Bình Tinh khóc thật nhiều, tiếng khóc niềm hạnh phúc pha lẫn một chút tủi hờn. Những gọt nước mắt trong veo nhưng chứa đầy nỗi niềm của người nghệ sĩ trẻ…
Hẹn gặp Bình Tinh vào một buổi sáng Sài Gòn oi nắng. Trước mắt chúng tôi là một cô gái nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, nụ cười hiền, giọng nói nhỏ nhẹ dễ thương. Trông khác xa với những gì mà Bình Tinh thể hiện đầy cá tính và mạnh mẽ trên sân khấu khi hóa thân thành những nhân vật tuồng cổ cải lương như Mộc Quế Anh, Phi Giao, Thái Bình công chúa, Ngũ Tiểu Thanh, Võ Tắc Thiên, Đào Tam Xuân, Ngọc Hân Công Chúa...
Bình Tinh đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ ấm áp tại Jet Studio, trên đường Lê Hồng Phong sau đêm diễn thành công trong chươngSao Nối Ngôi mà em vừa đoạt chức quán quân. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi thấy trước mặt em là một bao khăn giấy để sẵn. Mãi đến sau mới hiểu ra rằng Bình Tinh đã lường trước được nếu chia sẻ những khoảng đời riêng của mình chắc chắn em sẽ khóc…
Câu chuyện của người nghệ sĩ trẻ đầy tài năng nhưng cũng lắm gian truân lận đận cứ lần lượt hiện ra. Mỗi lời tự sự của Bình Tinh đều chất chứa niềm tự hào xen lẫn những ngậm ngùi nuối tiếc. Đôi khi câu chuyện phải dừng lại rất lâu để Bình Tinh lấy khăn lau nước mắt khi nhắc đến những người thân, những người thầy đã từng dìu dắt mình từ những bước chập chững thời ấu thơ.
Sinh ra từ một gia đình có nguồn gốc khôngphải từ miền Tây Nam bộ, nơi khai sinh ra nghệ thuật cải lương. Ông bà tổ tiên của Bình Tinh đều ở Bình Thuận, sau này di cư vào Sài Gòn. Gia đình của Bình Tinh lạicó đến4 đời gắn bó với cải lương, Bình Tinh là con của cặp nghệ sĩ cải lương hồ quảng Đức Lợi - Bạch Mai thuộc Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long lừng lẫy một thời. Bốn tuổi, Bình Tinh đã từng theo mẹ Bạch Mai đứng trong cánh gà sân rồi được cho tham gia vai diễn viên “quần chúng” xuất hiện vài phút trên sân khấu không hát không thoại, nhưng chừng đó cũng đủ làm cho cô bé mê cải lương như Bình Tinh hạnh phúc đến ngất ngây.
Ít lâu sau đó,Bình Tinh được diễn chung với Linh Tý trong Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Hai em bé hạt tiêu xuất hiện trên sân khấu đã làm khán giả cười nghiêng ngả và vỗ tay tán thưởng không ngớt. "Trong suốt những năm tháng ở Đồng ấu và sau này cũng vậy, thầy Bạch Long luôn uốn nắn, chỉ dạy cho em từng động tác vũ đạo, bước đi, từng cái liếc mắt trên sân khấu. Mẹ em không trực tiếp truyền dạy nghề cho em có lẽ vì mẹ không muốn em bị ảnh hưởng nét diễn của mẹ. Nhưng bao giờ mẹ cũng là người phê bình rất nghiêm khắc đối với em". Cải lương mở lối cho Bình Tinh từ những ngày ấy.
Con đường đến với thành công của Bình Tinh không hoàn toàn phẳng lặng mà đầy gian nan đắng cay và nước mắt. Ít ai biết hiện tại Bình Tinh là trụ cột của một gia đình gồm nhiều thành viên. Mọi thứ từ cái ăn cái mặc đến chi phí cho các sinh hoạt bình thường đều trên vai cô gái nhỏ nhắn này. Nói điều này với chúng tôi, Binh Tinh không hề than thở mà em coi đó là một niềm tự hào một trách nhiệm hiển nhiên của chính mình.
