Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã khẩn trương chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan về việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, đã thống nhất 3 nhóm giải pháp chính.

Ba nhóm giải pháp xử lý tình trạng hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái

Lam Thanh | 02/08/2021, 12:28

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã khẩn trương chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan về việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, đã thống nhất 3 nhóm giải pháp chính.

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết sau 3 tuần áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc tổ chức hoạt động các bến cảng của tổng công ty tại khu vực TP.HCM gặp khó khăn.

Cụ thể, hiện nay lượng container nhập về bãi từ tàu biển vẫn tăng trưởng, trong khi lượng container xuất theo đường bộ, số lượt xe ra-vào cảng giao nhận container liên tục giảm so do giãn cách xã hội, dẫn đến số lượng container tồn tại bãi Cát Lái tăng cao.

Nguyên nhân do các nhà máy, xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động do bị phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 nên nhu cầu lấy hàng tại cảng giảm.

"Việc hàng hóa tồn tại bãi tăng cao dẫn đến nguy cơ cảng trong thời gian tới phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu", đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết.

Đến thời điểm này, cảng Cát Lái còn tồn 106.717 TEU hàng (1 TEU tương đương trọng lượng 15 tấn), chiếm 86% dung lượng thiết kế bãi. Trong đó, hàng nhập tồn 50.872 TEU, chiếm 95% dung lượng, bao gồm 6.544 TEU tồn trên 90 ngày, cảng đã xin cơ chế chuyển đi lưu trữ ở các cơ sở khác nhưng chưa được đồng ý. Hàng xuất tồn 30.000 TEU, chiếm 76% dung lượng.

Hải quan TP.HCM dự kiến 2 tuần tới, tổng tồn bãi tăng khoảng 5% lên mức 115.000 TEU chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế bãi và hàng tồn dài ngày cũng tiếp tục tăng. Vì thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã tạm dừng hoạt động do không thể thực hiện được “3 tại chỗ” theo quy định nên hàng hóa tiếp tục tồn đọng tại cảng biển.

cat-lai.jpg
Cảng Cát Lái tồn đọng hàng

Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất triển khai thực hiện 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là nhóm giải pháp nhằm tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng, giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm nhận hàng.

Nhóm giải pháp thứ 2 là tăng năng lực khai thác của bãi cảng, giao Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập; nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng; điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp ...

Nhóm giải pháp tiếp theo là giảm lượng hàng nhập về cảng. Yêu cầu tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Tân Cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân Cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt, căn cứ năng lực tiếp nhận của cảng Tân Cảng Cát Lái giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động giải quyết.

Đồng thời, cần làm việc với các chủ hàng, hãng tàu để hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container hàng nhập về cảng đối với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.

Trên cơ sở khảo sát năng lực tiếp nhận của các cảng lân cận trong khu vực như: VICT, SPCT, SP-ITC, TCIT, TCTT, CMIT, SSIT... Cục Hàng hải Việt Nam đã giao Cảng vụ Hàng hải TP.HCM xây dựng phương án điều tiết tuyến tàu cập cảng Cát Lái sang các cảng lân cận trong trường hợp cảng Tân Cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu.

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM để trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp cảng, tổ chức, cá nhân có liên quan để nhanh chóng xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bảo đảm duy trì hoạt động các cảng.

Được biết, theo tính toán của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, kế hoạch làm hàng của Tân Cảng Cát Lái sẽ tiếp tục duy trì đến ngày 15.8.2021. Kế hoạch này sẽ tiếp tục được tổng công ty cập nhật và điều chỉnh hằng ngày, hàng tuần để giảm thiểu nguy cơ ngừng hoạt động của cảng.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến tiếp tục phức tạp, TP.HCM và các tỉnh lân cận tăng cường thêm các giải pháp quyết liệt, mạnh hơn nữa. Các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục phải hạn chế hoặc dừng sản xuất thì sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Tân Cảng Cát Lái và các cảng trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hãng tàu sẽ phải điều chỉnh lịch tàu vào các cảng của khu vực.

Trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài, khi đã điều tiết hàng hóa sang các cảng khác, kể cả ở khu vực Cái Mép- Thị Vải, khi năng lực tiếp nhận các cảng này, ICD, bãi, kho hàng các nhà máy, xí nghiệp hết công suất thì nguy cơ cảng Cát Lái và các cảng khác tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu phải lần lượt tạm ngừng tiếp nhận tàu là khó tránh khỏi.

Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải trong cả nước dự liệu tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 để chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết hàng hóa trong từng khu vực cảng biển và giữa các khu vực với nhau.

Song song với các nhóm giải pháp chính nêu trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sớm giải quyết các kiến nghị của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tại Văn bản 3107/CHHVN-VTDVHH ngày 1.8.2021.

Cục Hải quan TP.HCM cho biết đơn vị đang đề xuất với Tổng cục Hải quan biện pháp cụ thể để xử lý lượng hàng tồn kho quá lớn tại cảng Cát Lái thuộc Tân Cảng Sài Gòn, dẫn đến tình trạng quá tải tại cảng này.

Cụ thể, Hải quan TP.HCM đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng tồn đọng quá 90 ngày, từ cảng Cát Lái về cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lưu giữ và chờ làm thủ tục, kiến nghị cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thuê các cảng thuộc địa bàn của TP.HCM như cảng SP-ITC, cảng Vict, cảng Lotus, cảng Tân Thuận... để lưu giữ hàng hóa nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái trong thời gian dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại khu vực phía nam.

Đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét việc cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được lưu giữ tạm thời hàng hóa nhập khẩu tại cảng dỡ hàng là cảng Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu), để chờ làm thủ tục vận chuyển độc lập về cảng đích là cảng Cát Lái, mà không xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn làm thủ tục hải quan khi doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba nhóm giải pháp xử lý tình trạng hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái