước ngoài tại Việt Nam muốn tuyển những nhân viên làm việc tốt, các nhà quản lý có chất lượng và những kỹ sư có khả năng làm việc tốt hơn. Tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Các gia đình Việt Nam muốn có chất lượng giáo dục tốt hơn”.

Ngày càng nhiều người Việt cho cho con đi du học. Theo Tổ chức Sinh viên Nhật Bản, số người Việt Nam đang học tại Nhật Bản đã tăng hơn 12 lần trong giai đoạn 6 năm (2010 - 2016), lên đến khoảng 54.000 người.

Trong khi đó, để đối phó với chất lượng giáo dục chưa đạt yêu cầu, nhiều doanh nghiệp đã phải chủ động cung cấp các chương trình đào tạo bổ sung cho nhân viên. Tập đoàn FPT đã mở nhiều trung tâm đào tạo trên khắp đất nước cho khoảng 20.000 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng. Tập đoàn Intel cho biết sẽ chi 22 triệu USD để tiến hành một số chương trình đào tạo nhân lực.

Chất lượng giáo dục thấp được cho là một yếu tố không nhỏ cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Bloomberg dẫn lời ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nhấn mạnh: "Nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn thiếu các kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm và kĩ năng tổ chức để làm việc trong các công ty, doanh nghiệp. Điều này đang kìm hãm sự phát triển kinh tế".

Ông Scott Rozelle, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Stanford, cũng khẳng định: "Nhiều quốc gia thành công trong việc chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo đã xây dựng được nền giáo dục có trình độ ngang các nước phát triển khi họ vẫn còn là nền kinh tế có thu nhập trung bình. Những quốc gia không phát triển được nền giáo dục như vậy sẽ bị sụp đổ hoặc bị mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình". Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một nước có thu nhập trung bình không vươn lên được nhóm có thu nhập cao.

Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã xây dựng được các trường cao đẳng và đại học chất lượng cao trước khi nền kinh tế của họ cần lực lượng lao động có trình độ học vấn cao hơn. Ngược lại, các nền kinh tế như Argentina, Brazil và Mexico đã không thể phát triển thêm khi đạt đến mức thu nhập trung bình, một phần do họ đã không đầu tư đủ cho giáo dục. Và nếu giáo dục không phát triển, Việt Nam cũng có thể bị rơi vào tình thế giống như Argentina, Brazil và Mexico.

Việt Nam hiện là một trong những nước có năng suất công nghiệp thấp nhất trong ASEAN. Singapore có năng suất cao gấp 26 lần Việt Nam; Malaysia gấp 6,5 lần; Thái Lan và Philippines gấp khoảng 1,5 lần.

Các nhà chức trách Việt Nam đã đang nhận ra những thách thức này. Bloomberg dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục cho hay: "Chính phủ đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học. Chúng ta cần cải tổ chương trình giảng dạy để giảm những vấn đề không thực tế. Tuy vậy, tiến độ thực hiện còn rất chậm”.

Phạm Khánh (infonet)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bloomberg chê giáo dục Việt Nam: Tốt nghiệp trường giỏi vẫn phải làm xe ôm