Trước mộ chồng, bà Mai quỳ xuống thắp nhang, dùng dao lam cắt vải làm khăn tang quấn lên đầu. Buổi cúng kiến đó tuy diễn ra chóng vánh nhưng ý nghĩa vô cùng. Vì đó là lần đầu tiên sau 3 ngày Lữ Anh Dồi mất, ông mới được đối xử như 1 con người!

Bài 2: Ai giết Lữ Anh Dồi?

Nguyên Việt | 23/02/2017, 10:28

Trước mộ chồng, bà Mai quỳ xuống thắp nhang, dùng dao lam cắt vải làm khăn tang quấn lên đầu. Buổi cúng kiến đó tuy diễn ra chóng vánh nhưng ý nghĩa vô cùng. Vì đó là lần đầu tiên sau 3 ngày Lữ Anh Dồi mất, ông mới được đối xử như 1 con người!

Bài 1: Cái chết của Lữ Anh Dồi và những ngày tháng đoạn trường của người vợ trẻ

Chạm trán những kẻ giết người

Sau đêm đầu tiên đầy cảm xúc và nước mắt ở thị trấn Hộ Phòng, bà Mai tiếp tục tìm đến Công an Minh Hải, quyết tìm hiểu rõ sự thật. Gặp trung tá Nguyễn Ngọc, bà Mai chỉ nhận những câu trả lời phũ phàng, truy trách nhiệm cho người đã chết. Nhưng, người phụ nữ ấy vẫn không khuất phục.

“Nếu chồng tôi phải bội tổ quốc, lại cấu kết với quân giặc thì tại sao các ông không bắt chồng tôi lại để khai thác thêm, làm rõ những người liên quan? Trái lại, cái chết của chồng tôi lại xảy ra bất ngờ và đầy mâu thuẫn như thế.

Hơn nữa, dù sao chồng tôi cũng đã chết, các ông không thể “chôn cất” chồng tôi sơ sài, bằng cách giấu xác vào bụi ô rô như một con vật như vậy được”, bà Mai chất vấn ông Ngọc trong cơn xúc động mạnh. Trả lời những thắc mắc chính đáng của người phụ nữ mất chồng, ông Ngọc chỉ lạnh lùng quát mắng lại hoặc lảng tránh.

Bà Mai kể lại trong một lần tìm ông Ngọc, bà Mai tình cờ gặp 1 người công an trẻ, mang hàm chuẩn úy. “Tôi không biết gì về người đàn ông này. Nhưng khi vừa chạm mặt tôi trong phòng làm việc của ông Ngọc, người này liền đưa tay vào bao súng, và rút súng ra. Khuôn mặt của anh ta đầy đề phòng. Sau này tôi mới biết, đó chính là chuẩn úy Thái Văn Hùng, người đã bắn chồng tôi”, bà Mai kể lại.

Những thái độ khó hiểu của ông Ngọc, Thái Văn Hùng càng khiến cho bà Mai tin rằng, cái chết của chồng mình có nhiều điều mờ ám. Bà Mai cũng kể lại, trong thời gian quen biết rồi nên vợ chồng với Lữ Anh Dồi, bà chưa một lần nghe thấy chồng có ý định vượt biên hay có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Giờ đây, ngay sau khi chồng vừa ngã xuống thì tội danh phản quốc đổ ập xuống đầu khiến bà choáng váng.

Những ngày sau khi chồng mất, bà Mai sống trong nước mắt và nỗi hoang mang không sao kể xiết. Đến ngày thứ 3, bà Mai vẫn gõ cửa những cơ quan cấp tỉnh để mong có một câu trả lời rõ ràng hơn cho cái chết của chồng mình. Thấy bà Mai suy sụp, nhiều bạn bè, đồng nghiệp động viên bà cố gắng vượt qua.

Giữa tâm trạng rối bời, hỗn độn đó bà Mai sực nhớ ra nơi chồng yên nghỉ tồi tệ như thế nào. Với lại, từ ngày chồng mất bà chưa để tang, cúng cho ông 1 chén cơm để làm tròn đạo lý.

Bài báo viết về hành trình kêu oan cho chồng của bà Mai

“Lúc đó, chị em trong trường cùng mấy cô giáo sinh chuẩn bị cho tôi 1 bộ tam sên (phần đồ cúng gồm thịt, trứng, tôm - PV) với một ít nhang đèn để tôi đi cúng cho anh ấy. Đó là cái ngày mà tôi chết lên chết xuống, một ngày mà trong cuộc đời tôi không thể nào quên được”, bà Mai chậm rãi nhớ lại.

Lúc đó trời đã vào chiều muộn, bà Mai cùng 1 cô giáo sinh xách giỏ đồ cúng ra trước cổng trường để bắt xe về Hộ Phòng. Năm ấy, để có thể lên 1 chiếc xe khách là một điều không hề đơn giản. Nếu có nhu cầu đi lại, bà Mai phải viết đơn xin và mua vé trước rất lâu. Dù biết cơ hội lên được xe là rất thấp, bà Mai vẫn không bỏ cuộc.

