Những ngày gần đây, du khách đến Phan Thiết vô cùng thích thú vì có thêm sản phẩm mới - Bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa.

Bảo tàng nước mắm đầu tiên ở Việt Nam

05/03/2019, 11:41

Những ngày gần đây, du khách đến Phan Thiết vô cùng thích thú vì có thêm sản phẩm mới - Bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa.

Tọa lạc chung khuôn viên của Fishermen Show, bảo tàng là điểm nhấn ấn tượng và đặc sắc về văn hóa. Một bảo tàng đúng nghĩa và đúng chuẩn. Nếu Fishermen Show tái hiện lịch sử hình thành làng chài Phan Thiết bằng nhạc nước, ánh sáng và nghệ thuật vũ kịch đương đại một cách khái quát, bảo tàng Nước Mắm giới thiệu bằng hình ảnh cụ thể, hiện vật lịch sử sống động một cách khoa học và chuyên nghiệp.

Bảo tàng nước mắm đầu tiên của Việt Nam

Nước mắm

Là loại nước rỉ từ mắm, dùng để chấm hoặc nấu thức ăn. Mắm được làm từ thủy, hải sản; ướp muối, lên men với các axit amin được chuyển biến từ protein qua quá trình thuỷ phân, tác nhân là các hệ enzyme có sẵn cùng một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn. Ngoài Việt Nam, nước mắm còn được dùng ở Thái Lan, Lào, Malaysia, Nam Trung Quốc, Triều Tiên, Nhât Bản và vài nước châu Âu nhưng không phổ biến.

Ở Việt Nam, nước mắm là “Quốc hồn, quốc túy” của dân tộc, được chế biến đa dạng theo vùng miền và không thể thiếu trong các bữa ăn. Thời nghèo khó, nước mắm có khi là thức ăn chính. Nước mắm tạo nên bản sắc, hương vị và phong cách văn hóa ẩm thực Việt.

Chưa ai rõ nước mắm Việt chính xác có tự bao giờ nhưng phải tính hàng ngàn năm. Từ năm 1688, thế giới biết đến nước mắm Việt Nam qua bài viết về cách ngư dân làm nước mắm của William Dampier, nhà hàng hải người Anh khi ghé Đàng Ngoài. Nước mắm được làm nhiều nhất ở các vùng ven biển. Có lẽ do đặc thù thổ nhưỡng và khí hậu, vùng đất lắm nắng, nhiều gió Phan Thiết được xem là thủ phủ của nước mắm Việt Nam; cả chất lượng, hương vị, màu sắc lẫn số lượng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2016, cả nước sản xuất hơn 200.000.000 lít nước mắm, trong đó 75% là nước mắm công nghiệp (nước mắm pha loãng với hóa chất). Vì nhiều lý do, nước mắm truyền thống ngày càng giảm, cả qui mô lẫn sản lượng. Có lúc còn bị tạo dựng scandal dối trá, đánh lừa người tiêu dùng. Nước mắm sản xuất hữu cơ ngày càng ít.

Nhiều người lo lắng cho tương lai của nước mắm truyền thống organic và tìm cách chấn hưng, trong đó có chàng trai lãng tử - doanh nhân trẻ Trần Ngọc Dũng. Vốn là dân Phan Thiết, sinh ra và lớn lên giữa làng chài, anh dành phần lớn tài sản kiến thức nhiều năm ở nước ngoài, gom góp vốn liếng về quê làm du lịch văn hóa với nhà hát nhạc nước và nghệ thuật đương đại Fishermen Show. Đam mê như một tín đồ cuồng đạo, anh mở tiếp bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa để hình thành quần thể văn hóa làng chài duyên hải đặc sắc.

Bảo tàng nước mắm làng chài xưa

Hơn 300 năm trước, Phan Thiết là làng chài quê của dân nghèo tứ xứ, đa phần từ miền Bắc và miền Trung dạt vào kiếm sống. Trải bao khó khăn và trăng trầm thế cuộc, làng chài xưa trở thành thủ phủ nước mắm Việt Nam, giờ là đô thị du lịch sầm uất.

Như tên gọi, bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa được thiết kế với phong cách đương đại, dạng phim trường tương tác nhập vai. Có diện tích gần 2.000m2, bảo tàng được chia thành 14 không gian, dùng hình ảnh, hiện vật và ánh sáng chủ động tái hiện 300 năm làng chài Phan Thiết xưa; từ thời Chăm Pa, thời vua Nguyễn, thời Pháp và những thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ trước.

Tái hiện làng chài xưa
Những thùng gỗ làm nước mắm

ào bảo tàng, từng du khách được nhập vai làm ngư dân chài lưới cá hay diêm dân làm muối; thăm làng chài xưa và phố cổ Phan Thiết, ghé nhà hàm hộ đại gia nước mắm xưa. Khám phá cách người dân làng chài phát hiện ra mắm nước từ việc ướp giữ cá, tên gọi nước mắm ngày xưa, lý do vì sao có tên gọi “nước mắm” như ngày nay. Bao nhiêu hiểu biết kỳ thú về nghề làm nước mắm, cách cẩn (soi) nước mắm và ông quan Bát phẩm Trần Gia Hòa, ông tổ nghề nước mắm tĩn gốm xưa của Phan Thiết.

Tại bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa, điều đặc biệt nhất mà ai ai đến Phan Thiết cũng mong muốn một lần trong đời, là được nếm thử vị nước mắm rin ngày xưa, loại nước mắm nguyên chất ngon vô đối, kéo rút trực tiếp từ thùng lều gỗ ủ chượp kiểu chín chậm. Đây là loại nước mắm được người dân làng chài xưa Phan Thiết gọi là nước mắm Tĩn, do ông tổ nghề Trần Gia Hòa đưa vào tĩn gốm, dán nhãn vuông chở bằng ghe bầu bán khắp nơi từ lục tỉnh Nam kỳ đến miền Trung, miền Bắc, có thị phần lớn nhất Việt Nam, qua cả Campuchia. Vì công trạng này, ông đã được vua Nguyễn ban tước quan hàm Bát phẩm.

Nước mắm Tĩn xưa
Màu nước mắm dưới ánh sáng

Ngoài ra, du khách còn được thực hành “cẩn” nước mắm, cách xác định nước mắm ngon của người xưa dựa vào màu, mùi, vị dưới ánh sáng.

Với bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa, Phan Thiết Mũi Né không những có thêm sản phẩm du lịch có chiều sâu thu hút khách thập phương mà còn góp phần quảng bá những tinh tế của nước mắm rin truyền thống 300 năm lẫy lừng Việt Nam.

Mách bạn: Có thể đi xe buýt từ Phan Thiết ra, Mũi Né vào. Các loại xe khách Sài Gòn – Phan thiết đều đi qua hoặc có xe trung chuyển đến tận nơi, rất thuận tiện.

Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tour) - Ảnh: Đỗ Hữu Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tàng nước mắm đầu tiên ở Việt Nam