Thứ Ba tới đây (15.9) có thể là một ngày điên rồ với giới công nghệ. Trong khi Apple giới thiệu sản phẩm mới, Huawei và TikTok đón ngày này với bao lo âu.

Apple mở hội, TikTok và Huawei hồi hộp chờ ngày ‘tử thần’ 15.9

13/09/2020, 19:38

Thứ Ba tới đây (15.9) có thể là một ngày điên rồ với giới công nghệ. Trong khi Apple giới thiệu sản phẩm mới, Huawei và TikTok đón ngày này với bao lo âu.

Không như Apple, TikTok và Huawei đón ngày 15.9 với bao lo âu

Vào hôm đó, Apple sẽ tổ chức sự kiện ảo, trong đó tín đồ công nghệ mong đợi sẽ thấy iPad Air thế hệ thứ tư được giới thiệu cùng Apple Watch Series 6 và có thể hơn thế nữa.

15.9 là ngày cuối cùng TSMC (Tập đoàn chip bán dẫn hàng đầu thế giới của Đài Loan) có thể giao chip cho Huawei mà không cần giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ. TSMC là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới và Huawei là khách hàng lớn thứ hai của họ.

Một quy định mới vào tháng 5 vừa qua không cho phép nhà sản xuất giao chip cho Huawei mà không có sự chấp thuận từ Chính phủ Mỹ nếu những chip đó được làm bằng công nghệ Mỹ.

Hôm 10.9, tại hội nghị các nhà phát triển ở thành phố Đông Hoản, Trung Quốc, Huawei buông lời thách thức trước chiến dịch đàn áp của Mỹ, khẳng định sẽ đưa HarmonyOS vào smartphone và mở rộng hệ sinh thái ứng dụng của mình khi cố gắng sống sót trong cuộc chiến về công nghệ giữa Washington - Bắc Kinh.

"Chúng tôi sẽ phát hành tất cả các bộ công cụ phát triển cho smartphone vào tháng 12 này. Huawei sẽ đóng vai trò giúp tất cả các nhà phát triển Trung Quốc mở rộng ra thị trường toàn cầu và giúp tất cả nhà phát triển toàn cầu phục vụ người dùng Trung Quốc tốt hơn. Giống như TikTok của ByteDance đã làm rất tốt trong việc phục vụ khách hàng ở nước ngoài, chúng tôi hy vọng sẽ trở thành cầu nối trong giúp nhiều nhà phát triển Trung Quốc vươn ra toàn cầu hơn", Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh và tiêu dùng của Huawei, phát biểu.

Huawei cho biết tất cả smartphone của họ trong năm tới sẽ được nâng cấp để hỗ trợ HarmonyOS, hệ điều hành do hãng này phát triển.

Richard Yu cho biết HarmonyOS phiên bản 2.0 có thể có sẵn cho tất cả thiết bị của Huawei, từ smartphone, thiết bị đeo được, màn hình thông minh đến các hệ thống ô tô.

Richard Yu thách thức Chính phủ Mỹ tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Huawei ngày 10.9

"Huawei đang trải qua đợt đàn áp thứ ba của Mỹ nhưng chúng tôi vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng trong tất cả các sản phẩm của mình như smartphone, máy tính bảng, thiết bị đeo được... và chúng tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể đưa ánh sao ra khỏi bầu trời. Mỗi nhà phát triển của chúng tôi là một ngôi sao và họ cùng nhau tạo thành một mảng rực rỡ. Điều đó sẽ soi đường", Richard Yu nói lời thách thức chính quyền Trump.

Dù vậy, Richard Yu nói tình trạng thiếu chip do lệnh cấm cung cấp từ Mỹ bắt đầu ảnh hưởng đến đà tăng trưởng doanh số bán smartphone của Huawei trong tháng này.

Vài nguồn tin cho rằng Huawei sẽ chỉ sản xuất 50 triệu chiếc smartphone vào năm 2021. Cũng có nguồn đưa tin công ty Trung Quốc sẽ mở 50 cửa hàng thực trên khắp châu Âu. Song song đó, rộ tin rằng Huawei sẽ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh smartphone của mình.

Jeff Pu, nhà phân tích của công ty GF Securities (Trung Quốc), nhận định: “Lượng hàng tồn kho của Huawei cho mảng kinh doanh smartphone ít nhất có thể duy trì đến cuối năm nay, nhưng nó sẽ gặp vấn đề lớn vào năm tới nếu Mỹ không nới lỏng lệnh cấm”. Theo ước tính của GF Securities, Huawei vẫn có thể xuất xưởng 195 triệu smartphone trong năm nay nhưng con số có thể giảm xuống 50 triệu vào năm sau nếu quy định của Mỹ không thay đổi.