Bao nhiêu chiếc xe qua đi, không một chiếc nào dừng lại để rước bà Mai và cô giáo sinh tội nghiệp nọ. Sựchờ đợi cứ kéo dài trong im lặng đến thê lương mà không hề có tín hiệu khả quan. Bà Mai nước mắt ngắn dài, nghĩ đến chồng mà hành động…

Những người tốt vẫn còn rất nhiều

1 chiếc xe đò chạy tới gần ngã tư, nơi bà Mai và cô giáo sinh đang chờ đợi. Biết chiếc xe này cũng sẽ không chịu dừng lại rước mình, bà Mai bất chấp nhảy ra đường đứng chặn lại. Chiếc xe thắng gấp, chỉ còn cách bà Mai chừng nửa mét. Người phụ nữ ấy, mặt không chút cảm xúc, không hề tỏ ra một chút sợ hãi. Người lơ xe mở cửa, nắm lấy tay bà Mai lôi thẳng bà lên xe.

Cửa đóng lại, tài xế nhấn ga chạy thẳng. “Anh lơ xe… lạy tôi rồi nói rằng, tôi muốn chết thì đừng tìm đến xe của anh ta. Tôi trả lời rằng, không phải là tôi muốn chết nhưng tôi không biết làm sao để bắt được xe. Mà thực ra lúc đó, tôi cũng không muốn sống nữa”, bà Mai nói.

Đến thị trấn Hộ Phòng lúc trời đã nhá nhem tối. Bà Mai thểu não đi qua những dãy nhà leo lét ánh đèn dầu, tìm đường đến nơi chồng được chôn cất. Một số người phụ nữ nhận ra bà Mai, liền đi theo hỏi: “Ủa, tôi tưởng cô đi rồi? Chồng của cô được mấy ổng đưa lên khỏi chỗ cũ, cho vào hòm chôn chỗ khác rồi. Cách chỗ cũ cũng không xa đâu”.

Hỏi ra, bà Mai mới được biết, ngay sau khi bà nói với ông Ngọc về chuyện chồng mình được chôn cất tạm bợ, không được đối xử như 1 con người, ông trung tá Ngọc đã cho lính đào thi thể của Lữ Anh Dồi lên, để an táng lại.

“Để qua mặt người dân, ông ta nói rằng đó là hành động nhân đạo dành cho kẻ phản quốc. Ông ta còn nói anh Dồi bị gia đình bỏ rơi hết rồi, không ai dám nhận 1 thằng mang tội danh phản quốc làm người thân”, bà Mai vẫn không giấu được bức xúc khi kể lại.

Trước nỗi lòng của bà Mai, những người phụ nữ ở thị trấn Hộ Phòng hết sức thương cảm. Họ an ủi bà Mai, biết được bà có ý định tới cúng cơm, thắp nhang cho chồng nhưng đồ cúng bị xe khách bỏ lại rồi, họ lại lọ mọ phân công nhau đi tìm.

Chỉ chưa đầy nửa tiếng, những người này mang đến cho bà Mai đầy đủ nhang đèn, đồ cúng, ngoài ra còn có 1 mảnh vải trắng để làm khăn tang. Cả nhóm người tay cầm ngọn đèn dầu leo lét, cùng nhau đưa bà Mai đến chỗ chôn cất mới của Lữ Anh Dồi.

Trước mộ chồng, bà Mai quỳ xuống thắp nhang, dùng dao lam cắt vải làm khăn tang quấn lên đầu. Buổi cúng kiến đó tuy diễn ra chóng vánh nhưng ý nghĩa vô cùng. Vì đó là lần đầu tiên sau 3 ngày Lữ Anh Dồi mất, anh được đối xử như 1 con người! Chính vì điều đó mà bà Mai đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy, bằng mọi giá phải có mặt trước mộ chồng.

Cũng tại đây, lời thề máu cũng được bà Mai lập lên. Trước mộ chồng, bà Mai dùng dao lam rạch vào cánh tay trái của mình. “Máu nhỏ xuống, tôi thề với chồng sẽ đi tìm công lý với bất cứ giá nào”, bà Mai nhớ hồi tưởng. Đến nay, vết sẹo ấy trên tay của bà Mai vẫn còn rõ. Đó chính là một minh chứng cho sự sắt đá, bền lòng của người phụ nữ Việt Nam.

Những ngày sau đó, bà Mai tiếp tục tìm đến các cơ quan Viện kiểm sát, Sở Tư pháp, Tòa án để kêu oan cho chồng. Đáp lại thỉnh cầu của bà, các cơ quan này đều trả lời giống nhau rằng đây là một vụ án của công an, và sẽ do công an giải quyết.

3 tháng sau, có người tìm đến bà Mai và nhà trường, nơi bà công tác. Người này quả quyết rằng Lữ Anh Dồi mang tội phản quốc và đã bị cấp trên phát hiện từ lâu. Nếu bà Mai vẫn tiếp tục gửi đơn đi khắp nơi, thưa kiện Thái Văn Hùng thì sẽ bị đuổi khỏi ngành giáo dục và bị bắt nhốt.

Những lời hăm dọa không khiến bà Mai mảy may run sợ, ngược lại càng khiến cho người phụ nữ này tin vào sự trong sạch của chồng. Bà Mai tiếp tục gửi đơn đến khắp nơi trong tỉnh Minh Hải. Rồi đơn của bà cũng ra đến Trung ương với những hy vọng nhỏ nhoi và thời gian chờ đợi khủng khiếp.

Sự gan lì, bất chấp này của bà Mai cũng khiến bà phải trả giá khá đắt. Đó là sức ép khiến bà Mai phải rời khỏi ngành giáo dục. Những anh em của Lữ Anh Dồi làm việc nhà nước cũng cùng chung số phận. Họ bất ngờ bị đuổi khỏi ngành với những lý do có liên quan đến người mang tội danh oan là phản quốc.

Ngọc Hàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Ai giết Lữ Anh Dồi?