Theo Giám đốc điều hành ASML, hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, thêm một sản phẩm của họ nằm trong các hạn chế xuất khẩu mới được Mỹ công bố hôm 17.10.

CEO ASML: Thêm 1 sản phẩm bị Mỹ hạn chế xuất khẩu, nhu cầu của Trung Quốc vẫn mạnh

Sơn Vân | 19/10/2023, 12:38

Theo Giám đốc điều hành ASML, hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, thêm một sản phẩm của họ nằm trong các hạn chế xuất khẩu mới được Mỹ công bố hôm 17.10.

Tại cuộc họp báo sau kết quả kinh doanh quý 3/2023 của ASML (Hà Lan), Giám đốc điều hành Peter Wennink cho biết ông kỳ vọng nhu cầu từ các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ vẫn mạnh, bất chấp danh sách hạn chế xuất khẩu ngày càng tăng do chính phủ Mỹ và Hà Lan áp đặt.

Peter Wennink nói một sản phẩm của ASML không nằm trong quy tắc cấp phép xuất khẩu của Hà Lan nhưng đã bị giới hạn theo quy định xuất khẩu mới từ Mỹ.

Sản phẩm này, 1980Di của ASML, có thể được sử dụng để giúp chế tạo cả chip máy tính tương đối tiên tiến cũng như chip tầm trung và cũ hơn.

Peter Wennink nói: “Về nguyên tắc, 1980Di sẽ nằm trong các hạn chế kiểm soát xuất khẩu, nhưng chỉ khi chúng được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến”. Ông cho biết chỉ một số ít nhà máy Trung Quốc được coi là “tiên tiến”.

ASML thống trị thị trường thiết bị in thạch bản, được các nhà sản xuất chip lớn như TSMC, Samsung và Intel sử dụng để giúp tạo ra mạch của chip. Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của ASML sau Đài Loan và Hàn Quốc.

Thế nhưng, doanh số bán hàng sang Trung Quốc trong quý 3/2023 chiếm tới 46% tổng doanh số của ASML, trong bối cảnh nhu cầu từ các khu vực khác yếu hơn và khách hàng Trung Quốc vội vàng muốn đảm bảo có thiết bị từ ASML trước khi các hạn chế của Hà Lan có hiệu lực hoàn toàn.

Khách hàng Trung Quốc đang mua những chiếc máy tương đối cũ từ ASML của công ty Hà Lan cảnh báo rằng họ có thể sẽ không nhận được giấy phép từ chính phủ Hà Lan để mua một trong những dòng sản phẩm tiên tiến hơn bắt đầu từ tháng 1.2024.

Peter Wennink cho biết: “Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đạt đỉnh trong năm nay. Tôi nghĩ sẽ có một lượng lớn nhu cầu đến từ Trung Quốc với công nghệ trưởng thành”.

Ông nói thêm rằng các hạn chế xuất khẩu ảnh hưởng đến khoảng 15% doanh số bán hàng của ASML sang Trung Quốc.

Hôm 18.10, ASML đã cảnh báo rằng doanh số bán hàng của công ty năm 2024 có thể không thay đổi do các nhà sản xuất chip trì hoãn chi tiêu vốn trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn.

ASML đã báo cáo lợi nhuận ròng là 1,9 tỉ euro (2,01 tỉ USD) trong ba tháng kết thúc vào ngày 30.9, phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích.

ceo-asml-them-cong-cu-bi-my-cam-xuat-khau-nhu-cau-cua-trung-quoc-van-manh.jpg
Peter Wennink kỳ vọng nhu cầu từ các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ vẫn mạnh, bất chấp danh sách hạn chế xuất khẩu ngày càng tăng do chính phủ Mỹ và Hà Lan áp đặt - Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cảnh báo rằng những công ty Trung Quốc vẫn chậm nhiều năm trong việc sản xuất các hệ thống in thạch bản cần thiết để tiến xa hơn.

Ngay cả sau khi Trung Quốc dành nhiều năm theo đuổi mục tiêu tự lực về chất bán dẫn, các máy in thạch bản cần thiết để sản xuất chip tiên tiến ngày nay chỉ đến từ ASML. Những người trong ngành cho biết việc sản xuất loại máy móc phức tạp này hoàn toàn ở Trung Quốc khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Việc hạn chế tiếp cận các công cụ này đã trở thành rào cản chính để Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp chip của mình, ngay cả khi phân tích bên trong Huawei Mate 60 Pro kết luận rằng SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) đã tạo ra chip 7 nanomet của smartphone 5G này bằng sử dụng máy quang khắc cực tím sâu (DUV). Những hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã cấm ASML bán các máy máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến hơn cho Trung Quốc kể từ năm 2019. Các chip do Huawei thiết kế có thể vượt xa ranh giới những gì có thể sản xuất được với thiết bị hiện có của SMIC.

Li Jinxiang, Phó tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Thiết bị Sản xuất Điện tử Trung Quốc, nói rằng không có máy in thạch bản nào do Trung Quốc sản xuất có sẵn để tạo ra chip ở bước đầu tiên (quá trình tạo ra các thành phần điện tử cơ bản của chip) và việc phát triển thiết bị trong nước sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong lĩnh vực in thạch bản. Không một dây chuyền sản xuất chip nào ở Trung Quốc trang bị hệ thống in thạch bản do Trung Quốc sản xuất, hầu hết chúng chỉ được sử dụng trong nghiên cứu học thuật”, Li Jinxiang nói.

Trung Quốc đã làm việc trong nhiều năm để phát triển hệ thống in thạch bản của riêng mình, đặt hy vọng vào Shanghai Micro Electronics Equipment Group (SMEE) thuộc sở hữu nhà nước. Thế nhưng, chiếc máy tốt nhất của SMEE cho đến nay, máy quét SSA600/20, chỉ có khả năng phân giải in thạch bản 90 nanomet, thua xa các đối thủ toàn cầu như AMSL và Nikon (Nhật Bản).

Đó không phải lỗi của SMEE, vì công ty đang xử lý “vấn đề khó khăn nhất trong lĩnh vực thiết bị”, theo Zhu Yu, người sáng lập hãng Beijing U-precision Tech, trang SCMP đưa tin.

Vào tháng 8, tờ Securities Daily đưa tin SMEE có thể cung cấp máy in thạch bản có khả năng 28 nanomet đầu tiên vào cuối năm nay - một thành tựu sẽ là bước đột phá trong nỗ lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc.

Theo Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao tại Trung Quốc và lãnh đạo chính sách công nghệ tại Albright Stonebridge Group, việc khắc phục các hạn chế với EUV đồng nghĩa các công ty như SMEE cần có những đột phá trên nhiều công nghệ, bao gồm “nguồn sáng, quang học tiên tiến và tích hợp hệ thống”.

Có những nỗ lực lớn đang được tiến hành ở Trung Quốc trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển bộ công nghệ then chốt quan trọng với kỹ thuật in thạch bản EUV, nhưng ít nhất cần từ 4 đến 5 năm trước khi có thể sản xuất một hệ thống có khả năng thương mại dựa trên các nhà cung cấp Trung Quốc”, Paul Triolo nói.

Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc công nghệ và địa chính trị tại Stiftung Neue Verantwortung (SNV) - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin (thủ đô Đức), cho biết chuỗi cung ứng vẫn là một trở ngại lớn.

SMEE vẫn chưa đạt được trình độ cần thiết và điều này phần lớn là do các nhà cung cấp của họ. Để đạt được hệ thống DUV nhúng sản xuất trong nước, họ cần hàng trăm, hàng nghìn bước đột phá trên toàn bộ mạng lưới nhà cung cấp của SMEE một cách nhất quán và đồng thời”, Jan-Peter Kleinhans bình luận.

Khi Mỹ thắt chặt hạn chế với ngành bán dẫn của Trung Quốc, các hãng sản xuất công cụ dùng để tạo ra chip của quốc gia châu Á đang được hưởng lợi, với đơn đặt hàng từ tăng nhanh những tháng gần đây.

Nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip ở Trung Quốc, chẳng hạn Naura và AMEC, đang giành được tỷ lệ thắng thầu cao hơn nhiều từ các nhà máy Trung Quốc so với những năm trước. Điều này diễn ra khi Trung Quốc chạy đua để thay thế thiết bị nước ngoài bằng sản phẩm trong nước.

Theo phân tích trên 182 hồ sơ dự thầu của hãng Huatai Securities vào tháng trước, 47,25% công ty Trung Quốc thắng các cuộc đấu thầu thiết bị sản xuất chip của các nhà máy địa phương từ tháng 1 đến tháng 8.2023.

Các nhà phân tích cho biết 62% các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc thắng thầu từ tháng 7 đến tháng 8.2023, so với chỉ 36,3% từ tháng 3 đến tháng 4.2023.

Điều đó đánh dấu bước ngoặt với ngành, phản ánh thực tế rằng các hạn chế của Mỹ với nhập khẩu công nghệ khó có thể giảm bớt mà trở nên tồi tệ hơn và sự tự lực là con đường phía trước, như Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình thúc giục.

Chính quyền Biden hôm 17.10 đã mở rộng các biện pháp nhắm vào ngành công nghiệp chip Trung Quốc nhằm tìm cách ngăn chặn nước này nhận các công nghệ tiên tiến từ Mỹ để tăng cường quân đội. Các biện pháp này dự kiến sẽ được cập nhật hàng năm.

Hôm 18.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra lời chỉ trích với những hạn chế mới nhất về chip của Mỹ, nói rằng chúng vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng.

Bài liên quan
Nvidia có thể rời khỏi nhiều nước sau các biện pháp mới hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ
Nvidia cho biết có thể buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sau khi chính quyền Biden hôm 17.10 mở rộng các hạn chế với xuất khẩu một số công nghệ cao cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO ASML: Thêm 1 sản phẩm bị Mỹ hạn chế xuất khẩu, nhu cầu của Trung Quốc vẫn mạnh