Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có thể được xem là cách tái cấu trúc đối với một mô hình không còn hiệu quả và thích hợp trong nền kinh tế thị trường là SCIC. Song, ngay trong mô hình mới này, cần hết sức tránh việc xem nó đơn thuần chỉ là bình mới rượu cũ trong khi tư duy quản lý vẫn là thứ tư duy nhà nước.

Bài học cần thiết rút ra từ SCIC để quản lý vốn tại doanh nghiệp

03/01/2019, 12:34

Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có thể được xem là cách tái cấu trúc đối với một mô hình không còn hiệu quả và thích hợp trong nền kinh tế thị trường là SCIC. Song, ngay trong mô hình mới này, cần hết sức tránh việc xem nó đơn thuần chỉ là bình mới rượu cũ trong khi tư duy quản lý vẫn là thứ tư duy nhà nước.

Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh: Internet

Vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC cũ) thực chất là vốn nhà nước nằm ở các doanh nghiệp góp vào chứ không phải tự SCIC tay trắng làm nên cơ nghiệp. Sau nhiều năm ra đời và hoạt động, xem ra mô hình này đã lỗi thời và buộc phải chuyển đổi vì kém hiệu quả.

Kết quả làm việc của Kiểm toán Nhà nước tại SCIC mới đây cho thấy những bất cập thật khó có thể bao biện: Có đến 61/122 doanh nghiệp (DN) thuộc SCIC đầu tư không có lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với số vốn đầu tư là 1.500 tỉ/40.000 tỉ đồng mà SCIC đang quản lý. Với tổng vốn như thế, lợi nhuận lại thấp, thậm chí 1/2 số DN làm ăn không ra tiền, SCIC bèn đem hơn 18.700 tỉ gửi ngân hàng lấy lãi. Thế nhưng lương chi cho bộ máy thì lại cao ngất ngưởng. Nó khiến chúng ta không khỏi ngao ngán và lo lắng. Nếu như mô hình Ủy ban Quản lý vốn tại DN ra đời gần đây không xem đây là một bài học để tự điều chỉnh thì vẫn chưa hết nỗi lo.

Kiểm toán Nhà nước cho hay, theo báo cáo của SCIC, nguyên nhân chủ yếu của việc làm ăn kém hiệu quả là các dự án thi công chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng do chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay lớn, khi đi vào hoạt động gặp sự cố kỹ thuật nhiều.

Nguồn thu của SCIC chủ yếu từ cổ tức của một số ít DN mà SCIC nhận bàn giao, vốn được coi như “gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, FTel (FPT Telecom), Vinaconex, Dược Hậu Giang, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, thời gian qua SCIC chủ yếu dùng quỹ đầu tư phát triển và vốn tạm thời nhàn rỗi để gửi ngân hàng. Nếu năm 2012 số dư tiền gửi là hơn 13.600 tỉ đồng thì năm 2016 tăng lên hơn 16.200 tỉ và năm 2017 tiếp tục tăng lên trên 18.700 tỉ đồng. Trong khi theo Nghị định 91, quỹ đầu tư phát triển được dùng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

Tuy Kiểm toán Nhà nước không phủ nhận là SCIC “đã quản lý, sử dụng tương đối tốt và phát huy hiệu quả tiền nhàn rỗi”, nhưng riêng năm 2017 lãi tiền gửi ngân hàng đã mang lại khoản doanh thu hoạt động tài chính tới trên 900 tỉ đồng cho SCIC. Tại thời điểm tới ngày 31.12.2017, tổng giá trị vốn đầu tư của SCIC là hơn 40.000 tỉ đồng, nhưng trong đó riêng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn đã hơn 18.700 tỉ đồng.

Riêng về thu nhập và lương năm 2017, theo Kiểm toán Nhà nước, thu nhập của phó tổng giám đốc phụ trách của SCIC là 68 triệu đồng/người/tháng (năm 2017 SCIC chưa có tổng giám đốc). Thu nhập bình quân của người lao động SCIC là 37,8 triệu đồng/người/tháng.

Tất nhiên, để thu hút được người tài thật sự, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vừa ra đời cần linh hoạt về chế độ lương bổng sao cho xứng đáng với đóng góp thực sự của mỗi người. Nhưng nên nhớ, đó phải là những người thực tài chứ không như thời SCIC trả lương “tràn cung mây”. Đây là sự bất cập đến khó tưởng tượng khi mà các DNNN có “máu mặt” khác làm đến bạc cả mặt thì lương của họ cũng không được như SCIC.

Vốn thì có nhiều, nếu không biết quay vòng có hiệu quả mà chỉ tính chuyện gửi ngân hàng lấy lãi cho “an toàn, không bị sai sót” thì làm sao có thể gọi đó là doanh nghiệp giỏi? Với non nửa số vốn đem gửi ngân hàng lấy lãi, phải chăng đây chỉ là một quỹ tiết kiệm khổng lồ và như vậy thật lãng phí trong khi còn biết bao DN thiếu vốn đầu tư trầm trọng nhưng lại không dám vay ngân hàng do sợ kinh doanh không đủ trả lãi vay.

Được biết, sẽ có khoảng 19 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế được chuyển giao về cho Ủy ban Quản lý vốn tại DN (trong đó có cả SCIC). Các đơn vị này hiện thuộc sự quản lý của 7 bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Tài chính, Thông tin - Truyền thông, Xây dựng, Y tế. Khối doanh nghiệp này hiện có tổng giá trị vốn và tổng tài sản đạt khoảng 2,2 triệu tỉ đồng.

Ủy ban khổng lồ này sẽ chi phối, quản lý và giám sát thế nào đối với 19 DN và tập đoàn to vật vã như thế, lại hoạt động trong những ngành nghề kinh tế, kỹ thuật rất khác nhau? Với trình độ, công nghệ quản trị còn quá lạc hậu của chúng ta hiện nay, có lẽ sẽ rất đáng lo, chưa nói đến những khó khăn từ thể chế kinh tế và thể chế chính trị hiện nay. Do vậy, theo thiển ý của tôi, trước khi thực hiện theo hướng này, nên thật nhanh chóng hoàn thiện việc điều chỉnh, sửa đổi khoảng gần hai chục luật và nghị định liên quan. Cần sớm thoái vốn tại những DN mà nhà nước không cần nắm, dù có làm ăn cực tốt. Cần sớm đoạn tuyệt và cho phá sản ngay những DN làm ăn thua lỗ lâu nay vốn không tìm được lối ra, để chỉ nắm giữ những DN thực sự có vai trò chủ đạo, chi phối nền kinh tế đất nước...

Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có thể được xem là cách tái cấu trúc đối với một mô hình không còn hiệu quả và thích hợp trong nền kinh tế thị trường là SCIC. Song, ngay trong mô hình mới này, cần hết sức tránh việc xem nó đơn thuần chỉ là bình mới rượu cũ trong khi tư duy quản lý vẫn là thứ tư duy nhà nước, ôm đồm nhưng kém hiệu quả. Điều tối cần thiết là phải có tinh thần doanh nghiệp, dám làm dám chịu trách nhiệm, tránh dùng tiền nhàn rỗi “gửi tiết kiệm cho nó lành”. Nếu không như vậy thì, thật đáng tiếc, tái cấu trúc vẫn chỉ là thay tên đổi họ, bình mới rượu cũ mà thôi.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học cần thiết rút ra từ SCIC để quản lý vốn tại doanh nghiệp