Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đến quần áo bảo hộ cũng thiếu. “Có thể nói là trở tay không kịp. Sau đó, chúng ta đã căn cứ tình hình, rút kinh nghiệm, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM: Đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, chúng ta trở tay không kịp

Lam Thanh | 17/10/2021, 17:38

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đến quần áo bảo hộ cũng thiếu. “Có thể nói là trở tay không kịp. Sau đó, chúng ta đã căn cứ tình hình, rút kinh nghiệm, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp”.

Ngày 17.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27.4 đến nay.

Quần áo bảo hộ cũng thiếu

Nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, khi đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu bùng phát, Việt Nam đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức do chưa có kịch bản và sự chuẩn bị đầy đủ, vẫn áp dụng các biện pháp trước đó như với các chủng cũ khi chưa hiểu rõ biến chủng Delta hết sức nguy hiểm.

Trong khi đó, điều kiện cơ sở, vật chất rất hạn chế, nhiều giải pháp không thể triển khai kịp thời, hiệu quả do không đủ vật tư y tế và nhân lực.

Theo các đại biểu, trong diễn biến cực kỳ phức tạp của dịch, không có giải pháp hoàn hảo, chỉ có thể chọn giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện bảo đảm trong từng thời điểm. Do đó, cần nhìn nhận khách quan, đầy đủ, tránh phiến diện, không tô hồng, không bôi đen về các biện pháp và kết quả phòng, chống dịch.

Chẳng hạn, việc xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng có thể triển khai rất hiệu quả gần đây tại nhiều địa phương, nhưng trong giai đoạn đầu tại TP.HCM, việc này thực hiện rất khó khăn do thiếu kit xét nghiệm.

cp.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Thậm chí, đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, có thể nói là chúng ta trở tay không kịp. Sau đó, chúng ta đã căn cứ tình hình, rút kinh nghiệm, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp”.

Ông Nguyễn Văn Nên nhận định, bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết này đã đưa ra các tiêu chí, các cột mốc, mục tiêu để buộc các cơ quan, địa phương phải tìm cách hành động bằng được.

Theo ông Nên, từ đó, giúp thay đổi cục diện phòng chống dịch, tạo chuyển biến rõ rệt với các giải pháp như tập trung phân loại, điều trị người bệnh từ xa, từ sớm ngay tại cơ sở, điều động thêm nhân lực, tăng cường vật tư, trang thiết bị…

Nhiều đại biểu cho rằng, với mức độ lây nhiễm như vừa qua ở TP.HCM, nhiều nơi trên thế giới đã không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn như vậy.

“Trong quá trình đó, lãnh đạo Thành phố và Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ liên tục trao đổi, chia sẻ, kiểm tra, uốn nắn, tạo ra quyết tâm, hết sức đồng bộ, thống nhất, mặc dù nhìn lại thì vẫn còn chỗ này chỗ kia, việc này việc khác cần tiếp tục rút kinh nghiệm”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu rõ.

Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các ý kiến phát biểu đề cập nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả như tổ COVID-19 cộng đồng; mô hình trạm y tế lưu động; xét nghiệm diện rộng, nhiều vòng ở các địa bàn có nguy cơ cao, rất cao; phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”; quản lý điều trị F0 tại nhà; hỗ trợ tư vấn từ xa.

Ngoài ra là mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong phòng chống dịch; hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại Bắc Giang (sau này đã được triển khai mạnh mẽ tại TP.HCM), cải tiến công tác lấy mẫu (buồng lấy mẫu có thiết bị làm mát, găng tay cố định); các mô hình như “Gian hàng 0 đồng”, chương trình “Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, đội hình “Người vận chuyển”, ATM gạo, ATM oxy, xe cứu thương miễn phí, quán cơm thiện nguyện; trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm COVID-19…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta. Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới.

ntl.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vắc xin đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch.

“Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vắc xin của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam”, ông Long nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích thêm, chỉ tới khi vắc xin về nhiều như trong thời gian qua, chúng ta mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới. Đồng thời, chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, tránh cực đoan, nóng vội bởi các nghiên cứu cho thấy vi rút có thể xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm.

Do đó, Phó thủ tướng đề nghị phải có dự phòng cho những tình huống xấu nhất, thậm chí phải sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu hơn theo tinh thần “biến chủng mới thì phải coi như đại dịch mới”.

“Nhân dân nhìn thấy mà tin”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhận định và đề nghị cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn nữa về tình hình, kết quả phòng chống dịch.

Theo bà Hoài, những giải pháp đã được thực tế chứng minh là đúng đắn, hiệu quả về xét nghiệm, điều trị, cách ly… thì kiên định, kiên trì thực hiện; đồng thời quan tâm khắc phục những tác động của dịch bệnh, chăm lo tốt hơn nữa đời sống người dân, nhất là những người yếu thế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Thành ủy TP.HCM: Đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, chúng ta trở tay không kịp