Quay lại quá khứ, Bình Tinh từng sống trong một mái ấm gia đình tràn trề hạnh phúc bên cha mẹ là nghệ sĩ Đức Lợi – Bạch Mai, 15 tuổi cô bé Bình Tinh đi học có xe hơi đưa rước. Thế nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Năm đó gia đình của Bình Tinh bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tài sản tiêu tán thành con số không. Sau đó là biến cố lớn nhất, gia đình tan vỡ, bố mẹ chia tay với nhau, những ký ức buồn đó từng ám ảnh Bình Tinh suốt một thời gian khá dài.
Từ một tiểu thư đài các, Bình Tinh bắt đầu lăn lóc với cuộc sống lo chén cơm manh áo cho mình và cho cả người thân. Không những thế Bình Tinh còn thương yêu chăm sóc nuôi nấn luôn cả người em trai cùng cha khác mẹ của mình đang còn tuổi thiếu niên. Đó là lời hứa của em trước ngày nghệ sĩ Đức Lợi qua đời. Bên giường bệnh Bình Tinh nắm tay ba hứa trong nước mắt “Ba yên tâm, con hứa sẽ bảo bọc em trai con cho đến khi em trưởng thành”. Có lẽ vì những lời hứa ấy ông đã yên lòng nhắm mắt ra đi rất thanh thản.
Sau ngày nghệ sĩ Đức Lợi qua đời, cũng đúng thời điểm cải lương không còn đất sống vì thế mẹ của Bình Tinh là diễn viên kiêm soạn giả nổi tiếng Bạch Maicũng ít đi hát và dựng tuồng nữa. Từ cuộc sống nhung lụa, cô gái út Bình Tinh phải lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa, nhưng điều nàykhông làm Bình Tinh mặc cảm và nhụt chí. Bình Tinh chấp nhậncó thể làm mọi cách để trang trải nợ nần cho gia đình. Không may mắn cho em khicải lương bắt đầu đi vào thoái trào, đời sống của các nghệ sĩ bắt đầu gặp vô vàn khó khăn, Bình Tinh cũng không phải là ngoại lệ. Em phảiđi hát bất cứ nơi nào, từ quán cà phê hát cho nhau nghe cho đến đi hát ngoại tỉnh. Có hôm hát ở quán tiền cát xê chỉ được 10.000 đồng nhưng Bình Tinh vẫn vui vẻ nhận. Em nói, hát cải lương đối với em không chỉ là lo cho cuộc sống mà còn là niềm đam mê cháy bỏng và chân thành với bộ môn nghệ thuật gắn liền với truyền thống gia đình cả 4 đời truyền lại. Hát để mà yêu, hát để mà giữ lại tài sản vô hình quý báu của cha ông.
Từ những bước đi gập ghềnh đó những người yêu nghệ thuật cải lương đã thấy được khả năng đa dạng, diễn có chiều sâu của Bình Tinh khi xem em diễn vai kép Triệu Lân trong Long Lân Quy Phụng , Bàng Đức trong Quan Công đại chiến Bàng Đức, hay quận chúa Phi Loan trong Sở Vân cưới vợ và gần đây là những gì em hóa thân trong chương trình Sao nối ngôi.
