Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh và giá thành điện cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp, gây ra nhiều bất cập.
Thị trường và chính sách

Bất cập giá điện, chuyên gia đề nghị phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết

Lam Thanh 18:35 10/10/2024

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh và giá thành điện cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp, gây ra nhiều bất cập.

Bộ Công Thương vừa công bố giá thành điện năm 2023, dư luận cũng đặt ra câu hỏi về cách tính toán cũng như quá trình xem xét, thẩm tra giá thành điện.

Tại Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 10.10, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết việc tính toán giá điện thực hiện theo Quyết định 05 ngày 26.3.2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định này, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN căn cứ theo báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và các báo cáo tài chính đã được các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán.

Theo ông Hữu, về cơ cấu chi phí giá phát điện, bao gồm các chi phí như chi phí phát điện, chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối bán lẻ điện và chi phí phụ trợ quản lý ngành. Các chi phí trên cùng với sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận định mức tạo nên giá điện bình quân, được quy định cụ thể tại quyết định 05 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

huu-1.jpg
Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu

Theo báo cáo của EVN và trong quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao (do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino) khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

Thêm nữa, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%. Ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết thì phải sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.

Cũng theo ông Hữu, trong bối cảnh đó, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, do cấu trúc giá thành tăng quá cao nên dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao.

TS Phan Đức Hiếu cho rằng giả sử các bên sản xuất điện, phân phối, bán lẻ điện đã nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí nhằm có mức giá điện hợp lý nhất, nhưng giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối thì là một bất cập.

“Đối với điện, chúng ta không chỉ nói về giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng. Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối. Nếu giá điện có lợi cho một nhóm đối tượng này thì vô hình chung cái lợi đó lại trở thành thiệt hại của người khác”, ông Hiếu nói.

huu-3.png
Giá thành điện cao hơn giá bán điện bình quân 6,92%

TS Phan Đức Hiếu cũng cho rằng trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện.

“Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp. Về mặt lâu dài, câu chuyện này cần giải quyết một cách triệt để”, ông Hiếu nêu.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho hay: Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh. Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp.

“Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện. Do đó, sinh ra rất nhiều bất cập, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế”, ông Thoả nêu và đề nghị phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết.

Theo ông Thoả, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách, quy định rất rõ về điều hành giá điện nói riêng, giá năng lượng nói chung. Theo đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện.

Tiếp theo, ông Thoả cho rằng phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Chính phủ đã có quy định căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu phần trăm.

“Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu chúng ta làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Thu hút đầu tư để phát triển nguồn lưới điện cũng thuận lợi hơn. Theo tôi, việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước”, ông Thoả nói.

huu-2.jpg
- Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả cho rằng Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường. Đó là các loại thuế, các loại phí, các loại quỹ để điều tiết gián tiếp vào yếu tố hình thành giá điện để có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được cái lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, chứ Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành.

Ông Thoả nhấn mạnh ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện. Điều này giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn.

“Những người thuộc diện chính sách xã hội vẫn được Nhà nước quan tâm và chúng ta không bỏ rơi những đối tượng đó”, ông Thoả nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất cập giá điện, chuyên gia đề nghị phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết