Mặc dù PV xuất trình giấy giới thiệu nhưng cho rằng PV chưa có thẻ nhà báo nên đại diện Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc, tỉnh An Giang không cho PV tác nghiệp.
Tốn bạc triệu còn thêm lo
Gửi đơn phản ánh đến PV Một Thế Giới, bà Phạm Thị Mách (SN 1966, ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) trình bày: “Vào ngày 27.8.2020 tôi đến Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang để khám tổng quát. Tôi được nhân viên y tế tư vấn và đề nghị tôi khám dịch vụ (dù tôi có đem theo thẻ bảo hiểm y tế).
Đơn phản ánh gửi đến Một Thế Giới - Ảnh: Tô Văn
Quá trình khám bác sĩ cho tôi làm một số xét nghiệm trong đó có xét nghiệm Anti-HCV với tổng chi phí xét nghiệm là 2.280.000 đồng. Riêng xét nghiệm HCV Ab là 875.000 đồng. Tiền thuốc 427.000 đồng. Đến buổi sáng cùng ngày tôi nhận đủ kết quả và được bác sĩ tư vấn là tôi bị nhiễm virus viêm gan C.
Vừa nghe xong kết quả bản thân tôi suy sụp hoàn toàn, vì bản thân tôi hiện nay đang làm tạp vụ cho gia đình người ta thì lấy đâu ra số tiền lớn để chữa bệnh viêm gan C đồng nghĩa với tính mạng tôi bị đe dọa vì căn bệnh này. Sau đó tôi gọi điện thoại cho con tôi hay và được con tôi động viên tinh thần”, bà Mách trình bày trong đơn.
Đơn thuốc của Bệnh viên đa khoa Hạnh Phúc đưa cho bà Mách có ghi chẩn đoán nhiễm virus viêm gan C - Ảnh: Tô Văn
Cũng theo nội dung trình bày trong đơn của bà Mách thì đến ngày 28.8.2020 bà được con chở đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh An Giang làm lại xét nghiệm viêm gan C. Bất ngờ khi TTKSBT trả kết quả âm tính, đồng nghĩa bà không bị nhiễm vi rút viêm gan C. Bà rất vui với kết quả này nhưng vẫn chưa tin. Nên đến ngày 31.8.2020 bà tiếp tục đến phòng khám chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh xét nghiệm y khoa của bác sĩ Nguyễn Văn Hữu và bác sĩ Lê Thị Xuân Ứng tiến hành xét nghiệm viêm gan C.
Phiếu kết quả của 1 trong 2 nơi khác xét nghiệm bà Mách là âm tính với viêm gan C- Ảnh: Tô Văn
Kết quả xét nghiệm viêm gan C lần này vẫn là âm tính. Nhận thấy kết quả xét nghiệm của TTKSBT và phòng khám chuyên khoa là âm tính còn Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc thì kết quả dương tính nên con trai bà có tìm hiểu thì được biết Bệnh viện Hạnh Phúc cho xét nghiệm Anti-HCV là tìm kháng thể. Còn viêm gan C được viết tắt là HCV virus C (Anti-HCV) là miễn dịch chống lại vi rút. Về cơ bản Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc xét nghiệm Anti-HCV dựa trên kết quả cho thấy bà đã có kháng thể. Nhưng kết quả chẩn đoán lại cho bà là nhiễm vi rút viêm gan C!
“Cần coi lại nghiệp vụ cũng như y đức từ phía nhân viên y tế Bệnh viện Hạnh Phúc. Tại sao không xét nghiệm viêm gan C từ đầu để biết tôi có nhiễm viêm gan C hay chưa mà lại xét nghiệm Anti-HCV với chi phí xét nghiệm gần 900.000 đồng? Trong khi chi phí xét nghiệm viêm gan C chỉ vài chục ngàn đồng. Quy trình xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc cũng như công tác khám chữa bệnh và chẩn đoán có đúng chưa?”, bà Mách thắc mắc trong đơn.
Ngăn cản PV có giấy giới thiệu tác nghiệp vì chưa có thẻ nhà báo
Nắm thông tin vụ việc nên vào khoảng 14 giờ 30 ngày 5.10 PV liên hệ qua điện thoại với TS.BS Lưu Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc xin đặt lịch làm việc. Và ông trả lời qua điện thoại: “Em đi xét nghiệm tại bệnh viện của anh rồi đi ra xét nghiệm ở ngoài rồi lại vô đối chứng, anh đã báo với Sở Y tế rồi. Sở Y tế nắm tình hình, nếu muốn làm việc thì qua sở”.
