Sau khi biết được thông tin có 2 tàu câu mực của bạn mình bị bắt, tài công Nguyễn Văn Tới (33 tuổi, ngụ TT.Sông Đốc) càng hoang mang lo lắng. Vào vùng biển Thái Lan thì bị bắt, ở ngoài biển thì đánh liều sống chết, anh cùng 2 chiếc tàu khác điều khiển chạy vòng vòng nơi tiếp giáp vùng biển 2 nước. Đến khi không chịu nổi, anh và các đồng nghiệp đánh liều chạy nép vào vùng biển Thái Lan.

Bài cuối: Lời kể của tài công trần mình chịu bão và cái giá của tự do

Nguyên Việt | 03/04/2019, 06:11

Sau khi biết được thông tin có 2 tàu câu mực của bạn mình bị bắt, tài công Nguyễn Văn Tới (33 tuổi, ngụ TT.Sông Đốc) càng hoang mang lo lắng. Vào vùng biển Thái Lan thì bị bắt, ở ngoài biển thì đánh liều sống chết, anh cùng 2 chiếc tàu khác điều khiển chạy vòng vòng nơi tiếp giáp vùng biển 2 nước. Đến khi không chịu nổi, anh và các đồng nghiệp đánh liều chạy nép vào vùng biển Thái Lan.

“Đó là cơn bão khủng khiếp trong mười mấy năm đi biển của tôi”

Anh Nguyễn Văn Tới tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã có kinh nghiệm đi biển hơn 10 năm. Thưở nhỏ, anh theo gia đình ra biển đánh bắt thủy sản và cho đến giờ, anh đã là chủ của 2 chiếc tàu câu mực thường xuyên bám biển. Anh kể lại thời khắc cùng các thuyền viên trong tàu gồng mình chống bão:

“Hôm đó ngay ngày Tết Tây, biển đã trở trời rồi. Sóng, gió, mưa dồn dập đến, tôi cũng không biết số phận của mình và các anh em sẽ như thế nào. Qua chiều ngày hôm sau, qua bộ đàm, chúng tôi biết anh Được, anh Sáng, anh Dương bị Hải quân Thái Lan bắt rồi, tôi càng lo sợ. Cả đời tôi đi biển tới giờ, mưa giông đã từng gặp, nhưng bão thì chưa bao giờ. Đó là cơn bão khủng khiếp trong mười mấy năm đi biển của tôi”.

Cả buổi chiều đến tối hôm đó, anh Tới cứ điều khiển tàu chạy lòng vòng quanh vùng biển tiếp giáp 2 nước. Đến 1 giờ khuya, cơn bão mới thực sự hoành hành. Chiếc tàu của anh rộng hơn 4 m, dài gần 15 m nhưng trước sức gió và những cơn sóng dữ cứ chòng chành, chao đảo.

“Sóng và gió đập búa xua, lúc bên này, lúc bên kia, tàu tôi cũng có bị hư hại, gãy cột buồm. Đến khoảng 4 giờ thì bớt sóng gió, tàu chạy được rồi, tôi chạy nép luôn vào bờ đảo của Thái Lan, không đi đâu nữa.

Mình có biết bão đã đi hết đâu. Đậu gần tàu của tôi vài hải lý là 2 chiếc tàu khác, trong đó có 1 chiếc của tôi, cũng bình an vô sự. Đến sáng, tôi thấy tàu của Hải quân Thái Lan chạy sát tàu mình. Họ đã phát hiện ra chúng tôi, tôi nghĩ lúc đó phó mặc cho trời, họ bắt thì mình cũng chịu. Nhưng rồi họ không làm gì cả, chắc họ biết chúng tôi đi trú bão”, anh Tới kể lại.

Anh tới trú lại vùng biển của tỉnh Pattani trong 3 ngày, khi thấy trời yên, biển lặng, anh lại dong thuyền ra khơi tiếp tục câu mực. Anh cho biết: “Chúng tôi không thể về lúc đó được. Chi phí mỗi chuyến đi như thế rất lớn, hơn cả trăm triệu đồng. Chúng tôi phải câu được mực đem về để không bị lỗ. Nhưng sau khi bão đi qua, không ngờ biển lại thuận lợi như thế. Chúng tôi câu được khá nhiều mực, anh em rất phấn khởi, nhưng cũng rất lo lắng cho những thuyền viên khác bị Hải quân Thái Lan bắt giữ”.

