Tờ New York Times chia sẻ câu chuyện của Joanne Li, cô gái từng bị cảnh sát bắt giam sau khi đăng bài viết sự xấu đi trong quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Canada.

Ký ức kinh hoàng của cô gái bị cảnh sát bắt vì đăng bài bất lợi cho Trung Quốc trên WeChat

07/09/2020, 12:15

Tờ New York Times chia sẻ câu chuyện của Joanne Li, cô gái từng bị cảnh sát bắt giam sau khi đăng bài viết sự xấu đi trong quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Canada.

Sau khi Joanne Li chia sẻ một bài báo trên WeChat, 4 cảnh sát đã xuất hiện tại căn hộ của gia đình cô, mang theo súng và khiên chống bạo động - ảnh: NYT

WeChat trở thành đường dẫn toàn cầu để kết nối cộng đồng người Hoa ở nước ngoài với người trong nước nhưng bị giám sát bởi chính quyền Bắc Kinh.

Ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Joanne Li nhận ra WeChat, ứng dụng kết nối cô với những người nhập cư Trung Quốc, khiến “cô bị ngắt kết nối với thực tế”.

Những gì Joanne Li đọc trên WeChat đều cho thấy Donald Trump là nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ và doanh nhân ấn tượng. Cô tin rằng đó là sự đồng thuận không thể nghi ngờ với Tổng thống Mỹ mới đắc cử. Song sau đó, tôi bắt đầu nói chuyện với một số người nước ngoài về ông Trump, không phải người Trung Quốc. Tôi đã hoàn toàn bối rối", Joanne Li kể.

Sống ở Toronto, Canada thời điểm đó, Joanne Li bắt đầu đọc nhiều hơn và ngày càng thấy WeChat chứa đầy những lời đồn thổi, thuyết âm mưu và những lời nói dối hoàn toàn. Một bài viết tuyên bố Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đã lên kế hoạch hợp pháp hóa ma túy đá. Một tin đồn khác cho rằng Canada bắt đầu bán cần sa trong các cửa hàng tạp hóa. Bài đăng từ một tài khoản tin tức ở Thượng Hải cảnh báo người Trung Quốc nên cẩn thận kẻo lỡ mang ma túy từ Canada về và bị bắt.

Joanne Li cũng đặt câu hỏi về những gì đang được nói về Trung Quốc. Khi giám đốc tài chính và phó chủ tịch của Huawei (bà Mạnh Vãn Chu) bị bắt ở Canada vào năm 2018, các bài viết từ phương tiện truyền thông nước ngoài đã nhanh chóng bị kiểm duyệt trên WeChat.

Những người bạn Trung Quốc của Joanne Li cả trong và ngoài nước bắt đầu nói rằng Canada không có công lý, điều này mâu thuẫn với sự hiểu biết của chính cô.

“Đột nhiên, tôi phát hiện ra rằng việc nói chuyện với những người khác về vấn đề này là vô nghĩa. Cảm giác như nếu tôi chỉ xem truyền thông Trung Quốc thì mọi suy nghĩ của tôi sẽ khác”, Joanne Li nói.

Joanne Li không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận điều xấu đi đôi với điều tốt.

Với hầu hết người Trung Quốc trong nước, WeChat là ứng dụng tất cả trong một: Một cách để trao đổi câu chuyện, chat với bạn học cũ, thanh toán hóa đơn, phối hợp với đồng nghiệp, đăng ảnh kỳ nghỉ gây ghen tị, mua đồ, nhận tin tức... Với hàng triệu thành viên của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, WeChat là cầu nối liên kết họ với gia đình, từ cuộc trò chuyện đến chia sẻ những bức ảnh ăn uống.

Xuyên suốt tất cả là sự giám sát và tuyên truyền thông tin của Chính phủ Trung Quốc. Khi trở nên phổ biến, WeChat đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát xã hội, một cách để chính quyền Trung Quốc hướng dẫn và giám sát những gì người dân nói, chat và đọc.

WeChat thậm chí mở rộng phạm vi tiếp cận của Bắc Kinh ra ngoài biên giới. Khi đưa ra các mối đe dọa ở nước ngoài, cảnh sát mật thường làm điều đó trên WeChat. Khi các nhà nghiên cứu quân sự làm việc bí mật ở Mỹ cần nói chuyện với các đại sứ quán của Trung Quốc, họ sử dụng WeChat…

Là nền tảng do Trung Quốc giám sát, WeChat hiện được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia ở Mỹ. Chính quyền Trump đã đề xuất cấm hoàn toàn WeChat cùng TikTok. Chỉ trong một đêm, hai trong số những ứng dụng tạo nên sự đổi mới internet lớn nhất của Trung Quốc thành mặt trận mới trong cuộc tranh chấp công nghệ rộng lớn giữa Trung với Mỹ.

