9 quốc gia Đông Nam Á đã đề xuất giảm bớt lời kêu gọi cấm vận vũ khí với Myanmar trong dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nước này.

ASEAN muốn bỏ đề xuất cấm vận vũ khí với Myanmar trong văn bản Đại hội đồng LHQ

Nhân Hoàng | 29/05/2021, 10:17

9 quốc gia Đông Nam Á đã đề xuất giảm bớt lời kêu gọi cấm vận vũ khí với Myanmar trong dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nước này.

Theo Reuters, 9 quốc gia Đông Nam Á đã viết thư cho Liechtenstein, cơ quan đã soạn thảo nghị quyết, sau khi cuộc bỏ phiếu dự kiến ​​vào tuần trước bị hoãn vào phút cuối hôm 18.5.

Một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên hôm 18.5 về dự thảo nghị quyết kêu gọi "đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp tất cả vũ khí và đạn dược" cho Myanmar đã bị hoãn lại.

Không thể biết ngay khi nào cuộc bỏ phiếu sẽ được lên lịch lại. Một số nhà ngoại giao cho biết nó đã bị trì hoãn trong nỗ lực giành được nhiều sự ủng hộ hơn.

Dự thảo nghị quyết kêu gọi quân đội Myanmar ngừng mọi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa và tôn trọng ý chí của người dân như được thể hiện trong kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11.2020.

Cụ thể hơn, dự thảo nghị quyết "kêu gọi các lực lượng vũ trang Myanmar ngừng ngay lập tức mọi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, các thành viên của xã hội dân sự, phụ nữ, thanh niên, cũng như trẻ em và những người khác".

Văn bản cũng kêu gọi quân đội Myanmar ngừng các cuộc tấn công, quấy rối nhân viên y tế, những người bảo vệ nhân quyền, thành viên công đoàn, nhà báo, nhân viên truyền thông; ngừng các hạn chế trên internet và phương tiện truyền thông xã hội.

Nếu được thông qua, dự thảo nghị quyết sẽ thúc giục quân đội cho phép đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener có chuyến thăm và thực hiện kế hoạch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Trong bức thư ngày 19.5 và được Reuters xem hôm 28.5, 9 nước Đông Nam Á cho biết dự thảo "không thể thu hút sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể ở dạng hiện tại, đặc biệt là từ tất cả nước bị ảnh hưởng trực tiếp trong khu vực" và cần có thêm các cuộc đàm phán "để làm cho văn bản có thể chấp nhận được, đặc biệt là với các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp nhất và đang tham gia vào các nỗ lực giải quyết tình hình".

"Chúng tôi cũng tin chắc rằng nếu một nghị quyết của Đại hội đồng về tình hình ở Myanmar là hữu ích cho các nước trong ASEAN, thì nghị quyết đó cần được thông qua với sự đồng thuận", 9 nước Đông Nam Á viết.

Bức thư được gửi từ 9/10 quốc gia ASEAN (ngoại trừ Myanmar).

Dự thảo nghị quyết kêu gọi "đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp lẫn gián tiếp tất cả vũ khí, đạn dược" cho Myanmar. 9 nước Đông Nam Á muốn loại bỏ ngôn ngữ đó.

Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang sức nặng chính trị. Không như Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, không quốc gia nào có quyền phủ quyết trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

asean-muon-bo-loi-keu-goi-cam-van-vu-khi-voi-myanmar.jpg
Binh lính Myanmar đi dọc một con phố đối phó với cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở thành phố Yangon, Myanmar

Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vào ngày 1.2, bắt giam bà và các quan chức của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Trong khi 9 nước Đông Nam Á muốn dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc giam giữ bà Aung San Suu Kyi và các quan chức NLD thay vì lên án, văn bản sẽ kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.

Người phát ngôn của ASEAN đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

ASEAN đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt đổ máu ở Myanmar và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền quân sự với các đối thủ.

Đầu tháng này, hơn 200 nhóm xã hội dân sự, bao gồm cả Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar.

Chỉ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới áp đặt được các lệnh trừng phạt ràng buộc pháp lý hoặc một lệnh cấm vận vũ khí, nhưng các nhà ngoại giao cho biết Nga và Trung Quốc có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn hành động như vậy với Myanmar.

Bài liên quan
Quân đội Myanmar chặn Facebook và Twitter, cho phép WeChat, Tinder, Netflix, YouTube, Instagram, CNN
Quân đội Myanmar đưa vào danh sách trắng hơn 1.200 trang web, thay đổi từ chiến lược ngắt kết nối internet từng thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ASEAN muốn bỏ đề xuất cấm vận vũ khí với Myanmar trong văn bản Đại hội đồng LHQ