Nhưng PV chỉ nói xin nắm thông tin hai chiều để khách quan, chính xác và xin cuộc hẹn làm việc thì TS.BS Hùng đồng ý gặp vào lúc 15 giờ 30 cùng ngày với điều kiện có giấy tờ chứng minh là nhà báo. Và hơn 10 phút sau, PV nhận được cuộc gọi tới từ giọng 1 phụ nữ xưng là Hồ Thị Ngọc Hiếu, giới thiệu là nhân viên Phòng Tổ chức của Bệnh viện Hạnh Phúc: “PV sẽ gặp tôi và chuẩn bị giấy giới thiệu, thẻ nhà báo, đơn phản ánh. Nếu PV đến thấy đầy đủ, còn không là xin hẹn lại”, chị Hiếu nói.
Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc - Ảnh: Tô Văn
Đúng 15 giờ 30 PV vào bệnh viện và liên hệ với chị Hiếu thì được chị này dắt vào khu vực tại 2 phòng khám VIP ngồi (ngay tại sảnh bệnh viện - PV). Đợi được khoảng 10 phút thì chị Hiếu và 1 phụ nữ mặc áo blouse cùng TS.BS Phan Quốc Hùng, Phó giám đốc bệnh viện đưa vào phòng khám của TS.BS Hùng để trao đổi. Chưa kịp ngồi xuống thì chị Huệ nói với TS.BS Hùng kêu PV đưa giấy giới thiệu. Khi kiểm tra giấy giới thiệu và giấy CMND của PV xem có giả mạo hay không thì chị Hiếu nói chỉ làm việc khi có... thẻ nhà báo.
“Phóng viên” trong Luật Báo chí được hiểu là chức danh “Phóng viên” nhưng có thể chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Phóng viên là người đến cơ sở, thông qua các biện pháp nghiệp vụ của mình khai thác, xử lý thông tin viết bài đăng báo. Thông thường phóng viên chưa có thẻ nhà báo khi đến cơ sở có thể dùng giấy giới thiệu của cơ quan và một số giấy tờ chứng minh nhân thân là đủ điều kiện làm việc bởi Luật Báo chí và các văn bản dưới luật cũng quy định đơn vị tác nghiệp dùng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đi.
Nhưng chị Hiếu lớn tiếng yêu cầu PV đừng đưa Luật Báo chí ra đây, nếu có thẻ nhà báo là mới tiếp, không thì thôi. Thấy 1 nhân viên ăn nói ngang ngược trong khi có TS.BS Hùng là cấp trên ngồi đó nên PV có hỏi chị và TS.BS Hùng là PV sẽ làm việc với ai trong 3 người. Lúc này chị Hiếu liền nói có thẻ nhà báo mới làm việc không thì mời về.
Chị Hiếu, nhân viên phòng tổ chức (áo thun trắng, quần jean đen) yêu cầu PV phải có thẻ nhà báo mới tiếp - Ảnh: Tô Văn
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết từ thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy vẫn có nhiều phóng viên, nhà báo đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số đơn vị, tổ chức. Có nhiều trường hợp, khi phóng viên được cơ quan báo chí cử đi đến một số đơn vị, tổ chức làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi ngoài giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có thẻ nhà báo.
Tuy nhiên đó là một số ít những người thiếu am hiểu pháp luật nên không nắm được việc này, vẫn phân biệt nhà báo với phóng viên dẫn đến có thái độ coi thường và không hợp tác để phóng viên tác nghiệp đúng luật. Cũng theo vị luật sư này, có những ý kiến cho rằng phóng viên phải có thẻ nhà báo là để đảm bảo về trình độ của người tác nghiệp, nhưng họ không hiểu hoạt động báo chí có đặc thù riêng, chất lượng bài báo không phụ thuộc vào việc họ đã được cấp thẻ nhà báo hay chưa mà phần lớn được điều chỉnh bởi khả năng phát hiện đề tài, phân tích thông tin.
Hơn nữa khi cơ quan báo chí có giấy giới thiệu cử phóng viên đi xác minh thông tin viết bài là đã có sự cân nhắc, lựa chọn những người có đủ năng lực, trình độ, bởi phía sau mỗi bài báo của phóng viên được cử đi lấy thông tin viết bài còn có trách nhiệm của cả Ban biên tập tờ báo đó. Nếu các đơn vị tổ chức còn nghi ngờ không đúng người được cử đi tác nghiệp thì đề nghị cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân là đủ.
“Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1.1.2017 đã quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Cụ thể, tại khoản 12, điều 9 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”, vị luật sư này nhận định.