Bị chính quyền Trump gộp chung vào cùng một nhóm đe dọa an ninh quốc gia, WeChat và TikTok lại đại diện cho hai cách tiếp cận riêng biệt với Great Firewall (tường lửa vĩ đại, giúp Trung Quốc chặn truy cập vào các trang web nước ngoài).

TikTok được biết đến nhiều hơn và thiết kế cho thế giới rộng lớn bên ngoài sự kiểm duyệt của Trung Quốc.

Bằng cách tạo ra một ứng dụng độc lập để thu hút người dùng toàn cầu, công ty sở hữu TikTok, ByteDance, đã mang đến đối trọng với những gã khổng lồ internet phương Tây.

Sự tách biệt của TikTok khỏi Douyin (ứng dụng tương tự của ByteDance ở Trung Quốc) cùng sự phổ biến đã thúc đẩy các chiến dịch từ công ty Mỹ cứu nó, ngay cả khi Bắc Kinh có khả năng hủy bỏ bất kỳ giao dịch nào bằng cách dán nhãn công nghệ cốt lõi của mình (thuật toán đề xuất video của TikTok) là ưu tiên an ninh quốc gia.

Dù có các quy tắc khác nhau cho người dùng bên trong và ngoài Trung Quốc nhưng WeChat vẫn là một mạng xã hội thống nhất dưới sự kiểm sát của Great Firewall. Theo đó, WeChat giúp đưa quyền kiểm duyệt của Trung Quốc ra thế giới.

Một lệnh cấm WeChat từ Tổng thống Trump sẽ cắt đứt hàng triệu cuộc trò chuyện giữa người dùng ở Mỹ với Trung Quốc. Đó là lý do khiến Liên minh người dùng WeChat ở Mỹ (cho biết không liên kết với chủ sở hữu ứng dụng là Tencent) đã đệ đơn kiện chính quyền Trump trong nỗ lực tìm cách ngăn lệnh cấm giao dịch với WeChat.

Lệnh cấm WeChat sẽ cắt đứt hàng triệu cuộc trò chuyện. Đây sẽ là một chiến thắng cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang tìm cách đẩy lùi sự xâm phạm quá mức từ nền công nghệ độc tài của Trung Quốc - ảnh: NYT

Joanne Li đã trực tiếp cảm nhận được sức mạnh từ sự kiểm soát internet của Trung Quốc khi trở lại nước này vào năm 2018 để nhận công việc về bất động sản. Sau khi trải nghiệm ở nước ngoài, cô tìm cách cân bằng trong tư tưởng khi đọc thông tin trong các nhóm chia sẻ bài viết về các sự kiện thế giới trên WeChat.

Khi coronavirus bùng phát vào đầu năm 2020 và mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trên thế giới trở nên căng thẳng, Joanne Li đã đăng một bài viết trên WeChat từ RFA (được điều hành bởi BBG, cơ quan của chính phủ Mỹ) về sự xấu đi trong quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Canada, một nội dung đáng lẽ đã bị kiểm duyệt.

Ngày hôm sau, bốn cảnh sát xuất hiện tại căn hộ của gia đình Joanne Li. Họ mang theo súng và khiên chống bạo động.

“Mẹ tôi vô cùng sợ hãi. Mặt bà ấy mặt trở nên trắng bệch khi nhìn thấy họ", Joanne Li kể.

Các cảnh sát đưa Joanne Li cùng với điện thoại và laptop của cô đến đồn cảnh sát địa phương. Joanne Li cho biết họ đã xoay chân cô vào một thiết bị hạn chế được gọi là "ghế hổ" để thẩm vấn. Họ hỏi liên tục về bài báo và các liên hệ WeChat của Joanne Li ở nước ngoài trước khi nhốt cô trong xà lim qua đêm.

Hai lần Joanne Li được trả tự do rồi bị đưa trở lại đồn cảnh sát để thẩm vấn tiếp. Joanne Li cho biết một sĩ quan cảnh sát thậm chí còn khẳng định Trung Quốc có quyền tự do ngôn luận khi chất vấn cô về những gì đã nói trên mạng: “Tôi không nói gì cả. Tôi chỉ nghĩ quyền tự do ngôn luận của bạn là gì? Có phải tự do kéo tôi vào đồn cảnh sát, giữ lại và làm tôi mất ngủ sau khi tra khảo không?”.