“Em nhớ ba em, nhớ những ngày ngôi bên giường bệnh chăm sóc cho ông, nhớ có lần ba gọi em ra trước rạp Hưng Đạo để cho lại em số tiền ba nhận trợ cấp hoàn cảnh khó khăn của Ban Ái hữu Hội Sân khấu thành phố. Cầm tiền ba cho mà em không cầm được nước mắt. Giờ đây ba đã đi xa vĩnh viễn không chứng kiến được con gái út của ba đã trưởng thành… Còn mẹ em thì đã vào ở hẳn trong chùa, những lúc rảnh em thường xuyên vào thăm mẹ…” Giọng của Bình Tinh nghèn nghẹn, đối mắt em ngấn lệ khi nhắc lại kỷ niệm xưa.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc lại chặng đường của Bình Tinh đã đi và tỏa sáng từ chương Sao nối ngôi, nơi cho em cơ hội xuất hiện trên truyền hình. Với Sao nối ngôi, em đã chính thức được trở lại tái ngộ công chúng màn ảnh nhỏ sau hơn 10 năm vắng bóng. Bình Tinh chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã quyết định sống chết với nghề này, chưa bao giờ có suy nghĩ đi làm bất kỳ một nghề nào khác dẫu gặp muôn vàn khó khăn, nhiều lúc nản chí nhưng vẫn cố bám trụ với nghề. Khi được mời tham gia chương trình, thật sự em biết đây là cơ hội lớn để mình được đến với khán giả nhưng em không nghĩ mình được quá nhiều tình cảm như vậy!”.
Binh Tinh đến với Sao nối ngôi bằng những tiết mục được đầu tư hoành tráng, dàn dựng kỹ lưỡng. Em đã đưa người xem đến với các cung bậc cảm xúc khác nhau từ bi thương, cảm động của tiết mục Tình phụ tử, Đứa con lai đến chất hùng tráng, ngời ngời lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước qua Mặt trời đêm thế kỷ, Bão táp nguyên phong… Không chỉ với bộ môn nghệ thuật cải lương, Bình Tinh còn thử sức mình với nhạc dân ca, diễn hài,hát nhạc đỏ, nhào lộn, múa … Và cuối cùng kết lại bằng Mãi còn niềm tin với cái nôi cải lương, đoàn tuồng cổ Huỳnh Long bằng con tim say mê đầy nhiệt huyết.
Đêm diễn cuối cùng của Sao Nối Ngôi, Bình Tinh đã tỏa sáng với vở cải lương ngắn Mãi còn niềm tin. Từ tiết mục này, Bình Tinh xuất sắc trở thành Quán quân đầu tiên của cuộc thi. Em nhận được số điểm gần như tuyệt đối: 49.9 điểm (4 điểm 10 từ ban giám khảo và điểm khán giả trường quay 9.9 điểm).
Vở diễn phần nào cũng chính là cuộc đời thực của Bình Tinh. Dẫu gặp bao khó khăn, trắc trở cả về cuộc sống lẫn nghề nghiệp nhưng em vẫn bám trụ cải lương đến cùng, thay cha mẹ gánh vác trọng trách nối nghiệp, gầy dựng lại đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long lừng lẫy. Nhận xét về Bình Tinh trong đêm chung kết, giám khảo Ngọc Sơn đã nói: “Nghệ thuật cải lương tuồng cổ tưởng chừng như bị quên lãng đã được em làm sống lại với đầy lòng tự hào. Đúng là danh bất hư truyền, những người yêu cải lương, các thành viên của đoàn tuồng cổ Huỳnh Long cũng như cha mẹ em sẽ luôn hãnh diện về em”.
Để được khán giả yêu thương, dân trong nghề đánh giá cao, chặng đường của một “sao nối ngôi” như Bình Tinh trong cuộc thi cũng không hề dễ dàng. Đó là mồ hôi của công sức tập luyện, là những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được những con điểm 10 hay liên tiếp trong nhiều tuần đứng đứng nhất đêm thi về điểm của ban giám khảo cũng như sự bình chọn của khán giả truyền hình, hạnh phúc vì được cha nuôi - NSƯT Kim Tử Long hỗ trợ hết mình khi diễn cùng trên sân khấu. Ngay cả với những tiết mục mà Kim Tử Long không phụ diễn, ông cũng là người dàn dựng, đạo diễn, thậm chí lo cả phần phục trang, đạo cụ để Bình Tinh có được một màn trình diễn tốt nhất. Nhữngkhi cô tập luyện, tổng duyệt tiết mục, Kim Tử Long cũng có mặt để góp ý, chỉ dẫn cho tiết mục của con gái nuôi. Anh bỏ hết các show diễn trong và ngoài nước để đồng hành cùng cô trong suốt chương trình, chưa từng vắng mặt một tập nào. Sao nối ngôi không chỉ là dịp hai cha con Kim Tử Long – Bình Tinh có dịp tỏa sáng mà còn là nơi cô gửi lời tri ân đến cha mẹ, đến NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Hoài Linh và tập thể các cô chú của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long…
Đứng trên sân khấu, em kể câu chuyện về cuộc đời mình, về một cô đào hát một lòng với nghệ thuật cải lương. Bình Tinh nói: “Quán quânlà một phần thưởng rất lớn và ý nghĩa với em. Đó là cả một quá trình biến giấc mơ thành hiện thực. Từ lúc sinh ra đến bây giờ, em chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm một nghề nghiệp nào khác. Phần thưởng này là vinh dự với sự nghiệp của em, điều mà em cảm thấy mình đạt được quá lớn qua cuộc thi đó là tình cảm của khán giả khắp mọi miền đất nước, là tình thương của các anh chị, cô bác đồng nghiệp. Em hạnh phúc vô cùng”.
Phải công tâm nhìn nhận, thành công của Bình Tinh là một nỗlực phi thường. nỗlực đó bắt nguồn từ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, từ tình yêu nghề nghiệp và ngọn lửa đam mê luôn bùng cháy dữ dội trong tim của một cô gái trẻ vớibộ môn nghệ thuật dân tộc tưởng chừng như không còn đất sống trước sự lấn át của các loại hình giải trí hiện đại khác.
“Em đã có một gia đình nhỏ cùng con gái 16 tháng tuổi. Cuộc sống của em hiện tại cũng tạm ổn dù đôi khi cũng có một vài thiếu hụt phải mượn. Em làm những ngày nắng để dành cho những ngày mưa, làm những lúc đắt show để dành những lúc không có suất diễn nào. Nhưng với em niềm hạnh phúc lớn nhất là đi đâu khán giả cũng đã nhận ra em và gọi tên em. Đó là điều em không muốn gì hơn nên nguyện cống hiến hết mình vì nghiệp diễn, vì khán giả vì cải lương. Em sẽ làm tất cả để tạ ơn tổ nghiệp, tạ ơncác bậc tiền bối trong nghề, ba mẹ ruột của em, ba nuôi Kim Tử Long, thầy Hữu Quốc, thầy Bạch Long, thầy Vũ Minh và cả cái nôi đã truyền lửa cho em từ thời thơ ấu đó là nhóm Đồng ấu Bạch Long…” – Đó là những gì Bình Tinh chia sẻ với chúng tôi sau những câu chuyện buồn.
“Có được thành công hôm nay với chức quán quânSao nối ngôiem rất hạnh phúc. Nhưng có lẽ niềm vui này chưa trọn vẹn khi gia đình của em thiếu vắng nhiều người. Ba của em đã mất, anh trai của em cũng đã qua đời, nhưng em nghĩ có lẽ nơi suối vàng chắcba và anh cũngmãn nguyện, em sẽ mangchiếc cúp này đến mộ của ba để choba biết mà vui cùng em...".
Câu chuyện của Bình Tinh chia sẻ với chúng tôi ngoài nụ cười hạnh phúc còn có tiếng nấc nghẹn ngào trào dâng nước mắt. Cũng dễ hiểu thôi, đó là tiếng khóc niềm hạnh phúc pha lẫn một chút ngậm ngùi của một cô gái trẻ đã đi qua quá nhiều thăng trầm, biến cố của cuộc đời.Những giọt nước mắt trong veo của em cứ ám ảnh chúng tôi trên suốt đường về.
Tiểu Vũ