Trước việc giá năng lượng tăng vọt do thiếu khí đốt Nga, châu Âu đang tính cách đối phó bằng việc muốn đánh thuế mạnh vào các công ty năng lượng để chia sẻ bớt khó khăn, rủi ro.

Bị Nga "chiếu tướng", châu Âu dự tính thí quân, cứu đại cục

Anh Tú (theo FT) | 01/09/2022, 13:32

Trước việc giá năng lượng tăng vọt do thiếu khí đốt Nga, châu Âu đang tính cách đối phó bằng việc muốn đánh thuế mạnh vào các công ty năng lượng để chia sẻ bớt khó khăn, rủi ro.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã sử dụng bài phát biểu đầu tiên sau kỳ nghỉ hè để hứa hẹn các biện pháp kiềm chế giá điện bán buôn đang tăng vọt ở châu Âu.

Giá điện cũng đang các hộ gia đình và công ty trong khối rơi vào tình cảnh khó khăn. Bà Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ can thiệp ngắn hạn - điều gì đó có thể “được kích hoạt rất nhanh, có lẽ trong vài tuần” - và công bố một “cải cách cấu trúc thị trường năng lượng” dài hạn hơn.

Thị trường năng lượng của EU hoạt động như thế nào và tại sao giá lại cao như vậy?

Giá năng lượng châu Âu được thiết lập thông qua cái gọi là hệ thống định giá cận biên, trong đó nhà máy điện có khả năng đáp ứng nhu cầu vào bất kỳ lúc nào sẽ đưa ra giá chuẩn. Điều này có nghĩa là các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, vốn vẫn cần thiết để duy trì hoạt động sáng đèn ở nhiều quốc gia, có ý nghĩa quyết định giá bán buôn điện cho phần còn lại của thị trường mặc dù năng lượng tái tạo có thể được sản xuất với giá rẻ hơn.

Trong lịch sử trước giờ, người ta không có ý định đại tu hệ thống, ngay cả khi tỷ lệ năng lượng sạch trong giỏ năng lượng tăng lên. Người ta hy vọng rằng giá điện bán buôn cao hơn sẽ khuyến khích phát triển năng lượng xanh bằng cách tăng tỷ suất lợi nhuận cho các dự án năng lượng tái tạo chi phí thấp hơn.

Nhưng khi giá khí đốt đã tăng lên mức kỷ lục trong năm nay - phần lớn là do quyết định giảm nguồn cung cấp cho châu Âu của Moscow - chi phí điện cũng bị kéo theo. Do đó, nhiều nhà hoạch định chính sách đang kêu gọi một cách tiếp cận mới cho phép bán năng lượng tái tạo rẻ hơn giá mặt bằng. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết các đề xuất thay đổi cấu trúc thị trường “đang đậu vào mảnh đất ngày càng màu mỡ”.

Chính phủ Anh vào tháng 7 đã tiến hành một cuộc tham vấn về việc tách giá khí đốt và năng lượng tái tạo. Áp lực hiện đang gia tăng ở Brussels.

EU có thể làm gì để cắt giảm chi phí cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp?

Các quan chức Ủy ban châu Âu nói rằng các lựa chọn đang được thảo luận bao gồm giới hạn giá khí đốt, thúc đẩy các nước trong EU áp thuế gió đối với các công ty năng lượng rồi dùng tiền thuế hỗ trợ người tiêu dùng dễ bị tổn thương và tạm thời tách biệt giá khí đốt và điện trước khi có giải pháp căn cơ hơn

Một lựa chọn khác là yêu cầu cắt giảm nhu cầu điện phù hợp với mức hiện tại là cắt giảm tự nguyện 15% đối với tiêu thụ khí đốt đã được các bộ trưởng năng lượng EU đồng ý vào tháng 7.

Các biện pháp này sẽ được đưa ra bên cạnh nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế - khối đã thay thế khoảng 1/5 nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga bằng nhiên liệu từ các nước khác - và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Những rủi ro là gì?

Cơ quan năng lượng của EU, Acer, đã cảnh báo không nên phá vỡ cấu trúc thị trường. Báo cáo vào tháng 4 nói rằng thị trường điện bán buôn của EU hoạt động tốt trong điều kiện bình thường, đảm bảo cung cấp điện an toàn.