Cuối cùng cảnh sát buộc Joanne Li phải viết ra một lời thú nhận và lời thề ủng hộ Trung Quốc, sau đó thả cô đi.

Công ty mẹ của WeChat, gã khổng lồ internet Tencent, ban đầu đã xây dựng cơ sở người dùng khổng lồ trên một ứng dụng trò chuyện được thiết kế cho máy tính cá nhân. Tuy nhiên, thế hệ ứng dụng trò chuyện di động mới đã làm đảo lộn cách mà giới trẻ Trung Quốc chat với nhau.

Kỹ sư có tầm nhìn xa của Tencent, Allen Zhang, đã gửi tin nhắn cho người sáng lập công ty là Pony Ma và bảy tỏ lo ngại rằng họ không theo kịp. Điều đó dẫn đến một nhiệm vụ mới và ông Allen Zhang nay đã biến WeChat thành ứng dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc.

WeChat dựa vào sự phổ biến của các nền tảng trực tuyến khác do Tencent điều hành, kết hợp thanh toán, thương mại điện tử và truyền thông xã hội thành một dịch vụ duy nhất.

WeChat trở thành một hit và cuối cùng làm lu mờ các ứng dụng truyền cảm hứng cho nó. Tencent, công ty kiếm được hàng tỉ USD từ các game online trong các nền tảng khác nhau của mình, giờ đây có cách kiếm tiền từ hầu hết mọi khía cạnh danh tính kỹ thuật số của một người, bằng cách phân phối quảng cáo, bán đồ, xử lý thanh toán và hỗ trợ các dịch vụ như giao đồ ăn.

Thế giới công nghệ trong và ngoài Trung Quốc ngạc nhiên vì WeChat. Đối thủ của Tencent, Alibaba đã cố gắng tìm ra sản phẩm của riêng mình để cạnh tranh với WeChat. Thung lũng Silicon (Mỹ) nghiên cứu cách WeChat kết hợp các dịch vụ và học hỏi theo nó.

Tencent đã đẩy mạnh hoạt động tiếp thị ra nước ngoài, thậm chí thuê siêu sao bóng đá Lionel Messi làm phát ngôn viên ở một số thị trường. Với người dùng không phải Trung Quốc, WeChat đã tạo ra một bộ quy tắc riêng. Các tài khoản quốc tế sẽ không bị kiểm duyệt trực tiếp và dữ liệu sẽ được lưu trữ trên các máy chủ ở nước ngoài.

Thế nhưng, WeChat sẽ không có sức hấp dẫn nếu không tích hợp nhiều dịch vụ chỉ có ở Trung Quốc. Nó trông thô sơ hơn ở nước ngoài giống như nhiều ứng dụng trò chuyện khác. Người dùng chính của WeChat ở nước ngoài là cộng đồng người Trung Quốc.

Theo thời gian, sự khác biệt giữa ứng dụng WeChat ở Trung Quốc và quốc tế đã ít đi. Những người Trung Quốc tạo tài khoản trong nước, nhưng sau đó rời đi, mang theo tài khoản bị kiểm duyệt và giám sát. Nếu người dùng quốc tế trò chuyện với người ở Trung Quốc qua WeChat, bài đăng của họ có thể bị kiểm duyệt.

Tin tức và những câu chuyện phiếm hầu hết đến từ người dùng WeChat ở Trung Quốc và lan rộng ra thế giới. Trong khi hầu hết các mạng xã hội đều có vô số bộ lọc, WeChat lại bị chi phối bởi siêu bộ lọc và bám sát vào các câu chuyện tuyên truyền chính thức.

“Các bộ lọc trên WeChat không liên quan gì đến thuật toán mà đến từ hệ sinh thái internet khép kín và hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc. Điều đó khiến chúng trở nên tồi tệ hơn các phương tiện truyền thông xã hội khác ”, Fang Kecheng, giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết.

Trung Quốc bắt WeChat kiểm duyệt gắt gao từ khóa trong đại dịch COVID-19

Người Tây Tạng tị nạn tại Ấn Độ dùng WeChat chat với người thân ở quê dù bị Trung Quốc giám sát

Nhân Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức kinh hoàng của cô gái bị cảnh sát bắt vì đăng bài bất lợi cho Trung Quốc trên WeChat