Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được phổ biến và nhân rộng tại huyện Phước Long nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt việc sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp góp phần tăng chất lượng và sản lượng lúa cho nông dân.
Bà Thái Thị Loan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phước Long cho biết: “Huyện đã xác định sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế. Trong đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là hướng đi trọng tâm của huyện. Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nông dân huyện đã chủ động đưa công nghệ vào sản xuất. Nông dân đã đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ cho việc sản xuất, đặc biệt là sản xuất lúa mang lại giá trị cao.
Cũng theo ngành nông nghiệp Phước Long, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện chiếm trên 90%. Để thực hiện được đều này, ngoài những tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư thực hiện dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua huyện Phước Long đầu tư 4 máy bay nông nghiệp siêu nhẹ không người lái sử dụng thiết bị điều khiển từ xa. Các máy bay này có chức năng 3 trong 1 phun thuốc bảo vệ thực vật - sạ lúa - rải phân. Từ kinh phí Nhà nước, ngành nông nghiệp đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp phục vụ các Hợp tác xã (HTX) tiêu biểu trong vùng sản xuất ổn định với hình thức nhà nước hỗ trợ 40%, HTX đối ứng vốn 60%.
Cũng theo bà Thái Thị Loan, ưu điểm gieo sạ lúa bằng máy bay nông nghiệp sẽ đồng đều hơn rất nhiều so với gieo thủ công, giúp tiết kiệm giống, tỷ lệ mọc mầm cũng cao, giảm hẳn được công sức việc tỉa dặm. Thời gian thực hiện gieo sạ bằng máy bay cũng được rút ngắn nên không phải tốn quá nhiều nhân công. Ngoài ra, máy bay nông nghiệp có thể hoạt động dễ dàng ở mọi địa hình, ngay cả trên đất bị lầy hay vùng trũng sâu. Trước đây mỗi khi vào vụ canh tác, nông dân phải mất nhiều thời gian và công sức thì nay công việc được giảm bớt. Từ khâu làm đất, gieo sạ cho đến khi thu hoạch đã được ứng dụng cơ giới hóa, đảm bảo khung lịch thời vụ. Việc này giúp tặng hệ số vòng quay sử dụng đất, nâng cao năng suất sản phẩm, giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, nông dân tại xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long chia sẻ: “Tôi tham gia vào Tổ hợp tác (THT) ấp Tường Thắng B được 03 năm. Trong THT có 46 hộ dân với diện tích 94ha, đa số các hộ dân khi đến mùa vụ đều sử dụng các máy bay nông nghiệp, đồng thời khi tới thu hoạch thì chủ động cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Nếu hộ nào có điều kiện sẵn có máy thì chi phí sẽ giảm hẳn còn hộ chưa có thì chúng tôi chủ động thuê tại các HTX nông nghiệp của huyện. Bằng phương pháp này chúng tôi rất an tâm vì đảm bảo chất lượng hạt lúa khi thu hoạch và tiết kiệm chi phí”.
Theo ý kiến của ông Trương Việt Hòa, nông dân xã Hưng Phú, huyện Phước Long, với tính năng 3 trong 1 sử dụng máy bay nông nghiệp có rất nhiều tiện lợi. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật trở nên đơn giản, vì nó giúp bà con tránh xa được hóa chất trong khi phun nhờ chế độ điều khiển từ xa. Đồng thời, nhờ công nghệ phun ly tâm, giúp tiết kiệm lượng thuốc phun, đảm bảo phun đủ, giảm hẳn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phát triển một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, do hoạt động điều khiển định vị tự lái trên không nên việc bón phân giúp bà con không cần phải lội ruộng vừa đỡ vất vả lại không bị thiệt hại bởi dấu chân. Như vậy, bón phân bằng máy bay nông nghiệp góp phần làm tăng năng suất, sản lượng lúa cũng là tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, hiện nay để nâng cao chất lượng nông sản thì việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học thay cho hóa học ngày càng được chú ý. Giá thành của các loại chế phẩm sinh học thường cao hơn. Vì vậy, phun thuốc hay bón phân bằng máy bay sẽ giúp giảm chi phí thuốc và phân bón đi đáng kể.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một nhu cầu tất yếu góp phần nâng cao giá trị sản xuất, ngày nay nông dân đã mạnh dạn thay đổi tập quán tư duy sản xuất truyền thống kém hiệu quả sang hiện đại, nhiều hộ dân sẵn sàng đầu tư máy móc với kinh phí nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, bền vững.
Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển mạnh nông nghiệp huyện. Đặc biệt ứng dụng thiết bị phương tiện bay siêu nhẹ gắn với hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật - sạ lúa - rải phân đã phát huy hiệu quả. Đề án của UBND tỉnh Bạc Liêu về “Xây dựng, củng cố tổ chức cộng đồng canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu và hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm lúa ổn định, bền vững thuộc chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa” đã được huyện Phước Long từng bước áp dụng. Huyện cần rút kinh nghiệm và phát huy để chuyển đổi nền nông nghiệp theo khoa học, hiện đại".