TikTok có thể bị buộc phải đóng cửa các hoạt động tại Mỹ vào tuần tới.

15.9 là thời hạn mà Tổng thống Donald Trump quy định cho ByteDance tự thoái vốn khỏi các hoạt động của TikTok tại Mỹ hoặc ứng dụng này phải ngừng hoạt động.

Ngoài ra, Tổng thống Trump ra hạn chót là ngày 20.9 tới để ByteDance bán TikTok tại Mỹ cho một công ty nước này, hoặc ứng dụng đối mặt với việc đóng cửa vào 29.9 tới. Theo Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), bất kỳ thỏa thuận nào mua bán TikTok phải được hoàn thành trước ngày 12.11.

CFIUS là cơ quan chuyên trách theo dõi các thương vụ nước ngoài mua lại các công ty Mỹ nhằm đảm bảo rằng các giao dịch này không gây rủi ro an ninh quốc gia.

TikTok đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ, tuyên bố rằng các quyền về thủ tục tố tụng của họ đã bị chà đạp vì không được trao quyền phản hồi lại lệnh hành pháp từ ông Trump.

Tổng thống Donald Trump khẳng định hạn chót đặt ra cho ByteDance bán TikTok ở Mỹ sẽ không được kéo dài thêm

TikTok có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ khiến chính quyền Trump lo lắng rằng dữ liệu cá nhân đang bị thu thập và gửi đến Trung Quốc. Nỗi lo đó vẫn tồn tại dù TikTok khẳng định sử dụng hai máy chủ để lưu trữ thông tin người dùng Mỹ: Một ở Mỹ và một ở Singapore.

TikTok đã được cài đặt hơn 2 tỉ lần từ App Store và Google Play Store. Ứng dụng này phát triển nhanh trong thời gian đại dịch COVID-19 xảy ra do thanh thiếu niên Mỹ và những người khác đua nhau tạo video để giết thời gian khi mắc kẹt ở nhà. Nội dung được tạo trên TikTok là video hát nhép, trò đùa, điệu nhảy,… Microsoft, Walmart, Oracle đã bày tỏ quan tâm đến việc mua TikTok.

ByteDance lưu ý rằng ngoài hơn 100 triệu người dùng, 1.500 nhân viên người nước này đang làm việc cho TikTok.

Trong khi ByteDance đang đàm phán bán TikTok ở Mỹ, Trung Quốc đưa ra một loạt các hạn chế xuất khẩu mới với 23 danh mục công nghệ hôm 28.8. Một trong những mặt hàng bị hạn chế là công nghệ “đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu”. Điều này có nghĩa là ByteDance sẽ phải xin phép Chính phủ Trung Quốc nếu muốn bán thuật toán đề xuất của TikTok trong bất kỳ giao dịch nào.

Dù vậy, nguồn tin từ Bloomberg cho hay thuật toán của TikTok không phải là điểm nhấn lớn với những người mua. Cả Microsoft và Oracle đều có kỹ thuật để xây dựng các thuật toán của riêng họ và sẽ lấy dữ liệu để tinh chỉnh chúng.

ByteDance đã đàm phán với chính quyền Trump về các giải pháp khả thi có thể cho phép họ giữ lại một số quyền sở hữu với hoạt động của TikTok tại Mỹ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý ở Trung Quốc lẫn Mỹ. Trong đó có việc ByteDance chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động dữ liệu TikTok cho một công ty công nghệ Mỹ nhưng vẫn có khả năng nắm giữ một số quyền sở hữu tài sản, theo CNBC. Thậm chí ByteDance cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump rằng ông sẽ phải đối mặt rủi ro chính trị lớn nếu cấm TikTok. Lý do vì đa số người dùng TikTok là thanh thiếu niên và họ có thể bức xúc với hành động này nên sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11 tới. Song, ý đồ của công ty Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn với tuyên bố từ Tổng thống Trump hôm 10.9 rằng: "TikTok sẽ bị đóng cửa vì lý do an ninh, hoặc họ sẽ phải bán nó. Sẽ không có việc kéo dài hạn chót cho TikTok”.

TikTok ở Mỹ có thể được định giá khoảng 20 tỉ USD. Trong khi TikTok toàn cầu có giá trị từ 50 tỉ đến 100 tỉ USD.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Apple ấp ủ phiên bản Siri trò chuyện tốt hơn cho iOS 19 để bắt kịp OpenAI và Google ở cuộc đua AI
Apple đã phát hành bản beta của Intelligence vào tháng 10, nhưng vẫn thiếu nhiều tính năng so với các gã khổng lồ công nghệ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple mở hội, TikTok và Huawei hồi hộp chờ ngày ‘tử thần’ 15.9