Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị nên quan tâm về chu kỳ 10 năm của nền kinh tế. “Liệu các cú sốc nền kinh tế năm 2018 - 2019 có trở lại như chu kỳ 2008 - 2009 hay không?”

Bà Phạm Chi Lan: Cú sốc kinh tế có lặp lại sau chu kỳ 10 năm?

Trí Lâm | 26/01/2018, 17:47

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị nên quan tâm về chu kỳ 10 năm của nền kinh tế. “Liệu các cú sốc nền kinh tế năm 2018 - 2019 có trở lại như chu kỳ 2008 - 2009 hay không?”

Điều kiện kinh doanh: Lẽ ra phải phạt

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách" vừa diễn ra, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương (CIEM) có những đánh giá khá tích cực khi Chính phủ bãi bỏ khoảng 600 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương, trong số hơn 1.200 điều kiện hiện có.

“Đó là kết quả rất khác biệt, rất mới so với trước đây, là nỗ lực kéo dài liên tục của nhiều phía", ông Cung nhấn mạnh và cho rằng đây là những chuyển động thực chất từ bên trong, chứ không quá phụ thuộc vào áp lực bên ngoài như trước”.

Nói cụ thể hơn, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017 cải thiện tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60 lên vị trí 55/137 nền kinh tế; môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong thập niên qua; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127, cao nhất từ trước đến nay…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trả lời phỏng vấn tại hành lang hội thảo

Ghi nhận những nỗ lực nàynhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ sự lo ngại về kết quả “thực chất” của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh. Bà Lan cho rằng không nên quá vui mừng trước việc các ngành công bố cắt giảm điều kiện kinh doanh.

“Tôi ngạc nhiên vì quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành lại nhận được nhiều lời khen ngợi đến thế. Khi các Bộ đó đẻ ra quá nhiều điều kiện kinh doanh gây bao nhiêu khó khăn cho doanh nghiệp thì việc cần làm là phải chặn, phải phạt chứ không phải giờ chạy theo để cắt để rồi được khen ngợi”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Bà Lan nhấn mạnh rằng vấn đề quan trọng hiện tại là phải ngăn chặnđược những điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Phải để chúng không thể đi vào thực tế cuộc sống".

Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng CIEM, nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó, tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công còn nhiều hạn chế.

Ông Doanh khuyến cáo, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực doanh nghiệp; đồng thờicần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất cần tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm 1/3 đến một nửa số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ và hướng tới hoàn thành trong quý 3/2018. Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực, đặt mục tiêu hoàn thành trong quý 4/2018.

Xuất siêu hay xuất khẩu hộ?

Cũng tại hội thảo này, chuyên gia Phạm Chi Lan nêu vấn đề về việc cả năm 2017 Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷUSD. “Số liệu xuất nhập khẩu chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD có được ghi nhận không? Nếu cộng cả 20 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc thì còn đâu là xuất siêu nữa”.

"Tôi rất sợ nhận định là đã xuất siêu rồi, không nên bỏ qua con số chênh lệch nhập siêu từ Trung Quốc mà lấy thành tích", bà Lan phát biểu và cho biết: “Việt Nam xuất khẩu xuất phát từ làm gia công, công nghiệp phụ trợ chưa đóng góp được ngành công nghiệp trong nước. Nhất là thành tích đó nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài".

Bà Lan lo ngại, ở một số nước, tính xuất khẩu 50% giá trị gia tăng là của nước nào thì mới tính cho đất nước đó, Việt Nam làm gia công 70% cho bên ngoài nên chúng ta được xem là xuất khẩu hộ. “Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này để không bị chạy theo thành tích ảo, không thực chất của nền kinh tế”.

"Trung Quốc là nơi xuất khẩu nhiều sang Việt Nam, họ không cần tham gia TPP hay ký FTA với EU, trong khi đóViệt Nam là nướctham gia vào các hiệp định này. Cái bất lợi thì chúng ta hứng chịu, nhưng lợi họ được hưởng", bà Lan chia sẻ.

Đồng tình với nhận định này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng rất kém và chủ yếu chỉ là may vá.

Nhiều mối lo trong năm 2018

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM dự báo tăng trưởng năm 2018 dự kiến đạt 6,58%, thấp hơn mức tăng trưởng 6,81% của năm 2017. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dự thương mại ở mức 1,1 tỷUSD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 so với năm 2017 khoảng 3,74%.

Còn bà Phạm Chi Lan lại bày tỏ lo ngại về quy luật chu kỳ 10 năm của nền kinh tế được lặp lại. “Liệu các cú sốc nền kinh tế năm 2018 - 2019 có trở lại như chu kỳ 2008-2009 hay không?”.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung thì nhấn mạnh về một số vấn đề nóng của 2017 như các dự án BOT, tranh chấp đất đai... cần phải được giải quyết trong năm 2018, nhất là thị trường sử dụng đất đang là một nút thắt, gây lệch lạc trong phân bố nguồn lực.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu

Theo ông Cung, xét về khía cạnh của đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, chính sách như chỉ định đầu tư, cho thu phí đường này để bù đường khác, cho trải thảm đường BOT mới trên con đường cũ có thể nói là sai từ đầu.

"Khi huy động tư nhân đầu tư BOT, đáng lẽ ra chỉ nên coi đây là hình thức bổ sung cho ngân sách, chứ không thể thay thế ngân sách, cho Nhà nước được. Tuy nhiên, nhiều nơi chúng ta làm thay thế, như vậy là sai", ông Cung nói và cho rằngphí BOT như hiện nay phải rõ ràng là dùng cái gì thì người dân trả phí cái đó, không thể bắt người dân trả tiền thứ người ta không dùng.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Phạm Chi Lan: Cú sốc kinh tế có lặp lại sau chu kỳ 10 năm?