Sáng 3.10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 với chủ đề “Bến Tre - Tầm nhìn hướng đông và tiềm năng phát triển bền vững”. Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình.
Trong 9 tháng qua, tỉnh Bến Tre đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án (1 dự án FDI, 4 dự án trong nước). Đến nay, toàn tỉnh có 330 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó có 68 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1.659 triệu USD và 262 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 59.587 tỉ đồng. Với quyết tâm cao nhất trong hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của mình, Bến Tre đã không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.
Từ sự quyết tâm đó, trong những năm qua, Bến Tre đã thành công trong việc cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 tăng 6 bậc so với năm 2022 (từ hạng 13 năm 2022 lên hạng 7) và xếp vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Bến Tre mời gọi 32 dự án đầu tư trên các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, xăng dầu, khí đốt, du lịch, nông nghiệp - nông thôn, môi trường, bến cảng, khu đô thị, dân cư.
Để thu hút các dự án đầu tư, tỉnh Bến Tre có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư như: hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tối đa 20% và tối đa 30% khi đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp. Đối với các dự án đầu tư tại 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, nhà đầu tư được hưởng chính sách miễn tiền thuê đất 11 năm sau khi kết thúc thời gian xây dựng cơ bản; được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cao nhất, đó là 10% áp dụng 15 năm đầu, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Đối với các dự án trong lĩnh vực xã hội hóa, ngoài chính sách của Trung ương, các nhà đầu tư được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng đối với từng địa bàn cụ thể.
Về thủ tục đầu tư, tỉnh còn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với thời gian quy định. Đặc biệt, tỉnh Bến Tre ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư vào khu vực phía đông, khu lấn biển 50.000ha.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội nghị: “Trong điều kiện phát triển hiện nay, kinh tế biển rất quan trọng mà chúng tôi chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh này. Do đó, chúng tôi đã đưa ra định hướng phát triển về hướng đông và trong quy hoạch tỉnh Bến Tre từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, chúng tôi đã mạnh dạn đưa vào phát triển hướng đông; trong đó có chương trình lấn biển đến 50 nghìn ha. Điều này thể hiện khát vọng muốn làm sao cho Bến Tre phát triển đột phá trong thời gian sắp tới. Tôi mong rằng các nhà đầu tư nên nghiên cứu, đầu tư vào Bến Tre, mà đặc biệt là khu lấn biển này”.
Tại hội nghị, tỉnh Bến Tre đã trao giấy chứng nhận đầu tư 6 dự án với tổng số vốn dự kiến đầu tư gần 8.000 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh bến Tre còn ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với 22 dự án, tổng số vốn dự kiến hơn 300.000 tỉ đồng.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, đa số các đại biểu kiến nghị chính quyền địa phương và các bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù đối với các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Bến Tre, giải quyết các khó khăn về vấn đề quỹ đất, các dự án gặp khó khăn, khắc phục tình trạng "sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm" của một số cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong công tác thu hút đầu tư thời gian qua. Bến Tre thời gian qua đã cải thiện tốt môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế -xã hội, cải thiện đời sống người dân.
Bến Tre có nhiều tiềm năng, nguồn lực để thu hút đầu tư, tuy nhiên cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, theo Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, thời gian tới, Bến Tre cần bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ tỉnh; tổ chức triển khai hiệu quả quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hợp tác công tư; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, có tính kết nối nội vùng và liên vùng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển các ngành kinh tế quan trọng.