Anh Sử kể chuyện mình đi tránh bão ở đảo Thổ Chu (Kiên Giang) - Ảnh: Thanh Nguyên

Không gồng mình chịu bão như anh Tới, anh Nguyễn Văn Sử (ngụ xã Khánh Lộc, H.Trần Văn Thời) cũng là tài công có mặt trên vùng biển có cơn bão đi qua. Anh Sử cùng các thuyền viên của mình thời điểm trước cơn bão đang câumực trên vùng biển gần đảo Thổ Chu (Kiên Giang).

“Nghe đài báo bão, tôi cũng điện bộ đàm trao đổi với anh em khác trên biển. May mắn là tôi ở gần đảo Thổ Chu nên tôi ghé luôn vào đây để trú lại. Tôi và các thuyền viên của mình trú lại đây 3 ngày 3 đêm. Sau đó lại ra khơi tiếp tục câumực”, anh Sử nhớ lại.

Anh Sử chia sẻ thêm, mỗi chuyến tàu ra khơi câu mực thường đi trong vòng 20 ngày. Trước khi đi, phải chuẩn bị nước ngọt, dầu, lương thực đủ dùng trong thời gian ngoài khơi. Anh Sử kể: “Cái nặng nhất là mình phải ứng tiền trước cho thuyền viên. Có như vậy họ mới chịu đi, có người đã nhận tiền ứng rồi đi đâu mất tiêu. Đến ngày khởi hành, gọi điện không thấy đâu. Chúng tôi ra khơi phải chịu rất nhiều rủi ro. Giờ biết thấy các thuyền viên đã về, tôi cũng mừng cho mọi người. Nhưng cũng lo cho tương lai, mai mốt không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi ở ngoài biển khơi kia”.

Bộ đội Biên phòng khẳng định 3 tàu câu mực được phép trú bão

Sau 4 phiên toà không luận được tội với những thuyền viên này, cộng với sức ép từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, phía Thái Lan buộc phải thả 21 con người này. Nhưng để được tự do cũng không phải là dễ dàng. Từ tỉnh Pattani, họ được đưa về thủ đô Bangkok.

“Chúng tôi ngồi xe mười mấy tiếng đồng hồ mới đến được thủ đô Bangkok. Ở đây chúng tôi vẫn phải ngồi tù thêm nữa. Nhưng ở đây đỡ hơn, nhà tù rộng và thức ăn ngon hơn, chúng tôi biết mình sắp được về nhà rồi”, tài công Hồ Văn Được kể.

Thời điểm này, người của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã đến gặp 21 ngư dân này. Sau khi chụp ảnh, làm thủ tục để về nước, đến tối 13.3, 21 ngư dân chính thức lên máy bay trở về quê nhà.

Ông Được kể: “Lúc ngồi lên máy bay rồi chúng tôi mới thực sự tin mình đã được về nhà. Chúng tôi ai cũng phấn khởi mong chờ tới ngày đoàn tụ với gia đình. Hơn 1 tuần chờ đợi ở Bangkok thực sự là những ngày dài. Cái chúng tôi có được là anh em đông nên đỡ sợ, và thường xuyên động viên nhau”.

Khuya hôm đó, những chiếc ôtô được người thân của những ngư dân này thuê chạy suốt đêm từ Sông Đốc lên TP.HCM để đón họ về. Giây phút gia đình đoàn tụ, mừng mừng tủi tủi sau 2 tháng trời xa cách mà không biết đến ngày về. Về tới Sông Đốc, những bữa tiệc ăn mừng các ngư dân trở về liên tục được tổ chức, bà con lối xóm kéo đến chúc mừng hết ngày này qua ngày khác. Chồng gặp lại vợ, cha gặp lại con trong những tiếng nấc nghẹn ngào.