Thay vì xé toạc các thỏa thuận hiện tại, báo cáo gợi ý rằng có thể có một "van xả tạm thời". Điều này giúp tự động hạn chế giá điện nếu có những đợt tăng đột biến, trong những điều kiện được xác định trước.

William Peck, nhà phân tích thị trường điện năng tại ICIS, một công ty phân tích hàng hóa, cũng cảnh báo không nên đại tu một cơ chế đã hoạt động tốt trong nhiều thập kỷ và vẫn được coi là động cơ khuyến khích đầu tư rất cần thiết vào năng lượng sạch.

Ông nói: Các chính trị gia đang tập trung vào cải cách thị trường điện vì họ không thể tìm ra giải pháp thay thế nhanh chóng và đầy đủ cho khí đốt của Nga. “Nếu là tôi, tôi thực sự sẽ tập trung sức lực của mình vào vế cung cấp khí đốt của phương trình này và không phá vỡ một thị trường có tuổi đời từ 20 đến 30 năm tuổi”.

Ngoại lệ cho "ốc đảo Iberia"

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đạt được một thỏa thuận chính trị với Ủy ban châu Âu vào tháng 4 cho phép họ giới hạn giá khí đốt tự nhiên được sử dụng trong các nhà máy điện, do đó tách biệt giá điện và khí đốt. Biện pháp này có hiệu lực vào tháng 5 và sẽ có hiệu lực trong một năm với giới hạn trung bình là 48,80 euro mỗi megawatt giờ.

Khoản trợ cấp 8,4 tỉ euro mà 2 nước ở bán đảo Iberia trả cho các công ty khí đốt sẽ được hoàn trả phần lớn bằng các khoản phí đối với các nhà phân phối điện mà mức trần giá được hưởng.

Ủy ban châu Âu đã cho phép điều được gọi là "ngoại lệ Iberia" khỏi các quy tắc bải trợ của nhà nước vì hóa đơn tiền điện của họ có liên quan chặt chẽ đến giá năng lượng bán buôn. Họ có những kết nối năng lượng hạn chế với phần còn lại của EU, khiến bán đảo Iberia trở thành “một ốc đảo năng lượng”. Brussels cũng lập luận rằng biện pháp này sẽ cho phép hai nước mở rộng sản xuất năng lượng xanh.

Tây Ban Nha tuyên bố rằng từ ngày 15.6 đến ngày 15.8, giá điện đã rẻ hơn 49,85 euro / megawatt giờ so với mức giá đáng ra bị đội nếu cơ chế giới hạn giá không được áp dụng, tiết kiệm cho người tiêu dùng khoảng 1,4 tỉ euro.

Nhưng lượng khí đốt được sử dụng cho điện đã tăng 17% từ tháng 1 đến tháng 7.2021 lên 23% trong cùng kỳ năm nay. Madrid cho biết điều này là do hạn hán mùa hè đã ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện.

Peck tại ICIS nói rằng việc mở rộng một cơ chế như vậy trên toàn châu Âu có thể làm tăng nhu cầu khí đốt bằng cách làm cho giá điện rẻ một cách giả tạo. “Điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta cần làm”.

Tiếp theo là gì?

Trong khi bà von der Leyen nói rằng ủy ban sẽ đưa ra các giải pháp "trong vài tuần", các quan chức nói rằng các đề xuất khó có thể được đưa ra kịp thời cho cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 9.9 nhưng có thể được nêu trong bài phát biểu cùa bà trước Hội đồng EU vào ngày 14.9.

Georg Zachmann tại tổ chức tư vấn Bruegel cho biết rất khó để hình dung ra một giải pháp để nhanh chóng hạ giá bán buôn mà không gây ra hỗn loạn trên thị trường. Ông nói: “Có rất nhiều thứ bạn có thể phá hoại bằng cách mày mò thiết kế thị trường.

Ông lập luận rằng hệ thống thuế là một cơ chế tốt hơn để giải quyết vấn đề ngắn hạn về giá cao, chẳng hạn như thuế thu được đối với các nhà sản xuất điện có thể được chuyển đến người tiêu dùng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị Nga "chiếu tướng", châu Âu dự tính thí quân, cứu đại cục