Tập đoàn Alibaba (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc) vừa ký một thỏa thuận với chính phủ Campuchia để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số và lĩnh vực kinh doanh nhỏ của nước này.
Động thái này diễn ra trong khuôn khổ thương mại do người sáng lập Alibaba - Jack Ma khởi xướng và thể hiện cam kết của công ty thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc với thị trường Đông Nam Á.
Bộ thương mại Campuchia đã ký thỏa thuận Nền tảng thương mại thế giới điện tử (eWTP) với Alibaba bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) trong tuần này để tăng cường hợp tác trong thương mại điện tử, điện toán đám mây, tài năng kỹ thuật số và du lịch.
Khởi xướng bởi Jack Ma vào năm 2016, eWTP là sáng kiến do khu vực tư nhân dẫn đầu và nhiều bên tham gia để thúc đẩy sự hợp tác công tư cũng như đối thoại hỗ trợ thương mại toàn cầu. Khu tự do do Alibaba tài trợ ở Hành lang kinh tế phía đông Thái Lan, cũng là một phần của nền tảng eWTP, đã hoạt động vào cuối năm ngoái.
Riêng Jiang Fan, Giám đốc điều hành Alibaba International Digital Commerce Group, 1 trong 6 tập đoàn kinh doanh của Alibaba, đã gặp Thủ tướng Thái Lan - Srettha Thavisin bên lề diễn đàn để thảo luận về hợp tác thương mại điện tử và du lịch.
Sự hợp tác của Alibaba với Campuchia gồm cả việc mở 15 cửa hàng trên nền tảng thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) Alibaba.com, nơi các doanh nghiệp công ty Đông Nam Á có thể tiếp cận người mua tiềm năng từ hơn 200 quốc gia.
Thủ tướng Campuchia - Hun Manet cho biết: “Alibaba có lợi thế và khả năng về nền tảng thương mại điện tử cũng như sức mạnh nhân tài”. Ông nói thêm rằng việc ra mắt quan hệ đối tác eWTP sẽ “mang lại nhiều cơ hội hơn cho thanh niên, doanh nhân, nông dân Campuchia tham gia vào thương mại toàn cầu, kích thích nhiều đổi mới hơn và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước”.
Alibaba đã tăng cường nỗ lực nhằm mở rộng toàn cầu. Thương mại quốc tế đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh phát triển nhanh nhất của Alibaba, cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc khác như TikTok của ByteDance, ứng dụng thời trang nhanh Shein và Temu của PDD Holding.
Thời trang nhanh là những bộ trang phục hợp xu hướng với mức giá thấp, rất dễ tiếp cận người dùng. Chúng thường được lấy ý tưởng, thậm chí là sao chép từ các trang phục người nổi tiếng mặc, hoặc là những mẫu thiết kế thời trang đang gây chú ý trên sàn catwalk.
Vào cuối tháng 9, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã áp đặt lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử thông qua các ứng dụng mạng xã hội để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ của đất nước. TikTok đã tuân thủ chỉ thị của Indonesia vào ngày 4.10, ngừng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.
TikTok từng phải đối mặt với những cú sốc ở Indonesia trước đây. Vào tháng 7.2018, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm ứng dụng video ngắn của tập đoàn ByteDance vì phân phối “nội dung khiêu dâm, không phù hợp và báng bổ”. TikTok đã phản ứng bằng cách bổ sung thêm người kiểm duyệt nội dung ở Indonesia và lệnh cấm đã được dỡ bỏ 8 ngày sau đó.
Việc Indonesia cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến mô hình kinh doanh của TikTok. Lý do vì TikTok từng đặt niềm hi vọng vào tương lai về sự phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử, biến hàng triệu lượt xem trên nội dung lan truyền của họ thành một nguồn doanh thu ổn định.
TikTok lần đầu tiên bắt đầu cung cấp dịch vụ mua sắm trong ứng dụng vào giữa năm 2021 và đã thu hút các thương nhân bán hàng hóa của họ trên nền tảng này.
Với 273 triệu người, Indonesia là thị trường đầu tiên cũng như lớn nhất của TikTok Shop và mua sắm trực tuyến đã trở thành tính năng phát triển nhanh nhất ứng dụng này khi lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở quốc gia Đông Nam Á.
Đông Nam Á hiện là thị trường tăng trưởng quan trọng của TikTok, nhưng nếu các quốc gia khác làm theo Indonesia trong việc cấm các công ty truyền thông xã hội bán hàng, điều đó có thể làm suy yếu tiềm năng thương mại của ứng dụng này. Hơn nữa, TikTok tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại về quy định ở Mỹ và châu Âu, phần lớn là về các vấn đề an ninh quốc gia.
Alibaba.com, chi nhánh kinh doanh trực tuyến quốc tế của Alibaba, đang cố gắng thu hút nhiều thương nhân từ TikTok từng bán hàng ở Đông Nam Á sau khi ứng dụng video ngắn này buộc phải tạm dừng các hoạt động thương mại điện tử ở Indonesia.
Alibaba.com, nền tảng B2B do Alibaba tạo ra vào năm 1999, cho biết đã đưa ra S Plan, cung cấp hỗ trợ “lưu lượng truy cập, hoạt động và hậu cần” cho những thương nhân bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi quy tắc của Indonesia.
Theo kế hoạch, Alibaba.com cung cấp dịch vụ “di dời bằng một nút bấm” cho các thương nhân để mở cửa hàng mới trên Alibaba.com và di chuyển sự hiện diện trực tuyến của họ, gồm cả các công cụ dịch thuật và phân loại thông minh. Alibaba.com không đề cập đến TikTok trong tuyên bố của mình.
Với các cửa hàng mới mở, Alibaba.com hứa hẹn hỗ trợ lưu lượng truy cập từ 3 đến 6 tháng để giúp họ tiếp xúc nhiều hơn với những người mua tiềm năng. Đặc biệt, Alibaba.com sẽ cung cấp các kế hoạch xuất khẩu phù hợp cho từng thương nhân, cho phép họ nhắm mục tiêu tốt hơn vào thị trường Đông Nam Á.
Nền tảng này cho biết Alibaba.com cũng sẽ chỉ định nhân viên dịch vụ đặc biệt hỗ trợ “từng người một” cho các thương nhân để hoàn tất các thủ tục tài khoản và hậu cần.
Alibaba.com cho biết: “Do các quy định thương mại điện tử gần đây của Indonesia, sự bất ổn trong thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới ở Đông Nam Á đã tăng lên”, đồng thời hy vọng sẽ trở thành thiên đường cho “ngoại thương kỹ thuật số B2B”.
Đông Nam Á được coi là thị trường đang phát triển và sinh lợi cho nhiều thương nhân Trung Quốc.
Trong bối cảnh tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sâu rộng, Alibaba đã đầu tư thêm 845 triệu USD vào Lazada, đơn vị bán lẻ trực tuyến của họ trong khu vực Đông Nam Á, khi hướng tới việc mở rộng ra nước ngoài, tờ SCMP đưa tin vào tháng 7.