Không chỉ 21 thuyền viên vừa trở về bức xúc, hoang mang mà nhiều ngư dân ở TT.Sông Đốc cũng rất khó hiểu khi Hải quân Thái Lan giữ 21 thuyền viên trên trong suốt 2 tháng trời. Trong khi đó, ngành chức năng liên quan ở Cà Mau đều khẳng định 3 chiếc tàu bị Hải quân Thái Lan bắt giữ đều nằm trong danh sách được phép trú bão ở vùng biển tỉnh Pattani.

Cụ thể, ngày 4.1, Sở Ngoại vụ tỉnh Cà Mau đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Qua đó, từ báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau về việc 21 ngư dân và 3 chiếc tàu của Việt Nam bị Hải quân Thái Lan bắt giữ. Đó là 3 chiếc tàu do các tài công Nguyễn Văn Dương, Ngô Minh Sáng và Hồ Văn Được điều khiển.

Sở Ngoại vụ xác nhận cả 3 chiếc tàu trên hành nghề câu mực, xuất bến qua cửa biển Sông Đốc vào ngày 26.12.2018. Trong quá trình hoạt động, do ảnh hưởng của bão số 1 (Pabuk) 3 phương tiện trên không chạy được vào bờ nên các thuyền trưởng điều khiển các chiếc thuyền này chạy về vùng biển Thái Lan để tránh bão. Cả 3 phương tiện trên đều có trong danh sách các tàu xin chạy sang vùng biển Thái Lan để tránh bão. Theo thống kê, trong cơn bão số 1 có 38 tàu thuyền và 239 thuyền viên xin neo đậu tránh bão ở Thái Lan và Malaysia.

Như vậy, có thể khẳng định 3 chiếc tàu câu mực do ông Hồ Văn Được và ông Nguyễn Văn Út Nhỏ làm chủ đã được Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho phép trú bão ở Thái Lan. Việc Hải quân Thái Lan giữ 21 thuyền viên và giữ lại 3 chiếc tàu cần phải được làm rõ.

Sau khi trở về từ Thái Lan bằng đường hàng không, các ngư dân trên đã nhanh chóng trình diện Bộ đội Biên phòng đóng ở cửa biển Sông Đốc và tường trình tất cả sự việc. Với 2 chủ tàu là ông Được và ông Út Nhỏ, họ chỉ mong Hải quân Thái Lan đồng ý trao trả lại các chiếc tàu để họ có thể tiếp tục bám biển mưu sinh.

Giấy thông hành của các ngư dân, được Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cấp để được trở về nước - Ảnh: Thanh Nguyên

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Điền - Giám đốc Sở Ngoại vụ Cà Mau, cho biết liên quan đến việc 21 ngư dân và 2 chiếc tàu (1 chiếc đã bị chìm) bị Hải quân Thái Lan giữ, ông đã nhận đơn phản ánh của chủ tàu. “Chúng tôi đã tư vấn và có trách nhiệm xác minh cụ thể, đồng thời gửi những văn bản gửi Bộ Ngoại giao và Tổng Lãnh sự quán của nước ta đóng bên Thái Lan để hợp tác giải quyết vụ việc này”.

Ông Điền cho biết thêm, hiện tỉnh vẫn đang chờ thông tin từ Lãnh sự quán Việt Nam tại Thái Lan để hợp tác song phương giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao. “Mình xác nhận rằng, phương tiện và thuyền viên của mình là đi tránh bão nhưng phía họ thì không nghĩ vậy”, ông Điền nói.

Đến nay, các thuyền viên, tài công đã trở về đoàn tụ với gia đình trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Nhưng canh cánh trong lòng họ vẫn còn chưa yên vì những ngày sắp tới, họ không còn phương tiện để mưu sinh. Trong khi đó, số tiền làm lộ phí để họ từ Thái Lan trở về là hơn 7 triệu đồng cho mỗi người cũng đang là gánh nặng phải trả.

Dù vậy, nhưng các ngư dân này vẫn không có ý định sẽ bỏ biển để đi làm việc khác.

“Tôi sẽ không bao giờ bỏ biển, đó là quê hương của tôi”, 1 ngư dân nói.

Nhóm PV
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài cuối: Lời kể của tài công trần mình chịu bão và cái giá của tự do